DNews

Lập trường cứng rắn của ông Macron về vấn đề Ukraine và cảnh báo từ Nga

Đại tá Nguyễn Minh Tâm

(Dân trí) - Tổng thống Pháp Emanuelle Macron đã có nhiều tuyên bố cứng rắn khi không loại trừ khả năng sẽ triển khai quân ở Ukraine. Nga lập tức phản ứng cứng rắn chưa từng có.

Lập trường cứng rắn của ông Macron về vấn đề Ukraine và cảnh báo từ Nga

Căng thẳng NATO - Nga leo thang: Moscow cảnh báo phương Tây

Thời gian gần đây, Tổng thống Pháp Emanuelle Macron đã đưa ra nhiều tuyên bố cứng rắn trong đó có việc sẽ triển khai quân Pháp ở Ukraine. Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Anh David Cameron tuyên bố cho phép Kiev sử dụng tên lửa hành trình tầm xa do London cung cấp để tập kích sâu vào lãnh thổ Nga.

Từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5, NATO tổ chức một cuộc tập trận lớn nhất từ trước đến nay ở vùng Baltic tiếp giáp với lãnh thổ Nga. Cuộc tập trận mang tên "Steadfast Defender" (Người bảo vệ kiên cường) huy động sự tham gia của khoảng 90.000 binh sĩ đến từ toàn bộ 32 quốc gia thành viên NATO với 1.100 vũ khí và phương tiện chiến đấu hạng nặng.

Moscow cho rằng đây là những hành động đe dọa sử dụng vũ lực của NATO, một hành động uy hiếp thô bạo đối với an ninh của Nga mà trực tiếp với vùng Kaliningrad cũng như đối với Belarus.

Đồng thời, Nga cáo buộc, cuộc tập trận này cho thấy Mỹ và phương Tây đang cố tình leo thang căng thẳng hơn nữa liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine, tạo nên nguy cơ dẫn đến một cuộc đụng độ quân sự trực tiếp giữa các nước NATO và Nga.

Vì vậy, Moscow thấy rằng cần phải áp dụng biện pháp cứng rắn hơn để ngăn chặn những tình huống leo thang căng thẳng đó.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 4/5 nêu rõ: "Theo kịch bản tập trận, các hành động của liên minh chống lại Nga đang được thực hiện bằng cách sử dụng tất cả các công cụ, bao gồm cả vũ khí hỗn hợp và vũ khí thông thường".

Bà Zakharova nhấn mạnh: "Chúng tôi phải thừa nhận rằng NATO đang chuẩn bị nghiêm túc cho một cuộc xung đột tiềm tàng với chúng tôi".

Ngày 6/5, Bộ ngoại giao Nga đã triệu tập Đại sứ Pháp Pierre Levy và Đại sứ Anh Nigel Casey đến trụ sở Bộ này để phản đối những động thái khiêu khích làm gia tăng căng thẳng của Anh và Pháp.

Theo đó, phía Nga đã chỉ rõ một cách quyết liệt rằng, tuyên bố của ông Cameron đã mâu thuẫn trực tiếp với những đảm bảo chắc chắn trước đây của chính phía Anh trong việc chuyển giao tên lửa hành trình tầm xa cho Ukraine rằng, trong mọi trường hợp Kiev sẽ không được phép sử dụng chúng để tấn công vào lãnh thổ Nga.

Hồi đầu tháng này, trong chuyến thăm Kiev, Ngoại trưởng Anh David Cameron cũng tuyên bố, Anh sẽ cấp cho Ukraine mỗi năm 3 tỷ bảng chừng nào còn cần thiết và không phản đối Kiev dùng vũ khí do London viện trợ để nhắm vào Nga.

Giới chức Nga lập tức chỉ trích tuyên bố của ông Cameron, coi đây là một trong những phát ngôn "nguy hiểm" phương Tây.

Theo Bộ Ngoại giao Nga, phát biểu của ông Cameron đã "thừa nhận Anh trên thực tế là một bên tham gia xung đột".

Đối với người Pháp, phía Nga cũng đã lên án tuyên bố của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, cho rằng, Paris có thể gửi quân đến Ukraine để hỗ trợ Kiev chống Nga là một tuyên bố "vô trách nhiệm và thiếu suy nghĩ".

