Lithuania đáp trả Trung Quốc vì căng thẳng ngoại giao do vấn đề Đài Loan
(Dân trí) - Lithuania đã triệu hồi đại sứ nước này tại Bắc Kinh nhằm đáp trả động thái tương tự của Trung Quốc hồi tháng trước giữa lúc 2 nước căng thẳng vì vấn đề Đài Loan.
AP đưa tin, Lithuania ngày 3/9 đã triệu hồi Đại sứ Diana Mickeviciene để tham vấn "sau tuyên bố ngày 10/8 của chính phủ Trung Quốc".
Trước đó, Trung Quốc ngày 10/8 đã triệu hồi đại sứ tại Lithuania, đồng thời đề nghị nước này cũng triệu hồi đại sứ tại Bắc Kinh về nước để phản đối việc Lithuania cho phép Đài Loan mở văn phòng đại diện.
Trung Quốc luôn coi Đài Loan là vùng lãnh thổ không thể tách rời và tuyên bố sẵn sàng sáp nhập bằng mọi giá, kể cả bằng vũ lực.
Đại sứ Lithuania tại Trung Quốc Diana Mickeviciene nói với AFP rằng, văn phòng đại diện của Đài Loan ở Lithuania không vi phạm chính sách "Một Trung Quốc" bởi Đài Loan có văn phòng đại diện ở hầu hết các nước châu Âu.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây là việc Lithuania cho phép Đài Loan mở "Văn phòng đại diện Đài Loan" tại quốc gia Baltic. Thông thường, các cơ sở này sẽ có tên là "Văn phòng đại diện Đài Bắc" ở các quốc gia châu Âu khác. Vì vậy, động thái của Lithuania khiến Trung Quốc phản đối mạnh mẽ.
Bắc Kinh đã yêu cầu Lithuania "ngay lập tức sửa chữa quyết định sai lầm, thực hiện các biện pháp cụ thể để khắc phục thiệt hại và không đi sâu hơn vào con đường sai lầm". Tuyên bố tháng trước của Trung Quốc cũng nhắc về "hậu quả tiềm tàng" Lithuania có thể đối mặt nếu tiếp tục cho phép văn phòng của Đài Loan mở cửa, nhưng không nêu chi tiết cụ thể.
Phản ứng với cảnh báo của Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Lithuania cho biết, nước này lấy làm tiếc về động thái của Bắc Kinh, nhưng vẫn quyết tâm phát triển mối quan hệ với Đài Loan, đồng thời tôn trọng nguyên tắc "Một Trung Quốc".
Trong thông báo hôm nay, Lithuania cho biết cơ sở ngoại giao của họ ở Bắc Kinh "vẫn hoạt động bình thường".
Trong thời gian qua, Lithuania được xem là một trong những nước thuộc thành viên EU có quan điểm chỉ trích Trung Quốc. Hồi tháng 5, Lithuania là quốc gia đầu tiên rút khỏi mô hình hợp tác 17+1 giữa Trung Quốc và 17 nước Trung và Đông Âu. Lithuania cho biết, mô hình này không mang lại lợi ích kinh tế như kỳ vọng cho họ.