Lựa chọn "hành động có tính toán" của Iran trong bão tố Trung Đông
(Dân trí) - Iran đã tiến hành cuộc không kích chưa từng có vào lãnh thổ Israel, đẩy tình hình căng thẳng ở khu vực Trung Đông tiếp tục leo thang.
Ngày 1/4, Iran cáo buộc Israel thực hiện một cuộc không kích vào khu lãnh sự của đại sứ quán Iran ở Damascus (Syria). Vụ việc khiến các chuyên gia chính trị và cộng đồng quốc tế lo ngại liệu cuộc tấn công có dẫn đến xung đột trực tiếp giữa hai quốc gia hay không? Iran có mọi lý do để trả đũa, vì Công ước Vienna về Quan hệ Ngoại giao năm 1961 vẫn còn hiệu lực.
Ngày 13/4, Tehran phóng hơn 300 máy bay không người lái (UAV) và tên lửa các loại về phía Israel. Israel ngay lập tức triển khai lực lượng đánh chặn, trong khi Mỹ và các đồng minh cũng hỗ trợ Israel đối phó cuộc tấn công của Iran.
Trận không kích của Iran đánh dấu cuộc tấn công đầu tiên từ lãnh thổ Iran vào Israel. Hai nước là quốc gia thù địch, nhưng cả hai đều chưa bao giờ tiến hành một cuộc tấn công trực tiếp và công khai vào lãnh thổ của nhau.
Các chuyên gia cho rằng hành động của Iran có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh toàn diện với những hậu quả khó lường và làm leo thang căng thẳng ở một khu vực vốn đã sôi sục vì các tranh chấp.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố ông sẵn sàng hành động cứng rắn trong trường hợp Iran tấn công. Theo ông Netanyahu, Iran đã hành động chống lại Israel trong nhiều năm và Israel sẽ đáp trả bất kỳ mối đe dọa nào đối với an ninh của nước này.
Vụ tấn công vào cơ sở ngoại giao ở Syria khiến tướng cấp cao của Iran Mohammad Reza-Zahedi thiệt mạng và động thái này buộc Tehran phải đáp trả. Tướng Zahedi là nhân vật mang tính biểu tượng trong Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) Iran và gần đây thường được so sánh với vị tướng huyền thoại Qasem Soleimani, người đã thiệt mạng cách đây 4 năm trong một cuộc không kích của Mỹ gần Baghdad.
Theo Hội đồng Liên minh các Lực lượng Cách mạng Hồi giáo, một liên minh gồm các đảng thân cận với lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei, tướng Zahedi đã trực tiếp tham gia vào việc lập kế hoạch và thực hiện chiến dịch Cơn lũ Al-Aqsa mà Hamas phát động chống lại Israel vào tháng 10/2023.
Vị tướng quá cố còn là "mối liên kết" quan trọng giữa Tehran và Damascus, cũng như Tehran và lực lượng Hezbollah ở Li Băng, đồng thời được cho là chỉ đạo các chiến binh Hamas tiến hành các hoạt động quân sự chống lại Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF).
Ngoài tướng Zahedi, tướng Mohammad Hadi Haji Rahimi và 9 (hoặc 11, theo một số nguồn tin) nhà ngoại giao của Iran đã thiệt mạng trong cuộc tấn công.
Mặc dù Iran cáo buộc Israel đứng sau vụ tấn công này, nhưng đến nay Israel vẫn chưa xác nhận. Giới lãnh đạo Israel chỉ nói chung chung rằng, họ đang hoạt động chống lại Iran, quốc gia hậu thuẫn lực lượng Hamas ở Gaza và Hezbollah ở Li Băng.
Phía Israel cho rằng lãnh sự quán Iran được Tehran sử dụng làm trụ sở của IRGC và Hezbollah. Iran không xác nhận thông tin này, nhưng cũng không phủ nhận.
Farhad Ibragimov, chuyên gia về Iran và Trung Đông, nhận định với RT rằng, điều này có thể hiểu được, vì không có gì bất hợp pháp hoặc bất thường về việc cố vấn quân sự, tùy viên quân sự và tướng lĩnh có mặt trong khuôn viên đại sứ quán và lãnh sự quán.