Lập trường cứng rắn của ông Macron về vấn đề Ukraine và cảnh báo từ Nga - 1
Chúng tôi phải thừa nhận rằng NATO đang chuẩn bị nghiêm túc cho một cuộc xung đột tiềm tàng với chúng tôi.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova

Tổng thống Putin cảnh báo những hành động và phát ngôn nguy hiểm trong chính sách đối ngoại của phương Tây kéo theo nguy cơ xung đột hạt nhân và hủy hoại nền văn minh.

Đáp lại, Mỹ sau đó chỉ trích cảnh báo của người đứng đầu Điện Kremlin về nguy cơ chiến tranh hạt nhân là "vô trách nhiệm".

Nhưng người Nga không nói suông! Moscow ngay lập tức hành động theo cách chưa từng có. Ông Putin dường như muốn thể hiện nỗi giận dữ trước những bình luận gần đây từ phương Tây về chiến sự Ukraine.

Một ngày trước khi nhậm chức Tổng thống Nga nhiệm kỳ lần thứ 5 hôm 7/5, ông Vladimir Putin - Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Liên bang Nga - đã ban hành mệnh lệnh tổ chức cuộc tập trận tại Quân khu phía Nam và Hải quân Nga bao gồm cả các bài tập triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật cũng như tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng này.

Tại Minsk, Tổng thống Belarus Aleksandr Lukashenko cũng tiến hành động thái tương tự, đồng thời tuyên bố nước này đã nhận được vũ khí hạt nhân chiến thuật từ Moscow.

"Hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại"

Kể từ ngày Nga mở Chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine đến nay, đã xuất hiện không ít những tuyên bố lên án lẫn nhau, những màn "pháo kích ngôn luận" và "phản pháo" từ cả hai phía. Tuy nhiên động thái thực tế của NATO vẫn chỉ là cung cấp các vũ khí, khí tài hạng nặng cũng như tiền bạc để tái trang bị cho quân đội Ukraine đang trên đà kiệt quệ.

Tốc độ Nga phá hủy các vũ khí, khí tài của Ukraine luôn tăng từ cấp số cộng đến cấp số nhân. Tương tự, số binh sĩ Ukraine thiệt mạng và bị thương cũng tăng lên từng ngày. Nhiều nhà bình luận quân sự đã nhận xét rằng, Ukraine không khác gì một "hố đen", sẵn sàng "nuốt" hết các vũ khí hiện đại của NATO.

Các loại xe tăng M1A1 Abrams (Mỹ), Leopard 2A6 (Đức), Challenger 2 (Anh) cùng hàng loạt xe chiến đấu bọc thép, pháo tự hành hiện đại của Mỹ và phương Tây lần lượt bị quân Nga tiêu diệt trên chiến trường Đông và Nam Ukraine.

Các loại hỏa tiễn như M142 HIMARS, tên lửa ATACMS của Mỹ, tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow và SCALP-EG của Anh… cũng chịu chung số phận.

Đi kèm với các khí tài đó, tốc độ tiêu thụ đạn phản lực, đạn pháo, đạn cỡ nhỏ của Ukraine lên tới hàng vài vạn viên mỗi ngày.

Số vũ khí của NATO đổ vào Ukraine lớn đến mức các nhà phân tích quân sự đánh giá rằng đứng về khía cạnh vũ khí khí tài thì Nga đang chống lại cả khối NATO. Còn Ukraine trở thành bãi thử vũ khí lớn nhất thế giới từ sau Thế chiến thứ hai.

Lập trường cứng rắn của ông Macron về vấn đề Ukraine và cảnh báo từ Nga - 2

Xe tăng Leopard 2 của Ukraine bị Nga tiêu diệt ở mặt trận Zaporizhia (Ảnh: WM BLOOD).

Tình hình châu Âu từ đầu năm 2024 tới nay căng thẳng tới mức nhiều lằn ranh đỏ do bên này hoặc bên kia vạch ra đều lần lượt bị bước qua, chỉ trừ hai lằn ranh cuối cùng gồm sự xuất hiện của quân đội NATO tại Ukraine và việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Nếu NATO "bước qua" thì hậu quả sẽ khó tưởng tượng được.

