1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Lo ngại an ninh, Sri Lanka tính dừng hợp đồng thuê cảng 99 năm với Trung Quốc

(Dân trí) - Chính quyền mới của Sri Lanka muốn đảo ngược quyết định của chính quyền tiền nhiệm về việc cho Trung Quốc thuê cảng chiến lược trong 99 năm, vì lo ngại an ninh quốc gia.

Lo ngại an ninh, Sri Lanka tính dừng hợp đồng thuê cảng 99 năm với Trung Quốc - 1

Cảng Hambantota tại Sri Lanka (Ảnh: Bloomberg)

Trong nhiệm kỳ lãnh đạo Sri Lanka, cựu Thủ tướng Ranil Wickremesinghe từng đồng ý cho Công ty cổ phần cảng Trung Quốc (China Merchants Port Holdings Co) thuê cảng Hambantota ở phía nam trong thời hạn 99 năm để đổi lấy khoản tiền 1,1 tỷ USD. Trong cuộc phỏng vấn hồi năm 2018, ông Wickremesinghe cho biết khoản tiền này sẽ giúp giảm bớt gánh nặng nợ nần cho Sri Lanka, sau khi nước này vay tiền của Trung Quốc để xây dựng cảng.

Tuy nhiên, chính quyền mới của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa muốn đảo ngược quyết định của chính quyền tiền nhiệm.

“Chúng tôi muốn họ trả lại cảng. Tình huống lý tưởng là quay trở lại nguyên trạng ban đầu. Chúng tôi muốn trả khoản vay đúng hạn, theo cách mà chúng tôi đã nhất trí ban đầu mà không có bất kỳ sự xáo trộn nào”, cựu Thống đốc ngân hàng trung ương Sri Lanka Ajith Nivard Cabraal nói trong cuộc phỏng vấn tại nhà riêng ở ngoại ô thủ đô Colombo.

Cảng Hambantota được xem là dự án điển hình trong các cuộc tranh cãi liên quan tới Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, trong đó nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bị cáo buộc lôi kéo các nước nghèo vào bẫy nợ.

Tại Sri Lanka, đảng của tân Tổng thống Gotabaya Rajapaksa, người vừa nhậm chức hôm 18/11, phản đối cho Trung Quốc thuê cảng Hambantota. Trước đó, trong 10 năm cầm quyền, cựu Tổng thống Mahinda Rajapaksa đã nhận các khoản vay của Trung Quốc khi triển khai dự án xây dựng cảng tại quê nhà của ông.

Nhà nghiên cứu Smruti Pattanaik tại Viện nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng ở New Delhi, Ấn Độ cho rằng, hợp đồng thuê cảng giữa Sri Lanka và Trung Quốc là “thỏa thuận đã có hiệu lực”, do vậy khó có khả năng hợp đồng này bị hủy bỏ hoặc thay đổi theo một cách đáng kể.

“Trung Quốc có thể xem xét lại một số điều khoản, nếu thỏa thuận này được xem là quan trọng với chính quyền Rajapaksa”, ông Pattanaik nhận định.

Khả năng thay đổi hợp đồng

Lo ngại an ninh, Sri Lanka tính dừng hợp đồng thuê cảng 99 năm với Trung Quốc - 2

Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa (Ảnh: EPA)

Nỗ lực nhằm thay đổi hợp đồng thuê cảng với Trung Quốc sẽ giúp chính quyền mới, do tân Tổng thống Gotabaya Rajapaksa và Thủ tướng Mahinda Rajapaksa dẫn đầu, thể hiện quyết tâm thay đổi các thỏa thuận được cho là gây hại cho an ninh quốc gia của Sri Lanka. Đây cũng là vấn đề then chốt trong chiến dịch tranh cử của ông Gotabaya Rajapaksa - người từng giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng Sri Lanka.

Ông Gotabaya Rajapaksa, 70 tuổi, đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử tổng thống Sri Lanka diễn ra hồi đầu tháng, đánh dấu sự trở lại của Rajapaksa - một trong những gia tộc quyền lực thống trị lâu đời nhất ở Sri Lanka trong hơn một thập niên. Chỉ vài giờ sau khi đắc cử, ông Gotabaya lập tức bổ nhiệm anh trai, cựu Tổng thống Mahinda Rajapaksa, làm thủ tướng Sri Lanka.

“Hợp tác Trung Quốc - Sri Lanka, bao gồm dự án cảng Hambantota, được xây dựng dựa trên cơ sở bình đẳng và tham vấn lẫn nhau. Trung Quốc muốn hợp tác với Sri Lanka để biến Hambantota thành trung tâm vận tải mới ở Ấn Độ Dương và phát triển nền kinh tế địa phương”, thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết.

Các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc tại Sri Lanka đã trở thành một phần trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Tuy nhiên, Ấn Độ lo ngại Trung Quốc, một đối thủ địa chính trị của Ấn Độ, sử dụng cảng gần bờ biển phía nam của nước này cho mục đích chiến lược hoặc quân sự trong tương lai.

Cảng Hambantota là một phần trong kế hoạch được gọi là chuỗi ngọc trai của Bắc Kinh gồm một loạt các cảng trải dài từ vùng biển của Trung Quốc tới vịnh Persian.

Trong khi đó, Trung Quốc phủ nhận mọi lo ngại về yếu tố quân sự trong dự án đầu tư của nước này tại cảng Hambantota, khu vực nằm trên tuyến vận tải chính giữa châu Á và châu Âu. Bắc Kinh khẳng định dự án mang lại lợi ích cho cả hai nước và sẽ hỗ trợ cho nền kinh tế Sri Lanka.

“Sri Lanka sẽ phải đưa ra một hợp đồng tương tự, hoặc một hợp đồng hấp dẫn hơn về tài chính để Bắc Kinh có thể đồng ý hủy bỏ thỏa thuận thuê cảng. Với quyền lực của gia tộc Rajapaksa, Trung Quốc hy vọng có thể mở rộng ảnh hưởng của nước này tại Sri Lanka”, Giáo sư nghiên cứu chiến lược Brahma Chellaney tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách ở New Delhi nhận định.

Tại Myanmar, một thỏa thuận cảng tương tự trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường đã được cắt giảm chi phí đáng kể, từ 7,5 tỷ USD xuống còn 1,3 tỷ USD. Trong khi đó tại Malaysia, chính quyền nước này đã hủy dự án đường ống dẫn khí trị giá 3 tỷ USD và đàm phán lại một dự án đường sắt vào năm 2019, cắt giảm 1/3 chi phí xuống còn 11 tỷ USD.

“Một khi bạn đã ký các thỏa thuận song phương, đó là những thỏa thuận nghiêm túc. Nhưng đồng thời, chúng ta cũng phải xem xét các lợi ích quốc gia. Nếu một chính phủ đánh đổi điều đó, chính phủ mới cần tìm cách để thỏa thuận được thực hiện một cách phù hợp”, cựu Thống đốc ngân hàng trung ương Sri Lanka nói.

China Merchants, công ty có lợi nhuận 93 tỷ USD, cao hơn GDP của Sri Lanka, có thể sử dụng kinh nghiệm của mình trong các dự án trải dài từ Trung Quốc tới châu Âu để giúp hồi sinh cảng Hambantota. Trước đó, cảng này gần như không thu hút các tàu tới neo đậu. Tháng trước, liên doanh Hambantota của China Merchants thông báo đã bắt đầu hợp tác với hãng vận tải Nippon Yusen KK của Nhật Bản để chuyển tàu qua cảng.

Thành Đạt

Theo Bloomberg