1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Trung Quốc nghi "trút giận" lên Lithuania do căng thẳng vì vấn đề Đài Loan

Đức Hoàng

(Dân trí) - Trung Quốc được cho đã ngừng các chuyến tàu chở hàng trực tiếp đến Lithuania, trong bối cảnh 2 nước đang căng thẳng ngoại giao vì vấn đề Đài Loan gần đây.

Trung Quốc nghi trút giận lên Lithuania do căng thẳng vì vấn đề Đài Loan - 1

Trung Quốc được cho ngừng chuyến tàu vận chuyển hàng hóa trực tiếp tới Lithuania (Ảnh minh họa: Tân Hoa Xã). 

Truyền thông Lithuania dẫn các nguồn thạo tin cho biết, nhà vận hành vận tải đường sắt Trung Quốc CRCT đã thông báo dừng việc vận chuyển hàng hóa trực tiếp tới Lithuania "cho tới khi có thông báo kế tiếp", dù hiện chưa có bất cứ xác nhận chính thức nào về thông tin trên.

"Các chuyến tàu giữa Trung Quốc và Lithuania đã dừng lại. Quyết định này dường như được đưa ra bởi công ty nhà nước (Trung Quốc) vận hành các chuyến tàu đó. Hiện chưa có mệnh lệnh chính thức nào liên quan tới việc dừng tàu", một nguồn tin cho hay. Nguồn tin này cho biết, tuyến vận tải trên "không có vấn đề" và nghi ngờ rằng có động cơ chính trị đằng sau.  

Gintanas Liubanas, phát ngôn viên của công ty Lithuanian Railways, cho biết họ chưa nhận được thông báo chính thức về chuyến tàu vận tải hàng hóa trực tiếp với Trung Quốc bị ngừng.

"Cho tới lúc này, chúng tôi nhận được thông tin từ các khách hàng rằng một số chuyến tàu chở hàng trực tiếp sẽ không tới Lithuania vào cuối tháng 8 và nửa đầu tháng 9. Trong khi đó, các chuyến tàu quá cảnh đi qua Lithuania vẫn hoạt động bình thường. Chúng tôi hy vọng các thỏa thuận đã được thông qua trước đó sẽ được tôn trọng", ông Liubanas nói.

Căng thẳng ngoại giao

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh, Trung Quốc và Lithuania đang căng thẳng liên quan tới vấn đề Đài Loan. Tuần trước, Trung Quốc đã triệu hồi đại sứ tại Lithuania, đồng thời đề nghị nước này cũng triệu hồi đại sứ tại Bắc Kinh về nước để phản đối việc Lithuania cho phép Đài Loan mở văn phòng đại diện.

"Quyết định đó vi phạm trắng trợn tinh thần của thông cáo chung về việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Lithuania và làm xói mòn nghiêm trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc. Chúng tôi hối thúc phía Lithuania ngay lập tức sửa đổi quyết định sai trái, thực hiện các biện pháp cụ thể để khắc phục thiệt hại và không mắc thêm sai lầm", thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 10/8 nêu rõ.

Trung Quốc luôn coi Đài Loan là vùng lãnh thổ không thể tách rời và tuyên bố sẵn sàng sáp nhập bằng mọi giá, kể cả bằng vũ lực.

Phản ứng với cảnh báo của Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Lithuania cho biết, nước này lấy làm tiếc về động thái của Bắc Kinh, nhưng vẫn quyết tâm phát triển mối quan hệ với Đài Loan đồng thời tôn trọng nguyên tắc "Một Trung Quốc".

Đại sứ Lithuania tại Trung Quốc Diana Mickeviciene nói với AFP rằng, văn phòng đại diện của Đài Loan ở Lithuania không vi phạm chính sách "Một Trung Quốc" bởi Đài Loan có văn phòng đại diện ở hầu hết các nước châu Âu.

Tuy nhiên, vấn đề ở đây là việc Lithuania cho phép Đài Loan mở "Văn phòng đại diện Đài Loan" tại quốc gia Baltic. Thông thường, các cơ sở này sẽ có tên là "Văn phòng đại diện Đài Bắc" ở các quốc gia châu Âu khác. Vì vậy, động thái của Lithuania khiến Trung Quốc không hài lòng.

Lithuania xác nhận sẽ triệu hồi Đại sứ Diana Mickeviciene về nước sau khi bà hoàn thành 3 tuần cách ly ở Trung Quốc. Trước đó, bà Mickeviciene đã ra nước ngoài rồi trở lại Bắc Kinh vào thời điểm lùm xùm ngoại giao xảy ra.

Các nguồn tin chính phủ ở Lithuania cho rằng, Trung Quốc trong thời gian tới có thể sẽ có thêm các động thái khác, ngoài việc dừng tuyến vận tải đường sắt.

"Thật không may là mọi thứ có thể sẽ còn hơn thế nữa. Nó có thể giống như là việc phong tỏa toàn bộ hàng hóa xuất khẩu sang Lithuania", các nguồn tin cho biết.

Quy mô giao dịch thương mại giữa Lithuania và Trung Quốc tương đối thấp. Lithuania cũng được xem là một trong những nước thuộc Liên minh châu Âu EU có quan điểm chỉ trích Trung Quốc khá gay gắt. Hồi tháng 5, Lithuania là quốc gia đầu tiên rút khỏi mô hình hợp tác 17+1 giữa Trung Quốc và 17 nước Trung và Đông Âu. Lithuania cho biết, mô hình trên không mang lại lợi ích kinh tế như kỳ vọng cho họ.