Các nguồn tin Nga đã cáo buộc NATO ngầm đưa các sĩ quan và nhân viên quân sự của mình đến Ukraine với vai trò cố vấn tác chiến và hỗ trợ kỹ thuật quân sự. Phía Nga cũng đưa ra những bằng chứng về việc họ hạ gục những cố vấn và nhân viên quân sự của NATO như thế nào và ở đâu trên đất Ukraine.

Tuy nhiên, cả London, Paris, Berlin và Brussel đều phủ nhận. Họ chỉ công nhận có lính đánh thuê mang quốc tịch của nước họ chết trận tại Ukraine.

Sau những ngày phấn khởi ban đầu khi đưa các vũ khí, khí tài hiện đại mới được viện trợ vào tác chiến, truyền thông Ukraine và phương Tây nhất loạt vẽ lên một bức tranh lạc quan cho tình hình quân sự của Kiev.

Cũng từ sự lạc quan đó mà một loạt những dự đoán được đưa ra về việc người Nga sẽ sớm phải ngồi vào bàn đàm phán về việc trả lại lãnh thổ cho Kiev. Thậm chí, ngày 7/5, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby còn đề nghị Nga hãy rút quân để bảo vệ lực lượng.

Tuy nhiên, điều đó đã nhanh chóng bị thực tế chiến trường bác bỏ. Nhân dịp kỷ niệm 79 năm ngày Chiến thắng chống phát xít Đức (9/5), tại sân Bảo tàng Chiến thắng, Bộ Quốc phòng Nga đã mở một cuộc triển lãm đặc biệt với hơn 100 loại vũ khí, khí tài và phương tiện chiến tranh hiện đại của NATO viện trợ cho Ukraine bị quân đội Nga thu giữ hoặc phá hỏng.

Và những lời hoa mỹ phát ra từ Kiev và NATO cũng mau chóng hạ giọng.

Pháp có thật sự muốn đưa quân vào Ukraine?

Sau các phản ứng mạnh mẽ từ phía Nga, ông Macron đã vội vàng chữa cháy khi nói rằng, ông chỉ đưa ra khả năng sẽ làm việc đó chứ không phải khẳng định sẽ thực hiện. Điều này có vẻ hợp lý hơn vì những lẽ sau đây:

Ở Pháp, Mỹ hay tuyệt đại đa số các nước trên thế giới, việc đưa quân đội ra nước ngoài với bất cứ mục đích gì, kể cả tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Bất kể tổng thống hay thủ tướng, khi đưa quân đội đi làm nhiệm vụ quân sự ngoài biên giới quốc gia đều phải được Quốc hội chuẩn y. Ông Macron không thể tự mình quyết định.

Một số nước cho phép nguyên thủ quốc gia được làm điều đó nhưng chỉ trong tình trạng khẩn nguy khi chủ quyền quốc gia đã và đang bị xâm phạm hoặc đã và đang bị đe dọa trực tiếp. Nhưng sau một thời gian nhất định (thường từ một đến hai tháng), họ phải báo cáo để cơ quan lập pháp chuẩn y.

Điều này cho thấy nếu không ở tình trạng khẩn nguy thì Tổng thống Pháp không thể đưa quân đội nước này ra nước ngoài tác chiến, bao gồm cả Ukraine.

Và ngay trong những ngày tháng 5 nóng nực với nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng từ 1,2 độ đến 1,5 độ C so với cùng kỳ năm 2023 thì ý đồ đưa lực lượng vũ trang nước ngoài đến Ukraine mới dần dần bộc lộ sau khi lớp vỏ băng bao bọc tan chảy. Đó là lính lê dương - những người nước ngoài đánh thuê cho Pháp.

Lính lê dương được cho là đã xuất hiện ở Ukraine ngay từ khi cuộc xung đột khởi phát nhưng gồm các tốp tình nguyện viên lẻ tẻ, được các công ty phi chính phủ (danh nghĩa) tuyển mộ và được chính quyền Kiev trả công.

Nếu Pháp đưa lính lê dương tới Ukraine, một câu hỏi được đặt ra là nước Pháp sẽ tuyển lực lượng này ở đâu?

