Liệu Tổng thống đắc cử Donald Trump có truy tố bà Clinton?
(Dân trí) - Tỷ phú Donald Trump từng tuyên bố trong cuộc tranh luận trực tiếp với đối thủ Hillary Clinton hồi tháng trước rằng nếu ông đắc cử, cựu đệ nhất phu nhân Mỹ có thể sẽ bị truy tố vì liên quan đến vụ bê bối thư điện tử cá nhân từ thời bà còn giữ chức ngoại trưởng. Khi nhận nhiệm sở vào đầu năm tới, tổng thống mới đắc cử của nước Mỹ có thể làm điều này, theo Washington Post.
Theo Washington Post, lẽ đương nhiên ông Donald Trump sẽ không trực tiếp liên quan tới việc điều tra bà Hillary Clinton sau khi ông chính thức đặt chân tới Nhà Trắng vào đầu năm tới. Thay vào đó, ông có thể lệnh cho bộ trưởng tư pháp Mỹ bổ nhiệm một công tố viên đặc biệt và hy vọng công tố viên này sẽ đồng tình với quan điểm của ông rằng việc bà Clinton sử dụng hòm thư điện tử cá nhân để giải quyết việc công khi còn là ngoại trưởng Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama là vi phạm luật kiểm soát thông tin mật của Mỹ.
Nếu ông Trump làm được tất cả những điều đó và bà Clinton bị buộc tội, tòa án Mỹ sẽ phải mở một phiên tòa xét xử theo luật định. Lúc đó, công tố viên đặc biệt của ông Trump sẽ phải đương đầu với một thử thách khác trước khi tòa có thể tuyên án. Đó là những bằng chứng bảo vệ bà Clinton, từng đã khiến cho nhóm điều tra viên liên bang trước đó phải kết luận rằng họ không đủ cơ sở cần thiết để kết tội bà dù vụ bê bối thư điện tử cá nhân của cựu ngoại trưởng Mỹ đã được đưa ra mổ xẻ cách đây vài tháng.
Hồi tháng 7, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ James B. Comey đã tuyên bố rằng cả bà Clinton và các trợ lý của bà đều không bị kết tội liên quan đến việc sử dụng thư điện tử cá nhân trong thời kỳ bà làm ngoại trưởng Mỹ. Và 11 ngày trước cuộc bầu cử hôm 8/11, ông Comey một lần nữa thông báo mở lại cuộc điều tra nhằm vào các email của bà Clinton nhưng đến ngày 6/11 thì tuyên bố không truy tố bà.
Trong các cuộc vận động tranh cử, ông Trump đã vài lần nhắc đến việc truy tố bà Clinton và những người ủng hộ cũng kêu gọi ông làm điều này giữa lúc ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa đang so kè quyết liệt với đối thủ của mình trong cuộc tổng tuyển cử. Kellyanne Conway, người quản lý chiến dịch tranh cử của ông Trump, nói trên truyền hình hôm 9/11 rằng không loại trừ khả năng chính quyền của ông Trump sẽ chỉ định công tố viên đặc biệt để điều tra bà Clinton.
Ông Obama có thể tha bổng cho bà Clinton?
Theo Telegraph, người phát ngôn của Tổng thống Obama, ông Josh Earnest, để ngỏ khả năng Nhà Trắng có thể miễn tội cho bà Clinton trong trường hợp cựu đệ nhất phu nhân Mỹ bị buộc tội về việc sử dụng thư điện tử cá nhân vào công việc chung khi còn đương chức ngoại trưởng. Điều này sẽ tạo ra một “tấm khiên chắn”, giúp bà Clinton không bị truy tố ngay cả sau khi ông Obama đã rời nhiệm sở và ông Trump lên tiếp quản Nhà Trắng vào đầu năm 2017. Tuy nhiên đây vẫn chỉ là một tình huống giả định và ông Earnest cũng chưa khẳng định chắc chắn về điều này.
“Chúng tôi không phát ngôn về suy nghĩ của tổng thống, đặc biệt liên quan đến những vụ việc cụ thể mà có thể áp dụng hình thức tha bổng hoặc giảm hình phạt”, ông Earnest nói thêm.
Cũng theo Washington Post, Tổng thống đương nhiệm Obama hoàn toàn có thể “phòng trước” kế hoạch truy tố bà Clinton của ông Trump bằng việc tuyên bố tha bổng cho cựu ngoại trưởng trước khi ông rời nhiệm sở. Lịch sử Mỹ đã từng chứng kiến một vụ việc tương tự như vậy. Cách đây hơn 40 năm, cả nước Mỹ đã ngỡ ngàng khi Tổng thống Gerald Ford bất ngờ ra quyết định ân xá toàn bộ tội trạng trong Nhà Trắng của người tiền nhiệm Richard Nixon liên quan đến vụ Watergate. Theo đó, ông Nixon đã được xóa bỏ hoàn toàn những hành vi tội lỗi mà ông “đã trực tiếp làm hoặc tham gia vào” trong thời gian làm tổng thống.
Ngay cả những người bảo thủ nhất trong hệ thống luật pháp Mỹ cũng cho rằng việc ông Trump truy tố bà Clinton là một động thái không khôn ngoan, đồng thời sẽ “chính trị hóa” Bộ Tư pháp Mỹ theo cách đáng báo động.
Quản lý chiến dịch tranh cử của ông Trump Kellyanne Conway từng nói trên kênh MSNBC rằng lời dọa dẫm bỏ tù bà Clinton của ông Trump chỉ là “lời châm biếm”. “Về việc bổ nhiệm công tố viên đặc biệt, tôi nghĩ ông Trump chỉ là đang nói hộ nỗi thất vọng mà ông ấy nghe được từ hàng nghìn cử tri mỗi ngày mà thôi”.
Còn trong bài diễn văn chiến thắng của ông Trump đêm 8/11, tổng thống đắc cử của nước Mỹ cũng không đề cập tới vụ bê bối thư điện tử của bà Clinton. Thay vào đó, ông dành những lời khen ngợi cho đối thủ của mình, đồng thời gửi lời cảm ơn tới bà Clinton những cống hiến của bà cho nước Mỹ trong suốt thời gian qua.
Thành Đạt
Theo Washington Post