Lo Nga giăng "bẫy" ở Kherson, Ukraine tăng cường ứng phó
(Dân trí) - Việc Nga sơ tán quy mô lớn người dân ở Kherson, miền Nam Ukraine được cho là "cái bẫy" mà Moscow giăng ra để mai phục lực lượng Ukraine.
Suốt nhiều ngày qua, Nga và chính quyền thân Nga ở Kherson tích cực kêu gọi sơ tán dân thường khỏi ở vùng lãnh thổ chiến nước này. Tỉnh Kherson, có diện tích ngang với nước Bỉ và đóng vai trò là cửa ngõ dẫn vào bán đảo Crimea, bị Nga kiểm soát không lâu sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Việc Nga kiểm soát một đoạn bờ tây của Dnipro đặc biệt quan trọng vì nó mang lại cơ hội để họ tiến xa hơn về phía bắc và phía tây.
Tuy nhiên trong những tuần gần đây, lực lượng Ukraine bắt đầu giành lại hàng chục ngôi làng và thị trấn ở bờ tây sông Dnipro, đồng thời tấn công các cây cầu, phà và cầu phao vắt ngang con sông, cũng như các kho của Nga tại đây.
Đó là lý do mà trong 10 ngày qua, Nga và chính quyền do Moscow thiết lập ở Kherson liên tục kêu gọi hàng chục nghìn dân thường sống ở bờ tây sông Dnipro rời đến Crimea cũng như lãnh thổ Nga. Họ tuyên bố rằng khoảng 70.000 dân thường đã tự nguyện sơ tán và họ sẽ được cấp giấy chứng nhận để có nhà ở miễn phí ở bất kỳ đâu trên lãnh thổ Nga.
Nga cũng phát đi những tín hiệu cho thấy chuẩn bị rút quân khỏi Kherson. Lý do được đưa ra là có thông tin rằng Ukraine sắp tập kích con đập Nova Kakhivka để làm ngập lụt khu vực này.
Tuy nhiên, Kiev đã bác bỏ thông tin trên. Theo Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, việc sơ tán dân thường của Nga chỉ là một cái bẫy mà họ tạo ra nhằm tạo cảm giác hoảng sợ.
"Đội quân tinh nhuệ của họ đã xuất hiện. Không ai khác còn ở lại. Chúng tôi thấy điều đó và không tin họ", ông nói với Corriere della Sera, một tờ báo của Italy hôm 3/11.
"Chúng tôi sẽ không rơi vào cái bẫy đó, bởi vì nó được sắp xếp một cách quá lộ liễu, nhằm gây náo động trên truyền thông," một quân nhân Ukraine nói với Al Jazeera. Theo quân nhân này, Nga sẽ không rút khỏi một khu vực chiến lược như vậy.
Dữ liệu tình báo và hình ảnh vệ tinh cho thấy, trong những ngày gần đây, Nga đang xây dựng các công sự và tuyến phòng thủ ở thành phố Kherson và Nova Kakhovka, thị trấn bên cạnh đập và trạm thủy điện.
Ihor Romanenko, cựu phó tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang của Ukraine, bình luận với Al Jazeera: "Việc sơ tán dân thường từ bờ tây sang bờ đông sông Dnipro chỉ là đòn tâm lý. Thực tế là họ đang tăng cường lực lượng ở đây". Ông cho rằng phía Nga đã sẵn sàng cho một cuộc phản công có thể xảy ra.
Sự thận trọng của Ukraine
Sau khi kế hoạch kiểm soát Kiev bất thành, Moscow hy vọng sẽ tiến quân về phía đông và nam Ukraine cô lập nước này với Biển Đen và mở đường đến khu vực ly khai thân Nga ở Transnistria. Kế hoạch này của Nga tiếp tục đối mặt thách thức gần đây khi Ukraine giành lại kiểm soát phần lớn Kharkov, đông bắc nước này.
Những ngày gần đây, mưa lớn và đường lầy lội đang làm chậm bước tiến của Ukraine, ông Romanenko cho biết. Tuy nhiên, các nhóm nhỏ của Ukraine vẫn liên tục tấn công vào vị trí của Nga nhằm phá hủy các trung tâm chỉ huy, kho chứa và các tuyến đường tiếp tế, đồng thời ngăn cản hoạt động tiếp viện của Moscow.
Thời điểm thực hiện một cuộc phản công mang tính quyết định của Ukraine vẫn chưa được xác định. "Chúng tôi phải xác định được điểm yếu của lực lượng Nga. Chúng tôi phải tập trung dự trữ hàng hóa, tăng cường tiềm lực của mình rồi mới đưa ra quyết định cuối cùng về việc có hành động mạnh tay hơn không", ông Romanenko nói.
Trong khi đó, truyền thông ủng hộ Nga khẳng định gần đây, Moscow đã điều động 300.000 quân và phá hủy các cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine bằng tên lửa hành trình, rocket và máy bay không người lái. Điều này có nghĩa là Kiev không còn lựa chọn nào khác là phải vội vàng tiến quân tới Kherson.
"Ukraine buộc phải nhanh chóng tiến quân khi lực lượng hỗ trợ phía sau vẫn còn đang hoạt động", Igor Strelkov, người được Nga cài cắm ở Donetsk, cho biết.
Theo một nhà phân tích khác, ngoài lý do thiếu hụt nhân lực, Ukraine tiến quân chậm là do họ chủ trương thận trọng và tiến quân dần lên theo các nhóm nhỏ. "Họ chỉ có thể tiến công sau khi xác định được những lỗ hổng đáng kể trong tuyến phòng thủ của Nga", Nikolay Mitrokhin, một nhà nghiên cứu về Nga tại Đại học Bremen của Đức, nói với Al Jazeera. Theo ông, những lỗ hổng đó xuất hiện là nhờ hiệu quả của pháo binh hoặc máy bay không người lái. "Vì vậy, Ukraine có nhiều cơ hội để giành chiến thắng hơn nữa".
Tuy nhiên, trên thực tế, Nga đã kịp thời lấp đầy lỗ hổng đó bằng hàng nghìn binh sĩ mới dù họ chưa được huấn luyện kỹ càng cũng như kinh nghiệm chiến đấu.
"Đó là lý do tại sao Ukraine tiếp tục hy vọng rằng chiến thuật tăng cường đánh vào hậu phương, sở chỉ huy và tiêu diệt nhân lực của Nga trên tiền tuyến bằng pháo binh hoặc máy bay không người lái sẽ dần phát huy tác dụng", ông Mitrokhin nói.