Tuy nhiên, theo thông lệ quốc tế, ngay cả trong chiến tranh, các đại sứ quán và lãnh sự quán không thể bị tấn công và việc tấn công trực tiếp vào cơ quan đại diện ngoại giao của bất kỳ quốc gia nào cũng tương đương với việc tuyên chiến với quốc gia đó.
Lãnh sự quán Iran nằm ở khu vực Mezza của Damascus. Khu vực này thường xuyên phải hứng chịu các cuộc không kích của Israel vì có căn cứ không quân và cơ sở lưu trữ ở đó.
Căn cứ không quân được sử dụng để vận chuyển vũ khí, trang bị và thiết bị quân sự của Iran cũng như phục vụ nhu cầu quân sự của quân đội Syria và phong trào Hezbollah mà Iran cũng hỗ trợ. Sau sự kiện Hamas phát động cuộc tấn công vào Israel hồi tháng 10/2023, Iran đã ngừng vận chuyển thiết bị đến căn cứ bằng đường hàng không mà thay vào đó sử dụng đường bộ, khiến tình báo Mỹ và Israel khó theo dõi.
3 ngày sau vụ việc, lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei đăng trên X (trước đây là Twitter) bằng tiếng Do Thái, tuyên bố sẽ đáp trả cuộc tấn công vào Damascus. Ông nói rằng Israel sẽ phải hối hận vì hành động này.
Vài ngày sau, tại cuộc gặp với các quan chức cấp cao Iran và đại sứ các nước Hồi giáo, ông Khamenei tuyên bố các nước Hồi giáo hợp tác với Israel, cung cấp vũ khí hoặc cung cấp hỗ trợ tài chính cho Israel là những "kẻ phản bội".
Tâm lý chống Israel luôn mạnh mẽ ở Iran, đặc biệt là trong giới giáo sĩ Hồi giáo có ảnh hưởng thân cận với ông Khamenei. Tuy nhiên, trước đó Israel chưa bị cáo buộc tấn công các cơ quan ngoại giao của Iran, đồng nghĩa với việc cuộc đối đầu đã lên một tầm cao mới. Điều này đặt ra câu hỏi: liệu Iran có thực sự muốn chiến tranh và liệu nước này có sẵn sàng cho một cuộc xung đột hay không?
Thế tiến thoái lưỡng nan của Iran
Iran có lực lượng quân sự hùng mạnh và có thể tự hành động. Dân số nước này đang tăng nhanh và đã tăng thêm 10 triệu người trong 11 năm qua. Nhiều nam giới muốn phục vụ trong quân đội Iran, được thúc đẩy bởi những nỗ lực tuyên truyền tích cực và phúc lợi của chính phủ.
Tuy nhiên, Iran từ lâu đã hạn chế tham gia xung đột trực tiếp và tình hình ở biên giới với Li Băng và Syria vẫn trong tầm kiểm soát, ngoại trừ một số cuộc đụng độ dữ dội nhưng chỉ mang tính cục bộ.
Tehran tuyên bố rằng họ không liên quan đến cuộc xung đột giữa Hamas và Israel sau cuộc tấn công của nhóm chiến binh Palestine vào Israel hồi tháng 10 năm ngoái. Ngay cả các đại diện của Israel cũng thừa nhận họ không trực tiếp chiến đấu chống lại Iran.
Vào tháng 11 năm ngoái, trong cuộc gặp với các đại diện của Hamas ở Tehran, lãnh tụ Khamenei đã nói rằng Iran sẽ không gây chiến với Israel. Ông cho biết Hamas đã không cảnh báo Iran về cuộc tấn công vào Israel và Tehran không có ý định chiến đấu thay mặt cho nhóm chiến binh này.
Tuy nhiên, Iran sẵn sàng hỗ trợ chính trị và cung cấp vũ khí cho Hamas. Vào thời điểm đó, một số chuyên gia cho rằng điều này không có nghĩa là Tehran e ngại chiến tranh hoặc chưa sẵn sàng cho điều đó, mà đúng hơn, họ không thấy có lý do gì để tham gia vào một cuộc xung đột quy mô lớn với Israel.