Sự thay đổi thái độ đối với Nga và nỗi cay đắng của ông Macron

Khi Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine mở màn, Tổng thống Macron đóng một vai trò khá tích cực trong việc vãn hồi hòa bình. Ông đi lại như con thoi giữa Paris, Kiev, Moscow và Istanbul để hối thúc các bên sớm đi đến một thỏa hiệp chấp dứt chiến sự.

Tuy nhiên, một khi Nhà Trắng và Số 10 phố Downing đã quyết điều gì thì kể cả tổng thống Pháp lẫn thủ tướng Đức cũng khó phản đối, đặc biệt sau khi cả hai tuyến ống dẫn khí đốt trên biển Baltic từ Nga sang Đức bị phá hoại.

Rồi đến chuyện "lúa mì Ukraine" đã gây ra cơn hỗn loạn trong giới nông gia ở Ba Lan, ở Pháp, ở Đức và một số nước khác ở châu Âu. Không có tiền để nhập khẩu vũ khí và phương tiện chiến tranh, để trả lương cho sĩ quan, binh lính, công chức..., Kiev buộc phải thanh toán cho các đối tác bằng lúa mì chất lượng hàng đầu thế giới với giá rẻ.

Những người trồng lúa mì ở Pháp, Đức, Ba Lan đặc biệt phản đối việc nhập khẩu ồ ạt lúa mì giá rẻ từ Ukraine bởi lẽ họ chịu thiệt thòi về nhiều mặt. Ngành chăn nuôi, một thế mạnh của nền kinh tế các nước này cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng theo dây chuyền. Nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn của nông dân ở các nước đã nổ ra.

Tuy nhiên, đó cũng chưa phải là khó khăn lớn nhất của Tổng thống Pháp khi chứng kiến những sự bất ổn ngay tại đất nước mình bởi các cuộc thăm dò dư luận cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông ngày một tụt thấp. Trong khi đó, Thế vận hội năm 2024 mà nước Pháp đăng cai đang đến gần với nhiều công việc còn đang bề bộn.

Khó khăn của Tổng thống Pháp không phải vì Ukraine, cũng không phải vì những rối ren trong nước Pháp mà có thể là vì những diễn biến bất lợi cho họ nằm ở Tây Phi, cách xa hàng nghìn dặm.

Lính đánh thuê từ Tây Phi?

Theo tính toán của giới quân sự - chính trị Pháp, các đơn vị đánh thuê đến từ Tây Phi có thể được triển khai để hỗ trợ Lữ đoàn bộ binh cơ giới số 54 của Ukraine ở Slavyansk. Tất cả sĩ quan và binh sĩ đều không phải là công dân Pháp.

Họ được phép không công khai danh tính khi gia nhập đội quân đánh thuê này và ký kết hợp đồng phục vụ trong 3 năm với Bộ Quốc phòng Pháp. Sau đó họ có thể được chấp nhận nhập quốc tịch Pháp nếu sống sót qua cuộc chiến. Còn trong trường hợp bị thương mất khả năng chiến đấu, họ sẽ được đặc cách nhập quốc tịch Pháp mà không cần bất cứ điều kiện nào khác.

Nhóm lính đánh thuê Tây Phi đầu tiên đến Ukraine có số lượng khoảng 100 người và chuyên về pháo binh. Tổng cộng, dự kiến có khoảng 1.500 tay súng đánh thuê có thể đến Ukraine trong nhiều đợt cho đến năm 2027.

Tổng thống Macron khi nêu khả năng đưa lính đánh thuê vào Ukraine đã gần như không nhận được sự hỗ trợ từ các đồng minh NATO, chỉ có Ba Lan và 3 nước Baltic ủng hộ.

Đề xuất của ông nhằm thực hiện đúng lời hứa là, Pháp vẫn gửi quân đến Ukraine, nhưng đội quân này không phải là công dân Pháp, nghĩa là không phải quân đội Pháp. Hơn nữa, số lượng lính đánh thuê là không đáng kể và được chia thành nhiều đợt trong 3 năm.

Việc này cũng cho phép ông Macron khuếch trương hình ảnh của mình và làm dịu đi sự tức giận của các đối thủ chính trị của ông. Tuy nhiên, với một lực lượng nhỏ bé như vậy, lại bị cắt ra làm nhiều mảnh và đều là lính pháo binh khiến cho giới quân sự ở Kiev phải ngán ngẩm.

