1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Đức vượt Nga thành vùng dịch nóng nhất châu Âu

Minh Phương

(Dân trí) - Với hơn 50.000 ca Covid-19/ngày, Đức thành vùng dịch nóng nhất châu Âu. Đức đang cân nhắc áp dụng các biện pháp hạn chế mới để đối phó làn sóng lây nhiễm nghiêm trọng nhất từ trước đến nay.

Đức vượt Nga thành vùng dịch nóng nhất châu Âu - 1

Số ca mắc Covid-19 ở Đức tăng mạnh gần đây trong làn sóng lây nhiễm nghiêm trọng nhất từ trước đến nay (Ảnh: AFP).

Vùng dịch nóng nhất châu Âu

Theo số liệu của Viện Robert Koch (hay Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Đức), trong ngày 11/11, nước này ghi nhận 50.196 ca Covid-19 mới, tăng vọt so với trung bình hơn 33.000 ca/ngày một tuần trước đó.

Đây là lần đầu tiên Đức ghi nhận hơn 50.000 ca mắc mới Covid-19 trong vòng 24 giờ. Với con số này, Đức đã vượt Nga trở thành vùng dịch lây nhiễm Covid-19 nóng nhất ở châu Âu. Cùng ngày, Nga ghi nhận hơn 40.700 ca mắc mới.

Kể từ đầu dịch đến nay, Đức có tổng cộng gần 4,9 triệu ca mắc, trong đó hơn 97.000 trường hợp đã tử vong. Số ca Covid-19 ở Đức có xu hướng tăng vọt những ngày gần đây, buộc các bệnh viện tại các điểm nóng bùng phát dịch của Đức phải hủy các lịch phẫu thuật để tập trung điều trị cho bệnh nhân Covid-19.

Christian Drosten, chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Đức cảnh báo, hơn 100.000 người nữa ở Đức có thể chết vì Covid-19 trong vài tháng tới nếu tỷ lệ tiêm chủng không được cải thiện đáng kể.

"Đại dịch của người chưa tiêm chủng"

Đức vượt Nga thành vùng dịch nóng nhất châu Âu - 2

Một trong những nguyên nhân khiến Đức đối mặt làn sóng lây nhiễm nghiêm trọng là tỷ lệ tiêm chủng còn thấp (Ảnh: AFP).

Theo số liệu chính thức của chính phủ Đức, đến nay, khoảng 67% trong số 83 triệu người dân của nước này đã được tiêm chủng vaccine Covid-19 đầy đủ. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng ở Đức có dấu hiệu chững lại những tháng gần đây. Không giống như các quốc gia châu Âu khác, Đức chỉ yêu cầu tiêm chủng bắt buộc đối với những đối tượng lao động nhất định và hiện giờ đang phải ra sức thuyết phục người dân tự nguyện tiêm chủng.

Với 1/3 người dân chưa tiêm chủng đầy đủ, tỷ lệ tiêm chủng vaccine Covid-19 ở Đức thuộc nhóm thấp nhất ở Đông Âu. Tỷ lệ này ở các nước Đông Âu khoảng 80% đến 90%.

Thủ tướng Angela Merkel đầu tuần này cho biết: "Đáng tiếc, tôi phải thừa nhận rằng, tỷ lệ tiêm chủng của chúng ta chưa đủ cao để ngăn đà lây lan nhanh chóng của virus".

Đức từng được coi là hình mẫu ứng phó Covid-19, duy trì tỷ lệ tử vong ở mức thấp bằng cách nhanh chóng triển khai xét nghiệm diện rộng, nâng cao năng lực của hệ thống y tế. Mặc dù vậy, Đức vẫn không tránh được làn sóng lây nhiễm tái bùng phát mạnh.

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân khiến Đức phải đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ 4 nghiêm trọng hơn nhiều so với các làn sóng trước. Trong đó, nguyên nhân chính là một bộ phận lớn dân cư vẫn chưa tiêm chủng trong khi việc triển khai tiêm chủng mũi tăng cường còn chậm trễ kể cả khi các nước láng giềng bùng dịch mạnh.

Hồi đầu tháng, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn thừa nhận: "Những gì chúng ta đang đối mặt trên hết đó là đại dịch của những người chưa tiêm chủng".

Susanne Herold, trưởng khoa bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện phổi hàng đầu của Đức, nhận định: "Nguyên nhân chính là tỷ lệ tiêm chủng của chúng ta còn thấp, nhưng chúng ta không làm những thứ cần thiết. Tỷ lệ tiêm chủng của chúng ta vẫn dưới 70%. Tôi không biết liệu chúng ta có thể chạy đua với thời gian để chiến thắng làn sóng thứ tư này không. Tôi e là chúng ta đã thua".

Bà Herold và một số nhà khoa học từng đưa ra mô hình cảnh báo về làn sóng Covid-19 thứ tư ngay từ đầu mùa hè năm nay và cho rằng Đức cần tiêm chủng đầy đủ cho ít nhất 85% để tránh một cuộc khủng hoảng cho hệ thống y tế.

Để đối phó với làn sóng Covid-19 mới, chính phủ Đức đang ra sức thuyết phục người dân tiêm chủng. Giới hoạch định chính sách cũng đang cân nhắc mở lại các trung tâm tiêm chủng trên toàn quốc để người dân có thể tiêm chủng mũi tăng cường một cách nhanh chóng. Ngoài ra, giới chức Đức cũng cân nhắc các biện pháp khác như xét nghiệm miễn phí, xét nghiệm hàng ngày hoặc thường xuyên tại các viện dưỡng lão, trường học, đồng thời thực thi các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn.