DMagazine

Lỗ hổng khiến "ác mộng" Covid-19 quay trở lại châu Âu

(Dân trí) - Những ngày đen tối của đại dịch đã trở lại châu Âu khi làn sóng Covid-19 mới càn quét khu vực này, không lâu sau khi các nước nới lỏng những biện pháp hạn chế, giãn cách.

LỖ HỔNG KHIẾN "ÁC MỘNG" COVID-19 TÁI DIỄN Ở CHÂU ÂU

Những ngày đen tối của đại dịch đã trở lại châu Âu khi làn sóng Covid-19 mới càn quét khu vực này, không lâu sau khi các nước nới lỏng những biện pháp hạn chế, giãn cách.

NHỮNG NGÀY "ĐEN TỐI" TRỞ LẠI

Lỗ hổng khiến ác mộng Covid-19 quay trở lại châu Âu - 1

Một nhà xác bệnh viện ở Romania quá tải do số ca tử vong vì Covid-19 tăng nhanh (Ảnh: AP).

Tại nhiều thành phố châu Âu lúc này, đại dịch Covid-19 như chưa từng xảy ra. Ở Cologne (Đức), hàng nghìn người chen chúc đếm ngược đến thời điểm 11h ngày 11/11 để bắt đầu mùa lễ hội carnival. Tại Paris (Pháp), các quán bar, câu lạc bộ vẫn mở cửa đến đêm muộn và đông kín khách. Tại Amsterdam (Hà Lan), mọi hoạt động ở các quán cà phê vẫn bình thường như chưa có chuyện gì xảy ra.

Tuy nhiên, thay vì đánh dấu khởi đầu mùa Giáng sinh, Năm mới, thì đó là những đêm cuối trước khi làn sóng Covid-19 thứ 4 quét qua châu Âu. Giới chức Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, châu Âu một lần nữa trở thành tâm dịch của thế giới.

Theo WHO, số ca nhiễm ở châu Âu tăng 7%, trong khi số ca tử vong tăng 10% trong tuần đầu tháng 11. Châu Âu là khu vực duy nhất trên thế giới ghi nhận cả số ca nhiễm và ca tử vong đều tăng. Gần 2/3 số ca Covid-19 mới toàn cầu trong tuần đầu tháng 11 là ở châu Âu, đánh dấu tuần tăng thứ 6 liên tiếp.

Trong khi một số nước Tây Âu chứng kiến sự gia tăng đột biến về số ca nhiễm mới, thì các nước Đông Âu ghi nhận sự gia tăng về số ca tử vong do Covid-19. Romania và Bulgaria và các quốc gia vùng Balkan ghi nhận tỷ lệ tử vong trên đầu người thuộc nhóm cao nhất thế giới trong tuần đầu tiên tháng 11.

Số ca nhiễm và tử vong tăng trở lại dẫn đến tình trạng bệnh viện ở nhiều nước Trung và Đông Âu quá tải. Nhà xác tại Bệnh viện Đại học Bucharest ở thủ đô Bucharest của Romania đã không còn chỗ để tiếp nhận thêm thi thể. Những túi thi thể bệnh nhân Covid-19 được nhìn thấy xếp dọc hành lang bệnh viện. Tại thủ đô của Serbia, nghĩa trang phải hoạt động thêm một ngày trong tuần để có thể chôn cất tất cả thi thể được đưa đến.

"Chúng ta đang quay trở lại những ngày đen tối của đại dịch", người phụ trách một phòng chăm sóc tích cực tại thành phố Triest của Italy bình luận.

LỖ HỔNG KHIẾN ÁC MỘNG COVID-19 TÁI DIỄN

Lỗ hổng khiến ác mộng Covid-19 quay trở lại châu Âu - 2

Covid-19 bùng phát mạnh trở lại ở châu Âu (Ảnh: Reuters).

Do biện pháp phòng dịch ở mỗi nước khác nhau nên khó có thể đưa ra kết luận chung cho cả khu vực. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, dịch tái bùng phát ở châu Âu là do tỷ lệ tiêm chủng chưa đủ cao, mức độ miễn dịch của những người tiêm chủng sớm đã bắt đầu suy giảm và tâm lý chủ quan sau khi chính phủ nới lỏng các hạn chế.

