1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

"Xích mích" Nga - NATO: Lời muốn nói từ Gió Biển 2021

Cuộc tập trận Gió Biển 2021 do Mỹ và Ukraine tổ chức, đang diễn ra tại Biển Đen (28/6-10/7) mang thông điệp rõ ràng NATO muốn gửi đến Nga, một lần nữa cho thấy những quan điểm đối lập của Moscow và phương Tây.

Xích mích Nga - NATO: Lời muốn nói từ Gió Biển 2021 - 1

Máy bay chiến đấu của NATO tập trận trên Biển Đen ngày 2/7. (Nguồn: Theaviationist)

Cuộc tập trận Gió Biển 2021 (Sea Breeze 2021) do Mỹ và Ukraine tổ chức với sự tham dự của 32 quốc gia tại Biển Đen và các vùng biển lân cận. Đây là một khu vực ngày càng "xích mích" giữa Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) với Nga.

Những căng thẳng này được thể hiện rõ trong tháng trước khi tàu khu trục HMS Defender của Anh đi vào Biển Đen ở vùng biển được quốc tế công nhận thuộc Ukraine nhưng Nga đã tuyên bố chủ quyền sau khi sáp nhập Crimea vào năm 2014.

Máy bay Nga đã quấy rối tàu khu trục này. Bộ Quốc phòng Nga thậm chí còn khẳng định đã bắn và thả bom cảnh báo, nhưng phía Anh không thừa nhận bất cứ hành động nào đã xảy ra.

Ngày 30/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gọi vụ việc trên là hành vi khiêu khích của Anh và Mỹ.

Thông điệp cũ, động thái mới

Các cuộc tập trận của NATO và đồng minh thường được tuyên bố với mục đích phòng thủ, được tiến hành nhằm huấn luyện "khả năng phối hợp" giữa các lực lượng.

Tuy nhiên, bất kỳ cuộc tập trận quy mô lớn gần biên giới "kẻ thù" nào cũng gửi đi thông điệp về địa chính trị, mà trong trường hợp này là NATO sẽ không để Biển Đen trở thành "ao làng" của Nga.

Cuộc tập trận cũng đồng thời thể hiện sự ủng hộ Ukraine, quốc gia đang xung đột với lực lượng ly khai được Nga hậu thuẫn ở miền Đông.

Trong tuyên bố ngày 29/6, phía NATO khẳng định: "Chúng ta đang minh chứng cho thế giới rằng Biển Đen là vùng biển quốc tế. Nó cần được duy trì rộng mở và thuận lợi cho tự do hàng hải với mọi quốc gia. Vùng biển này không thuộc sở hữu của riêng một quốc gia nào".

Trước đó, tháng 4/2021, quân đội Nga đã phát đi thông báo không cho tàu nước ngoài tiến vào ba khu vực trên Biển Đen gần Crimea tới tháng 10/2021. Động thái này của Nga đã khiến Ukraine vô cùng tức giận.

Cuộc tập trận Gió Biển 2021 có quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Nếu như năm 2019, có 19 quốc gia và 32 tàu của các nước thành viên NATO, đồng minh châu Âu tham dự, thì năm nay, cuộc tập trận có 32 nước và 40 tàu chiến tham dự, trong đó, có cả Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia. Quy mô và phạm vi tập trận năm nay gửi đi thông điệp địa chính trị mạnh mẽ tới Moscow.

Cuộc tập trận Gió Biển được tổ chức trong bối cảnh căng thẳng leo thang, không chỉ bởi vụ đụng độ liên quan đến tàu khu trục HMS Defender.

Tháng 3 và 4/2021, Nga đã triển khai ít nhất 100.000 lính gần biên giới Ukraine, vận chuyển xe tăng và phương tiện từ nhiều nơi trên đất nước đến đây. Moscow cho biết đây là một cuộc tập trận chớp nhoáng nhằm kiểm nghiệm năng lực sẵn sàng chiến đấu của quân đội.

Theo giới chức quân đội phương Tây và Ukraine, sau cuộc tập trận đó, Nga vẫn duy trì lực lượng lớn quân đội trong khu vực.