Giới tinh hoa Iran bị chia rẽ về vấn đề Israel (cũng như nhiều vấn đề khác). Nội bộ của lãnh tụ Khamenei bao gồm hai nhóm: nhóm giáo sĩ và các tướng quân đội của IRGC, những người có ảnh hưởng đến một số quyết định chính sách đối ngoại. Cả hai bên đều có ảnh hưởng khá lớn và được hỗ trợ bởi các thành phần khác nhau trong xã hội.
Ngoài ra còn có Tổng thống Iran Ebrahim Raisi, người về mặt pháp lý không chịu trách nhiệm về chính sách đối ngoại và an ninh của đất nước mà chỉ chịu trách nhiệm về các vấn đề kinh tế và nhân đạo. Tuy nhiên, lãnh tụ Khamenei vẫn chú ý đến ý kiến của Tổng thống Raisi. Hơn nữa, sau một thời gian, ông Raisi có thể kế nhiệm ông Khamenei với tư cách là lãnh tụ tối cao.
Giới giáo sĩ Iran theo truyền thống có quan điểm "diều hâu". Họ muốn giáng một đòn nặng nề vào Israel vì hai lý do.
Đầu tiên, Iran có quyền đáp trả, nếu không sẽ không thể "giữ thể diện" và điều này sẽ gây ra sự chỉ trích cả trong và ngoài nước Cộng hòa Hồi giáo. Họ cho rằng hình ảnh của Iran sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng và điều này sẽ khiến những người trung thành với Iran thất vọng.
Nguyên nhân thứ hai là Iran cho rằng, nếu họ không đáp trả, các đối thủ như Israel có thể lặp lại cuộc tấn công như vậy vì cho rằng Iran yếu kém.
Ngoài ra, các giáo sĩ coi cuộc tấn công vào cơ sở ngoại giao ở Syria như một đòn giáng nặng nề, vì sự kiện này diễn ra vào ngày 1/4, ngày mà 45 năm trước, vào năm 1979, Iran được tuyên bố là nước Cộng hòa Hồi giáo sau cuộc trưng cầu dân ý và cuộc cách mạng Hồi giáo.
Các tướng lĩnh IRGC, những người có tầm ảnh hưởng, cũng cho rằng Iran nên đáp trả, mặc dù họ tin rằng bất kỳ hành động trả đũa nào cũng có thể dẫn đến việc bùng nổ một cuộc chiến tranh toàn diện.
Phương Tây bày tỏ quan điểm khác nhau về sự leo thang của xung đột ở Trung Đông. Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Washington sẽ cung cấp mọi hỗ trợ cần thiết cho Israel trước mối đe dọa từ Tehran và các lực lượng ủy nhiệm của nước này, đồng thời lưu ý rằng các nghĩa vụ an ninh của Washington đối với Israel là "không thể phá hủy".
Trong khi đó, Liên minh châu Âu thực tế lại có quan điểm ngược lại. Brussels lên án hành động của Israel nhằm vào phái đoàn ngoại giao Iran và kêu gọi các bên thể hiện sự kiềm chế và ngăn chặn tình hình trong khu vực trở nên xấu đi.
Hơn nữa, Cơ quan Hành động Đối ngoại châu Âu đã công bố một thông cáo báo chí, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải tôn trọng nguyên tắc bất khả xâm phạm của các tòa nhà và nhân viên ngoại giao cũng như lãnh sự trong mọi trường hợp, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Tình trạng này đã bộc lộ những mâu thuẫn rõ ràng giữa các trung tâm quyền lực khác nhau ở phương Tây. Tuy nhiên, cả Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đều lo ngại giá dầu tăng đột biến trong trường hợp xảy ra xung đột lớn giữa Iran và Israel.
Iran là một trong những nước cung cấp nguồn năng lượng lớn cho thế giới và một cuộc chiến tranh nóng có thể gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế quy mô lớn, điều mà châu Âu rõ ràng muốn tránh. Một giả thuyết đặt ra là Tehran cũng có thể cho rằng trên thực tế, Mỹ có thể đứng đằng sau hành động của Israel và Washington đang lợi dụng điều này để gây sức ép với Iran.
