Lý do đụng độ đổ máu Trung - Ấn không tiếng súng?
(Dân trí) - Tuy chỉ dùng gạch đá, gậy gộc, song vụ đụng độ giữa binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc hôm 15/6 ở biên giới tranh chấp là vụ ẩu đả nghiêm trọng nhất hơn 40 năm qua, khiến ít nhất 20 binh sĩ tử vong.
Một vụ đụng độ nghiêm trọng đã xảy ra giữa binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ tối 15/6 ở thung lũng Galwan, vùng Ladakh, ở biên giới tranh chấp Kasmir, cao hơn 4.000m so với mực nước biển.
Đây là vụ đụng độ nghiêm trọng nhất giữa 2 nước kể từ năm 1975 với ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng, trong khi phía Trung Quốc chưa tiết lộ thiệt hại.
Cả Trung Quốc và Ấn Độ đã triển khai một số tiểu đoàn và vũ khí đến gần khu vực tranh chấp khi căng thẳng bắt đầu leo thang cách đây hơn 1 tháng.
Tuy nhiên, khi đụng độ xảy ra hôm 15/6, binh sĩ hai bên không hề nổ phát súng nào hay sử dụng bom mìn, lựu đạn. Thay vào đó, họ được cho là chỉ dùng gạch đá, dùi cui và gậy gộc trong đó một số gậy được gắn đinh hoặc quấn dây thép gai. Một quan chức Ấn Độ cho biết với hãng tin BBC rằng, binh sĩ của họ thậm chí đấu tay đôi với binh sĩ Trung Quốc.
Có hai lý do chính giải thích cho biệc đụng độ không có tiếng súng. Thứ nhất, theo quân đội Ấn Độ, đụng độ xảy ra trong giai đoạn hai bên đối thoại giảm căng thẳng.
Một lý do khác đó là thỏa thuận giữa Trung Quốc và Ấn Độ ký kết năm 1996 nhằm xây dựng lòng tin giữa hai bên. Theo thỏa thuận này, tất cả quân nhân Trung Quốc và Ấn Độ đóng tại khu vực dọc Đường kiểm soát thực tế (LAC) phải kiềm chế, tránh leo thang căng thẳng.
Thỏa thuận nêu rõ, không bên nào được phép nổ súng, tiến hành các vụ nổ trong vòng bán kính 2km tính từ LAC. Ngoài ra, hai bên không được phép sử dụng bất cứ hóa chất độc hại nào hay săn bắn bằng súng và chất nổ trong khu vực tranh chấp. Các điều khoản này không áp dụng đối với các hoạt động tập dượt tại các trường bắn nhỏ.
Thỏa thuận quy định, trong trường hợp diễn tập quân sự, hướng chiến lược của lực lượng chủ lực không được phép hướng về phía bên còn lại. Thỏa thuận cũng cấm các cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn có sự tham gia của hơn 15.000 binh sĩ.
“Đó là một vụ đụng độ khác thường. Không hề có tiếng súng nào suốt 45 năm qua và rồi bỗng chốc 20 binh sĩ thiệt mạng chỉ sau một đêm giao tranh bằng đá và gậy gộc”, Shashank Joshi, biên tập viên về quốc phòng của tạp chí The Economist, bình luận.
Minh Phương
Theo Business Insider