Xích mích Nga - NATO: Lời muốn nói từ Gió Biển 2021 - 2

Thủy quân lục chiến Mỹ tham gia cuộc tập trận Gió Biển quy mô lớn. (Nguồn: Reuters)

Nga chưa bao giờ im lặng

Nga thường coi các cuộc tập trận của NATO và đồng minh là hành động "chống Nga", dù Moscow cũng thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận của riêng họ. Moscow cáo buộc Washington đang cố gắng đẩy tình hình Biển Đen đến "bên miệng hố chiến tranh".

Trong sự kiện hỏi đáp trực tuyến thường niên tổ chức hôm 30/6, Tổng thống Putin cho rằng NATO đã lợi dụng các cuộc tập trận như Gió Biển để triển khai hạ tầng quân sự tại Ukraine và đây là hành động mà Nga coi là mối đe dọa an ninh quốc gia trực tiếp.

Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova gọi cuộc tập trận Gió Biển là "trò chơi lên gân cơ bắp mang tính khiêu khích".

Bà Zakharova nhấn mạnh: "Mặc dù tuyên bố sẵn sàng đối thoại nhưng trên thực tế, khối Bắc Đại Tây Dương đang cố tình thổi bùng tình hình dọc theo biên giới của chúng ta, làm tăng nguy cơ xung đột vũ trang".

Nga cũng phô diễn sức mạnh đáp lại cuộc tập trận Gió Biển, với các hoạt động thử nghiệm hệ thống phòng không ở Crimea, triển khai khoảng 20 máy bay chiến đấu và trực thăng bao gồm cả máy bay ném bom Su-24M, cũng như hệ thống đất đối không S-400 và Pantsir.

Nga cũng có thể dùng tác chiến điện tử để vô hiệu hóa và bắt giữ tàu chiến Mỹ tham dự tập trận Gió Biển như tàu USS Ross.

Trong khi đó, theo đài TNHK, các máy bay của Hạm đội Biển Đen và quân khu miền Nam của Nga bao gồm dòng máy bay chiến đấu đa năng Su-30SM, cường kích Su-24M, cường kích Su-34 và tiêm kích Su-27 đã tham gia diễn tập.

Đồng thời, TNHK cũng dẫn lại các nguồn tin của Hạm đội Biển Đen cho biết: "Các tổ bay… đã thực hiện các chuyến bay huấn luyện trên Biển Đen, thực hành các cuộc tấn công bằng tên lửa và ném bom nhằm vào các tàu chiến mô phỏng của đối phương".

Kế hoạch các cuộc tập trận tiếp theo?

NATO dự kiến tiến hành 95 cuộc tập trận trong năm 2021, trong đó 37 cuộc tập trận được tiến hành cùng các đối tác. Các thành viên NATO cũng sẽ tiến hành 220 cuộc tập trận quốc gia và đa quốc gia khác.

Trước đó, cuộc tập trận Phòng thủ châu Âu 21 trong tháng 5/2021 có sự tham gia của 26 nước và 28.000 binh sĩ.

Nga cũng sẽ tổ chức cuộc tập trận chiến lược Zapad 2021 cùng với Belarus trong tháng 9/2021. Đây là sự kiện thường niên nhằm vào "hướng chiến lược phía Tây".

Tháng trước, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố sẽ theo dõi sát cuộc tập trận Gió Biển và "nếu cần thiết, sẽ có phản ứng thích đáng với diễn biến tình hình để đảm bảo an ninh quân sự của Liên bang Nga".

Dù tất cả các bên đều tổ chức tập trận, nhưng họ thường tỏ ra khó chịu khi các hoạt động huấn luyện chính của đối thủ triển khai gần biên giới của mình.

Theo Văn kiện Vienna 2011 của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), các bên ký kết phải trao đổi lịch trình quân sự và thông báo các cuộc tập trận lớn.

Hiệp định cũng giới hạn quy mô và mức độ các cuộc tập trận. Khi có trên 13.000 binh sĩ tham dự, các bên tổ chức tập trận phải mời quan sát viên từ các thành viên OSCE khác.

Tuy nhiên, thỏa thuận đang bị lách luật, với nhiều lời phàn nàn về việc Nga thường báo cáo quân số tham dự ít hơn để tránh tiếp đón các quan sát viên nước ngoài.