Trong nhiều năm, Iran tránh trực tiếp tham gia vào các cuộc chiến tranh. Trong thập niên qua, chính quyền Iran đã tập trung vào việc cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân trong nước và chống lại các lệnh trừng phạt. Năm ngoái, Iran đã trở thành thành viên chính thức của tổ chức SCO và BRICS, chứng tỏ nước này đang nỗ lực đối thoại chính trị.
Đây là lý do Iran đã tích cực ủng hộ việc hình thành và phát triển các lực lượng quân sự ủy nhiệm nhằm bảo vệ lợi ích của mình trong khu vực. IRGC muốn sử dụng các lực lượng này để thực hiện hành động gián tiếp chống lại Israel.
Theo chuyên gia Farhad Ibragimov, một cuộc tấn công trả đũa của Iran có thể sẽ được thực hiện bởi phong trào Houthi ở Yemen và phong trào Hezbollah ở Li Băng. Nhưng lực lượng Houthi ở cách xa 2.000km, điều này làm giảm đáng kể hiệu quả của bất kỳ cuộc tấn công nào và việc triển khai lực lượng Hezbollah hiện là điều hợp lý.
Bình luận về vụ tấn công lãnh sự quán Iran, lãnh đạo Hezbollah Hassan Nasrallah nói rằng Tehran sẽ đáp trả trực tiếp cuộc tấn công của Israel. Theo ông, đây không chỉ là một cuộc tấn công vào Syria mà còn là một cuộc tấn công vào "khu vực của Iran". Ông Nasrallah cho rằng, Mỹ và Israel hiểu rằng Iran sẽ sớm đáp trả, nhưng chiến lược kháng cự tốt nhất là tránh "một cuộc xung đột quân sự cổ điển".
Iran đang phải đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan: Nước này cần duy trì uy tín đồng thời kiềm chế để tránh lôi kéo mình vào một cuộc xung đột quy mô lớn với Israel, một đồng minh của Mỹ.
"Iran sẽ phải đưa ra giải pháp đáp ứng nguyện vọng trong nước và bảo vệ danh tiếng của mình với các đồng minh trong khu vực", Ali Sadrzadeh, một nhà phân tích trong khu vực, đã lặp lại những quan điểm trên trong một cuộc phỏng vấn với BBC.
Rõ ràng, nếu Israel tiếp tục căng thẳng với Iran và hai nước xảy ra xung đột, toàn bộ thế giới Hồi giáo - và điều đó có nghĩa là cả những tín đồ của Hồi giáo Sunni và Shia - sẽ đứng về phía Tehran. Các quốc gia không thuộc Ả Rập như Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, thậm chí cả Indonesia xa xôi có thể cũng sẽ hỗ trợ Iran.
Liệu Thủ tướng Netanyahu - người đã phải đối mặt với sự phản đối ngay cả ở phương Tây vì chiến dịch quân sự ở Gaza - có thực sự muốn khiến toàn bộ thế giới Hồi giáo chống lại Israel? Điều đó khó có thể xảy ra.
Trong khi đó, Israel được cho là đã tạm thời dừng hoạt động của 28 cơ quan ngoại giao trên khắp thế giới. Các lãnh sự quán ở Baku, Yerevan và Alma-Ata đã bị đóng cửa vô thời hạn. Israel cũng đã quyết định hạn chế số lượng người tới đại sứ quán nước này ở Nga.
Những biện pháp này được thực hiện vì lý do an ninh, để bảo vệ các cơ quan ngoại giao của Israel khỏi các cuộc tấn công có thể xảy ra của Iran. Nói cách khác, Israel đã gián tiếp thể hiện rằng các vùng lãnh thổ của Azerbaijan và Armenia - vốn có chung đường biên giới với Iran - cũng có thể bị Iran tấn công.
Trong trường hợp này, xung đột có thể leo thang từ cấp độ địa phương đến cấp độ toàn cầu.
Iran hành động "có tính toán"?
Các nhà phân tích quốc phòng cho rằng, cuộc tấn công của Iran nhằm vào Israel hôm 13/4 đã được báo trước và điều chỉnh để giảm thiểu thương vong. Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian cũng xác nhận Iran đã thông báo với Mỹ rằng cuộc tấn công nhằm vào Israel sẽ "có giới hạn" và nhằm mục đích tự vệ.
Theo Ngoại trưởng Amirabdollahian, các nước láng giềng cũng đã được thông báo về các cuộc tấn công trả đũa của Iran nhằm vào Israel trước 72 giờ. "Khoảng 72 giờ trước khi tiến hành hoạt động, chúng tôi đã thông báo cho bạn bè và láng giềng trong khu vực rằng phản ứng của Iran đối với Israel là chắc chắn, hợp pháp và không thể thay đổi", ông Amirabdollahian cho biết.
Theo các quan chức Israel và Mỹ, hầu như toàn bộ tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái do Iran phóng vào Israel đều bị đánh chặn và không đến được mục tiêu. Quân đội Israel tuyên bố "99%" vật thể do Iran phóng đã bị Israel và các đối tác của nước này đánh chặn và chỉ có "một số lượng nhỏ" tên lửa đạn đạo vươn tới Israel.
Người phát ngôn quân đội Israel Daniel Hagari cũng xác nhận cuộc tấn công gây thiệt hại không đáng kể ở một cơ sở quân sự và không gây thương vong. Ngoài ra, chỉ có một em nhỏ bị thương trong vụ tấn công của Iran.
"Ở một mức độ nào đó, các cuộc tấn công đã được thông báo trước nhiều tuần, giúp cả Israel và Mỹ có thời gian phản ứng", tiến sĩ Raphael Cohen, chuyên gia tại tổ chức nghiên cứu RAND, nói với Straits Times.
Theo ông Cohen, cuộc không kích được tiến hành vào ban đêm, khi dân thường ở trong nhà, và các tên lửa cùng máy bay không người lái di chuyển tương đối chậm, do vậy Israel và các đồng minh có cơ hội đánh chặn.
"Tất cả điều này đồng nghĩa với việc Iran hiểu rằng sẽ có hạn chế về thương vong và thiệt hại trong cuộc tấn công", chuyên gia cho biết thêm.
Các nhà phân tích cho rằng, cuộc tấn công bằng máy bay không người lái di chuyển chậm của Iran được điều chỉnh để thể hiện sức mạnh nhưng cũng cho phép Israel có thời gian để thực hiện các biện pháp phòng thủ.
"Có vẻ như Iran đã gửi điện báo về cuộc tấn công vào Israel để chứng minh rằng họ có thể tấn công bằng các khả năng khác nhau, nhằm làm phức tạp khả năng của quân đội Israel trong việc vô hiệu hóa cuộc tấn công, nhưng cũng tạo ra một lối thoát để tạm dừng leo thang", Nishank Motwani, nhà phân tích cấp cao tại Viện Chính sách Chiến lược Australia ở Washington, DC cho biết.
Chuyên gia Hassan Barari tại Đại học Qatar nói với Al Jazeera rằng cuộc tấn công của Iran vào Israel "là hành động leo thang" nhưng cũng có "tính toán" và "chừng mực".
Ông Barari nhắc lại tuyên bố của phái đoàn ngoại giao Iran tại Liên hợp quốc, rằng cuộc tấn công hôm 13/4 đã "khép lại" vụ việc Israel tấn công đại sứ quán Iran ở Damascus.
"Tuyên bố này cho thấy Iran không muốn có thêm bất kỳ sự trả đũa nào", chuyên gia Barari nhận định.
Giáo sư Benjamin Radd, giảng viên luật và nghiên cứu toàn cầu tại Trường Luật thuộc Đại học California, Los Angeles (UCLA), cũng chỉ ra manh mối liên quan tới tuyên bố của phái đoàn ngoại giao Iran tại Liên hợp quốc, rằng "vấn đề này có thể được coi là đã kết thúc". Tuyên bố được đưa ra ngay cả trước khi tất cả máy bay không người lái của Iran đến được Israel.
"Việc lựa chọn các mục tiêu quân sự, thay vì các trung tâm dân cư, cho thấy Iran không muốn leo thang thêm nữa mà chỉ đơn thuần giải tỏa áp lực trong nước mà họ đang phải chịu để đáp trả cuộc tấn công vào khu đại sứ quán của nước này ở Damascus", giáo sư Radd nói thêm.
