Liên minh Mỹ - Nhật - Australia trước cơn khủng hoảng
(Dân trí) - Mối quan hệ ba bên Nhật- Mỹ - Australia được cho là “thực chất” nhất trong số các nhóm quan hệ ba bên liên quan đến Mỹ. Quan hệ này sẽ như thế nào trong thời gian tới, khi Mỹ có lãnh đạo mới và điều này có thể ảnh hưởng đến tình hình an ninh của cả khu vực?
Với Mỹ, Nhật Bản là yếu tố an ninh quan trọng trong các vấn đề khu vực và toàn cầu. Mối quan hệ này khởi đầu mạnh mẽ vào giữa những năm 1990 và ngày nay được coi là mối quan hệ trọng yếu của Mỹ, trong bối cảnh an ninh khu vực ngày càng nhiều yếu tố thách thức vị trí lâu nay của Mỹ.
Nhật Bản đánh dấu bước phát triển đáng kể trong quan hệ với Mỹ sau khi chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe thúc đẩy cải cách chính sách quốc phòng vào năm ngoái để gia tăng tham gia hoạt động quân sự cùng các đồng minh.
Ngoài liên minh Mỹ - Nhật, Tokyo có quan hệ đồng minh mạnh mẽ với Canberra. Quan hệ Nhật Bản - Australia đã được chính thức hóa kể từ khi ký kết Tuyên bố chung về Hợp tác An ninh năm 2007 và hiện nay được nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt, với phạm vi hợp tác mở rộng.
Khuôn khổ hợp tác ba bên Nhật - Mỹ - Australia bắt đầu hình thành năm 2002, trong nỗ lực tăng cường sức mạnh đồng minh của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương và trong bối cảnh Đông Á phải đối mặt với "thế lực" là Trung Quốc.
Theo Viện nghiên cứu Lowy, Australia, Nhật Bản, Mỹ chia sẻ quan điểm về tầm nhìn chiến lược chung và nhiều vấn đề khu vực, như tầm quan trọng của luật pháp quốc tế, thúc đẩy giải pháp hòa bình trong xung đột trên biển, bảo vệ tự do hàng hải...
Trang tin Cogitasia của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), trụ sở tại Mỹ cho rằng có thể đánh giá quan hệ ba bên này qua hợp tác quốc phòng giữa ba nước, tập trung vào việc phát triển khả năng phòng thủ chung nhằm tăng cường khả năng tương tác của quân đội: chẳng hạn như cuộc tập trận Cope North, ủng hộ các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ…
Mạng tin Wsws dẫn lời giới phân tích xác định vai trò của Australia “là cơ sở hậu cần sống còn và cầu nối quan trọng giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương”, còn liên minh quân sự giữa Australia và Nhật Bản “là hai quốc gia được mô tả như cực Bắc và cực Nam trong liên minh của Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương”.
Về tầm ảnh hưởng của quan hệ tay ba này, tờ Sydney Morning Herald của Australia dẫn chứng: hết Malaysia, đến Singapore và Philippines, các quốc gia Đông Nam Á đang chuyển hướng sang Australia để tìm kiếm mối quan hệ quốc phòng chặt chẽ hơn trong bối cảnh an ninh khu vực hiện nay. Mới đây, Nhật Bản và Philippines cũng đã ký kết hiệp ước thiết lập khuôn khổ hợp tác mới, cho phép Nhật Bản cung cấp cho Philippines công nghệ và thiết bị quốc phòng.
“Tokyo, Washington và Canberra đang hợp tác chặt chẽ để tăng cường khả năng quốc phòng và an ninh cho các nước ASEAN”, trang Policy Forum của Đại học Australia viết.
Đối mặt với thời kỳ “khủng hoảng”
Vài tháng trở lại đây là khoảng thời gian “khủng hoảng” đối với Mỹ trong quan hệ quân sự lâu năm với các nước trong khu vực như Philippines, Thái Lan hay Malaysia.
Đây cũng là khoảng thời gian làm đau đầu những chuyên gia an ninh Nhật Bản muốn tăng cường quan hệ hợp tác quốc phòng với Mỹ, trước viễn cảnh Mỹ rút khỏi châu Á để "đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại" - như Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên bố trong chiến dịch tranh cử.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có thể khiến cạnh tranh chiến lược Trung - Mỹ leo thang. (Ảnh minh họa: Reuters)
Về phần Australia, nước được coi là đồng minh quân sự với Mỹ nhưng lại là đối tác kinh tế lớn của Trung Quốc, đang đối mặt với lựa chọn khó khăn. Nguyên do là việc tỷ phú Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ có nguy cơ dẫn đến cạnh tranh chiến lược Trung - Mỹ leo thang. “Sẽ bất lợi cho Australia khi có thể khiến một hoặc cả hai "đối tác" không hài lòng”, East Asia Forum viết.
Ngày 10/11, cựu Thủ tướng Australia Paul Keating kêu gọi nước này thực hiện chính sách đối ngoại “cân bằng và độc lập hơn”, đặc biệt là hướng tới Trung Quốc và Indonesia, sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ.
Tuy nhiên, theo trang Wsws, một ngày trước đó, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull là nhà lãnh đạo thế giới thứ hai được ông Trump tiếp chuyện qua điện thoại. Hai bên đã khẳng định mối quan hệ đồng minh mạnh mẽ và thân thiết giữa Australia với Mỹ tiếp tục được duy trì.
Trong khi đó, cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe với Tổng thống đắc cử Trump hôm 17/11 được cho là sẽ “đánh dấu sự khởi đầu của tiến trình đàm phán nhằm tranh thủ sự ủng hộ của Tokyo trong việc đối phó với tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại châu Á”.
“Hợp tác an ninh ba bên Mỹ - Nhật - Australia sẽ tiếp tục phát triển trong thập kỷ tới”, Policy Forum của Đại học Australia viết. “Nếu ba bên cam kết duy trì các quy tắc và chuẩn mực quốc tế, Washington, Tokyo và Canberra có thể tiếp tục định hình trật tự tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong các lĩnh vực”, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) có trụ sở đặt tại Mỹ nhận định.
Tuệ An
Tổng hợp