1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột Israel - Iran
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Mỹ hoãn áp thuế trong 90 ngày

Phương Tây tung gói trừng phạt cứng rắn, Nga cảnh báo “con dao hai lưỡi”

Thành Đạt

(Dân trí) - Nga tuyên bố đủ khả năng thích nghi với các lệnh trừng phạt của phương Tây sau khi Liên minh châu Âu (EU) thông qua gói trừng phạt thứ 18 với Moscow.

Phương Tây tung gói trừng phạt cứng rắn, Nga cảnh báo “con dao hai lưỡi” - 1

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov (Ảnh: Reuters).

Khi được hỏi về các lệnh trừng phạt mới của EU, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov gọi đây là các biện pháp một chiều và bất hợp pháp. Ông cho rằng đây là "lập trường chống Nga liên tục" của châu Âu.

"Nhưng chúng tôi đã đạt được mức độ miễn nhiễm nhất định đối với các lệnh trừng phạt. Chúng tôi đã thích nghi với cuộc sống dưới các lệnh trừng phạt", ông Peskov nói với các phóng viên hôm 18/7.

"Tất nhiên, chúng tôi sẽ phải phân tích gói trừng phạt mới để giảm thiểu hậu quả của chúng. Tuy nhiên, mỗi gói trừng phạt mới đều mang lại tác động tiêu cực cho chính các quốc gia ủng hộ chúng. Đây là một con dao hai lưỡi", ông Peskov nói thêm.

Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận về gói trừng phạt thứ 18 nhằm vào Nga vì cuộc xung đột Ukraine, bao gồm một loạt biện pháp nhằm tới ngành dầu mỏ và năng lượng của Moscow.

Theo các nhà ngoại giao, gói trừng phạt mới nhất này sẽ hạ mức trần giá dầu thô của Nhóm G7 từ 60 USD xuống còn 47,6 USD mỗi thùng.

“EU vừa thông qua một trong những gói trừng phạt cứng rắn nhất từ trước đến nay đối với Nga”, quan chức phụ trách chính sách đối ngoại EU, bà Kaja Kallas, viết trên mạng xã hội X.

Bà tuyên bố sẽ tiếp tục gây áp lực lên Nga để việc khép lại chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine sẽ trở thành "con đường duy nhất mà Moscow có thể lựa chọn".

Gói trừng phạt còn bao gồm các biện pháp nhằm vào 105 tàu thuộc “hạm đội bóng đêm” của Nga và những bên hỗ trợ, hệ thống ngân hàng Nga, cũng như lệnh cấm đối với các đường ống dẫn khí Nord Stream 1 và 2 dưới đáy biển Baltic.

Xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch là nguồn thu chủ lực của Nga giúp duy trì chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Tuần trước, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov tiết lộ, kể từ khi chiến sự với Ukraine nổ ra hơn 3 năm trước, phương Tây đã áp lên Moscow 30.000 lệnh trừng phạt. Nga trở thành quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất trên thế giới.

Tuy nhiên, ông khẳng định: “Chúng tôi biết cách vận hành trong những điều kiện như vậy và sẽ tiếp tục tiến bước trên con đường độc lập, có chủ quyền và kiên định của mình".

Mặt khác, theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, các lệnh trừng phạt đang gây thiệt hại cho các nước phương Tây hơn là cho Nga.

“Càng trừng phạt nhiều, các nước áp đặt trừng phạt lại càng chịu thiệt hại nhiều hơn”, ông Putin nói tại hội nghị thượng đỉnh Liên minh Kinh tế Á-Âu ở Belarus tháng trước.

Ông Putin cũng lập luận rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây đã “thay đổi chất lượng nền kinh tế Nga", tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước thích nghi và tiếp quản các thị phần mà doanh nghiệp nước ngoài để lại. Ông cho rằng Nga ngày càng trở nên kiên cường hơn trước làn sóng trừng phạt chưa từng có này.

Theo Straitstimes