1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Lo ngại những "tàu chiến ma" giữa NATO và Nga

Thanh Thành

(Dân trí) - Hơn 100 tàu chiến từ 14 quốc gia có thể đã báo tín hiệu vị trí giả trên một hệ thống theo dõi toàn cầu vốn được sử dụng để giám sát hoạt động hàng hải và giúp ngăn ngừa va chạm.

Lo ngại những tàu chiến ma giữa NATO và Nga - 1

Tàu chiến HMS Defender của Anh (Ảnh: Reuters).

Vào ngày 18/6/2021, một hệ thống được sử dụng để theo dõi vị trí của các tàu thuyền trên đại dương cho thấy 2 tàu chiến của NATO đã bí mật rời cảng ở Odessa, Ukraine vào lúc gần nửa đêm.

Hai tàu chiến này, một là tàu khu trục HMS Defender của Anh và tàu khu trục HNLMS Evertsen của Hoàng gia Hà Lan, lên đường qua Biển Đen để hướng tới gần Sevastopol, cơ sở chiến lược của Hạm đội Biển Đen của Nga.

Trước đó không lâu, cả HMS Defender và HNLMS Evertsen đã đến gần vị trí chỉ cách cảng của Nga tại bán đảo Crimea khoảng 2 hải lý  - điều mà Moscow xem là một trong những hành động gây hấn nhất mà các tàu chiến NATO thực hiện trong thời gian gần đây.

Việc neo đậu quá gần trung tâm quân sự của lực lượng Nga trong khu vực gần như chắc chắn sẽ gây ra phản ứng của Moscow. Thật vậy, khi đó, các tàu chiến Nga tuyên bố có thể bắn cảnh cáo vào tàu khu trục của Anh.

Theo tạp chí Sandboxx, việc điều những con tàu này đến ngay cửa ngõ căn cứ Hải quân Nga có thể dẫn đến phản ứng dữ dội hơn từ các lực lượng của Moscow chứ không chỉ dừng lại ở những phát súng cảnh cáo.

Chỉ có một điều đã ngăn cản quân đội Nga làm điều đó. Trên thực tế, HMS Defender và HNLMS Evertsen đã không rời khỏi cảng Odessa.

Đó là sự giả mạo Hệ thống Nhận dạng Tự động (AIS). Những tín hiệu bất thường dường như được tạo ra một cách giả mạo để cho thấy rằng, "hạm đội ma" của NATO tiến thẳng vào trung tâm lực lượng phòng thủ trong khu vực của Nga. Nhưng một phân tích chung từ tổ chức phi lợi nhuận SkyTruth và Global Fishing Watch được công bố cho thấy, đây không phải là sự may rủi, cũng không phải là một tai nạn.

Trên thực tế, họ tuyên bố đã phát hiện ra xu hướng là hơn 100 tàu chiến mang cờ của ít nhất 14 quốc gia có vị trí bị làm giả kể từ tháng 8/2020. Nhiều tàu trong số này là của châu Âu và Mỹ, nhưng không phải tất cả. Trên thực tế, ít nhất có 2 tàu thuộc Hải quân Nga.

Điều nguy hiểm là các tín hiệu giả này thường cho thấy các tàu chiến này đang đi vào các tuyến đường thủy đang tranh chấp hoặc lãnh thổ có chủ quyền của các quốc gia khác.

"Phân tích dữ liệu theo dõi từ các chương trình phát sóng của AIS cho thấy các vị trí tàu là bị làm giả, bao gồm cả tàu quân sự", báo cáo viết. "Thông tin sai lệch này có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của tàu thuyền, làm giảm niềm tin vào một hệ thống tránh va chạm quan trọng và có khả năng châm ngòi cho xung đột quốc tế".

AIS là một hệ thống tự động theo dõi và lấy dữ liệu từ các bộ thu phát được lắp đặt trên mọi tàu biển. Dữ liệu được các vệ tinh trên không thu thập và tổng hợp để phục vụ cho mục đích an toàn hàng hải (tránh va chạm) và xác định các tàu đang vi phạm các lệnh trừng phạt quốc tế và những điều tương tự.

Mặc dù hệ thống này không phải là phương tiện chính để ngăn chặn va chạm trên hầu hết các tàu (radar tránh va chạm đảm nhiệm vai trò đó), nhưng nó được sử dụng rộng rãi cho mọi thứ liên quan, từ vấn đề cung cấp hậu cần đến truy bắt tội phạm.

Có vẻ như ai đó đã tìm ra cách để đánh lừa AIS, thậm chí bịa ra toàn bộ hành trình của các chuyến đi. Bjorn Bergman, một nhà phân tích dữ liệu của SkyTruth và Global Fishing Watch, lần đầu tiên xác định được 9 tàu hải quân Thụy Điển đi về phía nam Karlskrona nhưng lại không thực sự ở đó vào ngày 4 và 5/2/2021.

Khi xem xét dữ liệu, ông nhận thấy một mô hình bất thường, vì vậy ông đã sử dụng nó để điều tra và tìm kiếm nhằm xác định bất kỳ tín hiệu giả mạo nào khác trên 7 vùng biển.

"Kết quả thật đáng báo động. Hơn 100 tàu chiến Mỹ và châu Âu đều làm giả tín hiệu vị trí như các tàu hải quân Thụy Điển", ông cho biết.

Hiện chưa rõ các dữ liệu không chính xác đó được đưa vào hệ thống AIS bằng cách nào.