Kiev không rõ chính xác nhóm lính đánh thuê - pháo binh này sẽ giúp đỡ mình như thế nào, bởi vấn đề chính đối với Ukraine không phải là bắn như thế nào mà là lấy đạn ở đâu ra để bắn.

Hơn thế nữa, sự kiện nhiều tay súng đánh thuê chiến đấu cho Kiev ở Ukraine phải nằm lại chiến trường, trong đó có không ít công dân từ châu Phi hầu như không được quan tâm, đã khiến dư luận chính giới các nước này bùng nổ, đặc biệt là giới quân sự - thế lực luôn có tiếng nói rất trọng lượng tại khu vực.

Trong khi người Pháp dường như đang cố gắng tuyển mộ thêm lính lê dương ở Tây Phi để chuyển cho Ukraine thì một bất ngờ xảy đến vào ngày 26/7/2023. Tướng Abdourahamane Tchiani, người đứng đầu Lực lượng bảo vệ Tổng thống Niger, đã tiến hành đảo chính quân sự  lật đổ Tổng thống thân Pháp Mohamed Bazoum khi ông này mới bắt đầu nhiệm kỳ được 2 năm.

Chính quyền quân sự do tướng Tchiani đứng đầu đã thành lập Hội đồng bảo vệ tổ quốc Niger (CNSP). Một trong những hành động đầu tiên của CNSP là yêu cầu các lực lượng quân sự Pháp gồm khoảng 2.000 sĩ quan và binh sĩ cùng nhiều trang thiết bị, máy bay, thiết giáp, pháo binh phải triệt thoái hoàn toàn khỏi Niger.

Các quốc gia Tây Phi đầu tiên tiến hành đảo chính quân sự trong năm 2023 là Mali và Burkina Faso, thuộc địa cũ của Pháp đồng thời là các quốc gia láng giềng của Niger, họ cũng yêu cầu quân đội Pháp rút đi.

Lập trường cứng rắn của ông Macron về vấn đề Ukraine và cảnh báo từ Nga - 3

Lính viễn chinh Pháp ở đông bắc Mali năm 2020 (Ảnh: New York Times).

Bằng cách tiếp cận giống nhau, Mali và Burkina Faso đều ủng hộ đảo chính ở Niger, cảnh báo bất cứ sự can thiệp quân sự nào vào Niger sẽ được hai nước coi là lời tuyên chiến chống lại họ. Thậm chí, cả Mali và Burkina Faso đều tuyên bố họ sẽ sẵn sàng đối đầu quân sự với bất kỳ cuộc can thiệp vũ trang nào vào Niger.

Những lời kêu gọi của EU về việc lập lại trật tự hiến pháp ở Niger như "đá ném ao bèo". Trong khi người Pháp chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra thì ngày 30/8/2023, đến lượt quân đội Gabon (cũng là một thuộc địa cũ của Pháp) làm đảo chính quân sự, lật đổ tổng thống vừa đắc cử Ali Bongo Ondimba.

Các sĩ quan tiến hành đảo chính tuyên bố hủy kết quả bầu cử, đóng cửa biên giới, giải tán nhiều cơ quan lập pháp, hành pháp và thông báo rằng họ nắm giữ chính quyền.

Ngoài các quốc gia kể trên, phe quân sự theo chủ nghĩa dân tộc cũng đã lên nắm chính quyền ở các nước Chad, Guinea từ năm 2020. Tất cả đều là thành viên của khối Pháp ngữ (Francophony). Sau hiệu ứng này, cả một dải cựu thuộc địa rộng lớn của Pháp trải dài từ Đại Tây Dương đến sát Biển Đỏ tuy có quan hệ với Paris và nói tiếng Pháp nhưng hầu hết các nước này có mối liên hệ chặt chẽ với Nga hơn là phương Tây.

Đây là một đòn giáng mạnh vào vị thế của người Pháp ở khu vực Hạ Sahara. Nó khiến cho nước Pháp rất khó có khả năng tái lập vị thế của họ bằng các hành động can thiệp quân sự để ngăn chặn các cuộc đảo chính.

Không những thế, sự kiện các lãnh đạo chính quyền quân sự của Mali, Burkina Faso, Niger, Cote D'Ivoir, Gabon, Chad… có mặt trên khán đài danh dự tại lễ diễu binh kỷ niệm 79 năm Chiến thắng phát xít Đức tại Quảng trường Đỏ đã khẳng định ảnh hưởng gia tăng trở lại của người Nga tại vùng này.