Mặc dù vậy, theo tiến sĩ Cohen, "dù có hiệu quả hay không, đây vẫn là một cuộc tấn công lớn nhằm vào Israel và là một sự leo thang khá kịch tính".
Khi được hỏi liệu Israel có thể đáp trả hay không, ông Cohen cho biết các thành viên trong liên minh của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang thúc đẩy phản ứng.
Hiện chưa rõ liệu Israel, dưới áp lực của Mỹ, có thông báo trước đòn đáp trả của nước này để Iran có thời gian ứng phó hay không. Tuy nhiên, Israel đã tự coi mình đang "trong một cuộc chiến" với Iran vì họ tin rằng Iran là lực lượng đứng sau, tài trợ và trang bị vũ khí cho các chiến binh Hamas ở Gaza, lực lượng Hezbollah ở Li Băng và lực lượng Houthi ở Yemen, tiến sĩ Cohen nói.
Ông nói thêm, cuộc tấn công cũng sẽ làm tăng thêm mối lo ngại của Israel đối với chương trình hạt nhân của Iran. "Vì Iran hiện đã cho thấy họ sẵn sàng tấn công trực tiếp vào Israel, những lo ngại này sẽ ngày càng gia tăng", tiến sĩ Cohan nói thêm.
Vài giờ trước vụ tấn công, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cắt ngắn chuyến thăm bang Delaware quê nhà và triệu tập các cố vấn an ninh quốc gia tại Phòng Tình huống của Nhà Trắng. Ông đã đề nghị hỗ trợ "vững chắc" cho Israel. Nếu không có một hiệp ước chính thức, sự bảo đảm mà ông Biden đề cập đến sẽ gần giống với một thỏa thuận phòng thủ chung.
"Điều đó có nghĩa là Mỹ sẽ chủ động ứng phó để vô hiệu hóa mọi mối đe dọa từ Iran và hợp tác chặt chẽ với Israel để chống lại bất kỳ hành động tấn công nào trong tương lai", giáo sư Radd cho biết.
Ông cho rằng, điều này sẽ bao gồm mọi khả năng, ngoại trừ việc triển khai lực lượng Mỹ và "đưa quân Mỹ tới thực chiến", vì kịch bản này sẽ khó thực hiện nếu không có sự cho phép của quốc hội.
"Có thể dự đoán những khả năng như việc sử dụng máy bay chiến đấu của Mỹ để đánh chặn máy bay không người lái hoặc tên lửa của Iran, tăng cường viện trợ quân sự như vũ khí và đạn dược, hợp tác về tình báo, các biện pháp răn đe ở vùng Vịnh và Địa Trung Hải", giáo sư Radd nhận định.
Mối quan hệ giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã trở nên căng thẳng sau chiến dịch quân sự của Israel ở Gaza, khiến hơn 32.000 người Palestine thiệt mạng. Nhưng sự căng thẳng đó khó có thể là yếu tố quyết định cách ông Biden sẽ ứng phó với cuộc khủng hoảng hiện nay của Israel và Iran.
"Nếu xuất hiện bất cứ vấn đề gì, điều đó sẽ buộc cả hai nhà lãnh đạo phải hợp tác nhiều hơn nữa và hàn gắn rạn nứt đã xuất hiện giữa họ", giáo sư Radd nói.
Mỹ hiện có thể hành động theo nhiều cách khác nhau để giúp hạ nhiệt tình hình. Theo giáo sư Radd, Mỹ có thể giúp Israel đánh giá thiệt hại và thương vong, đồng thời hợp tác với các đồng minh trong khu vực để giảm khả năng Iran tiếp tục các cuộc tấn công, ví dụ, bằng cách theo dõi các tên lửa và UAV của Iran và các chuyển động khác, đồng thời từ chối quyền tiếp cận không phận.
Ông nói thêm rằng Mỹ cũng có thể tiếp tục nhắc nhở Iran rằng bất kỳ sự leo thang nào sẽ có nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột lớn hơn, lôi kéo cả Mỹ và các đồng minh khác.
Theo RT, Business Insider, Guardian, Aljazeera