1. Dòng sự kiện:
  2. Tài xế Lexus đánh shipper
  3. Nam shipper bị đánh tử vong

Cựu Chủ tịch Tổng Công ty Vinafood II gây thiệt hại hơn 100 tỷ đồng

Xuân Duy

(Dân trí) - Bị can Vẹn đã ký công văn chấp thuận chuyển quyền sử dụng khu đất tại quận 4 (TPHCM) cho Công ty Vĩnh Hội theo giá ấn định từ năm 2007, gây thiệt hại tài sản Nhà nước hơn 113 tỷ đồng.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Tổng công ty lương thực miền Nam (Vinafood II) và các đơn vị liên quan.

Cựu Chủ tịch Tổng Công ty Vinafood II gây thiệt hại hơn 100 tỷ đồng - 1

Bị can Trần Văn Vẹn (Ảnh: Bộ Công an).

Theo đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố bị can Trương Thanh Phong (cựu Ủy viên HĐQT, Tổng giám đốc), Trần Văn Vẹn (cựu Chủ tịch HĐQT), Trần Bảy (cựu Trưởng phòng Kế hoạch Chiến lược), Vũ Bá Vinh (cựu Ủy viên HĐQT kiêm Trưởng ban Kiểm soát), Trương Văn Hứa (cựu Ủy viên HĐQT) và Trương Văn Ảnh (cựu Ủy viên HĐQT) về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Theo hồ sơ vụ án, Vinafood II là công ty do Nhà nước làm chủ sở hữu. Khu đất 132 Bến Vân Đồn, phường 6, quận 4 với diện tích hơn 7.890 m2 có nguồn gốc là đất công được giao cho doanh nghiệp trên quản lý, sử dụng.

Sau đó, Vinafood II giao cho hai công ty con là Công ty Sài Gòn Kho Vận và Công ty Hoàn Mỹ quản lý, sử dụng.

Năm 2001, Vinafood II đề xuất lập dự án xây dựng trung tâm thương mại kết hợp cao ốc văn phòng và nhà ở căn hộ cao tầng trên khu đất này và được UBND TP và Bộ Tài chính chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Theo kết quả thẩm định, giá trị quyền sử dụng khu đất trên hơn 112 tỷ đồng. Đến tháng 8/2007, các bị can thuộc HĐT Vinafood II đã chấp thuận vay ngân hàng 112 tỷ đồng để nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách Nhà nước.

Đến tháng 10/2007, Trương Thanh Phong ký tờ trình đề xuất và được HĐQT Vinafood II thống nhất thông qua thành lập công ty cổ phần để khai thác mặt bằng 132 Bến Vân Đồn.

Quá trình điều tra, Bộ Công an đã phong tỏa tài khoản hơn 7 tỷ đồng, kê biên 4 bất động sản của ông Phong. Còn ông Vẹn tự nguyện nộp 2 tỷ đồng và bị kê biên 5 bất động sản,

Nhà chức trách ghi nhận cho các bị can một số tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, có nhiều đóng góp cho xã hội, khắc phục một phần hậu quả. Ông Phong và ông Vẹn đều trên 70 tuổi, mắc nhiều bệnh.

Sau đó, Vinafood II cùng các công ty: Sài Gòn Kho Vận, Hoàn Mỹ, Bất động sản Nguyễn Kim và Thái Sơn đã họp, thống nhất thành lập Công ty Vĩnh Hội để khai thác mặt bằng 132 Bến Vân Đồn

Đến tháng 5/2008, UBND TPHCM cho phép Vinafood II chuyển mục đích sử dụng khu đất 132 Bến Vân Đồn để đầu tư xây dựng chung cư cao tầng kết hợp trung tâm thương mại và cao ốc văn phòng (20 tầng).

Ngày 16/7/2010, bị can Trần Bảy (người đại diện vốn Vinafood II tại Công ty Vĩnh Hội) đã ký tờ trình đề xuất Trương Thanh Phong ký hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất giữa Vinafood II và Công ty Vĩnh Hội nhằm hợp thức hóa pháp nhân chủ đầu tư là Công ty Vĩnh Hội.

Mười ngày sau, Trương Thanh Phong ký tờ trình đề xuất HĐQT Vinafood II chấp nhận việc chuyển quyền sử dụng khu đất 132 Bến Vân Đồn cho Công ty Vĩnh Hội. Cùng ngày, các bị can trong HĐQT Vinafood II đã cùng cho ý kiến đồng ý việc này.

Ngày 11/3/2011, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM  xác nhận biến động, cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với khu đất 132 Bến Vân Đồn cho Công ty Vĩnh Hội.

Để thực hiện chủ trương thoái vốn, Vinafood II đã bán số cổ phần tại Công ty Vĩnh Hội, thu được 45 tỷ đồng.

Từ năm 2009 đến năm 2015, Công ty Nguyễn Kim đã mua 99,32% vốn điều lệ của Công ty Vĩnh Hội và bán cho Công ty đầu tư Phú Mỹ Hưng.

Đến nay, công ty này đã thực hiện dự án thương mại trên thửa đất 132 Bến Vân Đồn và đã bán hết cho khách nhưng người mua vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu.

Quá trình điều tra xác định, bị can Trương Thanh Phong cùng các bị can tại Vinafood II đã không thực hiện dự án theo phương án được Bộ Tài chính phê duyệt; không lập hồ sơ tài sản, bỏ ngoài sổ sách khu đất; chấp thuận việc chuyển quyền sử dụng đất cho Công ty Vĩnh Hội.

Ông Vẹn bị cáo buộc đã ký công văn thành lập Công ty Vĩnh Hội. Sau khi Vinafood II được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông ta tiếp tục ký công văn chấp thuận chuyển quyền sử dụng đất cho Công ty Vĩnh Hội theo giá ấn định từ năm 2007, không thẩm định giá, không đánh giá lại tài sản, trái với quy định pháp luật gây thiệt hại tài sản Nhà nước hơn 113 tỷ đồng.