"Thông điệp luôn rõ ràng rằng: Hãy làm tất cả. Vaccine đang làm tốt vai trò của mình: ngăn nguy cơ bệnh nặng và tử vong do Covid-19. Tuy nhiên, nó chỉ có thể trở thành vũ khí mạnh nhất của chúng ta khi kết hợp với các biện pháp phòng dịch", Giám đốc WHO phụ trách khu vực châu Âu Hans Kluge nói.

Tỷ lệ tiêm chủng ở các nước châu Âu không giống nhau. Nam Âu là khu vực có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất, với Bồ Đào Nha, Malta, Tây Ban Nha có hơn 80% dân số đã tiêm đủ hai mũi.

"Vaccine chỉ có thể trở thành vũ khí mạnh nhất của chúng ta khi kết hợp với các biện pháp phòng dịch", Giám đốc WHO phụ trách khu vực châu Âu Hans Kluge.

Tỷ lệ phủ vaccine Covid-19 ở Hà Lan, Pháp và Đức chỉ thấp hơn vài % nhưng các nước này đã bắt đầu chứng kiến số ca nhiễm tăng mạnh, buộc các chính phủ tại đây quyết định áp dụng lại các biện pháp hạn chế như các cơ sở kinh doanh không thiết yếu phải đóng cửa trước 22h, các cuộc gặp gỡ ở nhà riêng chủ được đón tối đa 4 khách. Ngoài ra, các quy định như đeo khẩu trang, yêu cầu phải có thẻ xanh Covid-19, kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 khi muốn đến nhà hàng, quán bar, hay lên máy bay hoặc sử dụng các dịch vụ giao thông công cộng khác cũng được thực thi trở lại.

Ông Kluge nhấn mạnh, các nước châu Âu cần tăng cường chương trình tiêm chủng, bao gồm cả tiêm chủng cho thanh thiếu niên và tiêm mũi tăng cường cho các nhóm có nguy cơ cao. Cùng với tiêm chủng vaccine Covid-19, các biện pháp giãn cách xã hội và y tế công cộng cũng đóng vai trò quan trọng không kém.

VÒNG XOÁY PHONG TỎA

Lỗ hổng khiến ác mộng Covid-19 quay trở lại châu Âu - 3

Đức chỉ cho phép người đã tiêm chủng hoặc khỏi Covid-19 vào các nhà hàng (Ảnh: Getty).

Tiên phong mở cửa trở lại sau một năm bị ảnh hưởng bởi Covid-19, đến nay, châu Âu một lần nữa phải siết lại các biện pháp hạn chế.

Hôm 13/11, Hà Lan trở thành quốc gia Tây Âu đầu tiên kể từ mùa hè áp dụng phong tỏa một phần. Hàng loạt các thành phố của Hà Lan đã phải hủy các sự kiện diễu hành, các chợ Giáng sinh cũng trở nên im lìm.

Trong khi đó, Áo trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng chính sách phong tỏa với người chưa tiêm chủng. Lệnh phong tỏa sẽ có hiệu lực với những người chưa tiêm chủng từ 12 tuổi trở lên hoặc không phải người mới khỏi Covid-19. Những người thuộc diện phong tỏa sẽ phải ở trong nhà, ngoại trừ các lý do đặc biệt như khám chữa bệnh, mua nhu yếu phẩm. Trước đó, Áo đã cấm người chưa tiêm chủng tới nhà hàng, khách sạn hay các sự kiện có hơn 25 người.

Tại Đức, một số bang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch đã thực thi các biện pháp hạn chế như cấm người chưa tiêm chủng tới các địa điểm trong không gian kín như nhà hàng, hộp đêm. Từ ngày 15/11, thủ đô Berlin sẽ áp dụng quy tắc 2G toàn thành phố. Theo đó, người vào các nhà hàng, rạp chiếu phim hay các sự kiện phải là những người đã tiêm đủ hoặc đã khỏi bệnh, ngoại trừ người dưới 18 tuổi.

Những biện pháp hạn chế này được coi là giúp châu Âu có thêm thời gian để tăng độ phủ vaccine và tìm cách sống chung an toàn với đại dịch. Giám đốc WHO phụ trách khu vực châu Âu Hans Kluge cho rằng: "Các biện pháp phòng dịch không khiến chúng ta mất đi tự do mà thực chất giúp đảm bảo sự tự do đó".