Nguồn nhiên liệu hạt nhân của Pháp bị đe dọa

Trong số các nước EU, Pháp là quốc gia có nền công nghiệp điện nguyên tử mạnh nhất với 59 nhà máy cho tổng sản lượng lên tới 440 tỷ KW giờ mỗi năm, đứng thứ 2 thế giới sau Mỹ.

Có tới 75% công suất của toàn bộ nguồn điện ở Pháp đến từ các nhà máy điện nguyên tử. Hàng năm, các nhà máy này cũng cung cấp tới 22% sản lượng điện của cả khối EU. Điều này giúp Pháp trở thành quốc gia phát thải carbon ít nhất trong nhóm G7.

Trước đây, nguồn nhiên liệu uranium cho các nhà máy điện nguyên tử của Pháp chủ yếu dựa vào nguồn cung cấp từ Nga. Nhưng đến khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, Pháp cũng phải thi hành các lệnh cấm vận và trừng phạt đối với Moscow, nguồn nhiên liệu uranium từ Nga giảm tới mức tối thiểu.

Tuy nhiên, Pháp vẫn còn một "sân sau" có thể bù đắp cho sự thiếu hụt này. Đó là Tây Phi, là Niger, là Mali, là Burkina Faso, là Cote s'Ivoire… những quốc gia "thân thiện" với Pháp trong Hiệp ước phòng thủ chung mang tên Hiệp ước Sahel. Vì vậy, Tây Phi hiện nay rất quan trọng với nước Pháp bởi nơi này là nguồn cung cấp uranium chủ yếu cho các nhà máy điện nguyên tử của họ.

Những phát ngôn mạnh mẽ của ông Macron thể hiện ý muốn trả đũa người Nga về việc vành đai Sahel trục xuất quân Pháp và đón người Nga vào. Đây là một nỗi đau không chỉ đối với điện Elysee mà còn đối với cá nhân ông Macron.

Đòn đau đớn nhất cho Pháp là Niger. Nước này là nơi có trữ lượng uranium rất đáng kể, đóng vai trò rất quan trọng đối với năng lượng hạt nhân toàn cầu, cung cấp 20% nhu cầu của Pháp và đóng góp 15% vào kho dự trữ uranium của Liên minh châu Âu (EU).

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho biết Niger chiếm 6 đến 7% thị phần uranium toàn thế giới trong thập niên qua. Nước này đã sản xuất hơn 2.000 tấn vào năm 2022.

Sự gián đoạn nguồn cung từ Niger đã đặt không chỉ nước Pháp mà còn cả các nước EU có nhà máy điện hạt nhân trước một cuộc khủng hoảng năng lượng mới. Bởi quyết định của Mỹ về việc cấm vận uranium từ Nga sẽ tạo cơ hội cho Moscow giáng tiếp một đòn nghiêm trọng nữa vào Pháp và EU.

Và người Mỹ, bằng cách đơn giản đó đã cắt đứt hoàn toàn nguồn cung uranium cho phương Tây nói chung, khiến cho Pháp và EU phải đối mặt với vấn đề an ninh năng lượng và kinh tế.

Tất nhiên là Pháp vẫn còn những nguồn cung uranium khác đến từ Kazakhstan (27%), Uzbekistan (19%), Canada (12%) và các nước khác. Nhưng cái khó của Paris là ở chỗ hai nước cung cấp uranium hàng đầu và thứ ba cho Pháp đều là hai quốc gia vốn thuộc Liên Xô cũ và có mối quan hệ thân thiết với Moscow, đặc biệt là Kazakhstan.

Vì vậy, dù có tự tin đến mấy để không bị gián đoạn nguồn cung nhiên liệu chiến lược này thì trong dài hạn, người Pháp sẽ phải điều chỉnh lại quan hệ của họ với Nga, Kazakhstan, Uzbekistan, Niger và các nước trong dải Sahel. Nhưng điều chỉnh như thế nào, bằng cách gì mà vẫn giữ được trách nhiệm của Pháp trong khối NATO đối với vấn đề Ukraine là điều không hề dễ dàng.

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine