Mã số: 5661
Lời khẩn cầu từ người đàn bà khuyết tật sống cô độc giữa núi rừng
(Dân trí) - Giữa núi xứ Lạng, bà Shịch sống cô độc trong căn nhà chắp vá, mục nát. Tuổi già, bệnh tật và nỗi cô đơn bủa vây khiến người phụ nữ ấy khát khao được yêu thương và giúp đỡ.
Lời khẩn cầu từ người đàn bà khuyết tật sống cô độc giữa núi rừng (Video: Thùy Hương).
Tuổi già sống cô độc giữa núi rừng
Căn nhà nhỏ xập xệ, rộng chừng 15m2 ở thôn Nà Chầu, xã Tri Lễ, tỉnh Lạng Sơn là nơi trú ngụ của bà Chuông Thị Shịch (SN 1959).
Tới thăm bà Shịch, chúng tôi không khỏi chạnh lòng trước hình ảnh bà đang ngồi bó gối ở một góc nhà, gương mặt ngơ ngác.
Trong căn nhà nhỏ của bà Shịch gần như không có đồ đạc gì giá trị, chỉ toàn những thứ phế thải được bà lượm lặt về khiến không gian thêm chật chội, phóng viên khó tìm được một chỗ đứng để tác nghiệp.

Bà Chuông Thị Shịch là người khuyết tật nặng dạng thần kinh tâm thần (Ảnh: Thùy Hương).
Bà Shịch là người khuyết tật nặng dạng thần kinh tâm thần, được Nhà nước trợ cấp 1 triệu đồng/tháng từ năm 2013 đến nay. Cuộc sống của bà chỉ dựa hoàn vào khoản trợ cấp này.
Theo cán bộ xã Tri Lễ và người dân địa phương, bà Shịch sống lặng lẽ và khép kín, gần như tách biệt với cộng đồng, không giao tiếp với ai.

Căn nhà bà Shịch nằm chơ vơ ở bìa rừng (Ảnh: Thùy Hương).
Bà Nông Thị Kim, em dâu và cũng là người gần gũi nhất với bà Shịch, cho biết: “Mỗi khi lên cơn, chị ấy thường xua đuổi bất kỳ ai đến gần ngôi nhà. Xung quanh nhà được chị rào chắn bằng dây thép và những cành củi khô.
Những hôm không có ai tới thăm và tiếp tế thực phẩm, chị ấy lại lọ mọ đi kiếm củi, hái rau dại quanh nhà ăn qua bữa. Mỗi khi trái gió trở trời đau ốm không thể gượng dậy, chị chỉ biết nằm một chỗ chờ bệnh tự khỏi. Nhà tôi cách chỗ chị hơn 1 cây số, thỉnh thoảng tôi ghé qua mang cơm và thức ăn cho chị”.
Cuộc đời bà Shịch không chỉ là chuỗi ngày lặng lẽ, cô độc mà còn chất chứa những mảnh vỡ của 1 cuộc hôn nhân ngắn ngủi. Để hiểu rõ hơn người về phụ nữ ấy, phóng viên Dân trí liên hệ với chị Chuông Thị Phòng (SN 1984) là con gái của bà.
Theo lời chị Phòng, thời trẻ bà Shịch làm việc tại mỏ than Na Dương (Lạng Sơn). Tại đây, bà gặp gỡ và nên duyên với 1 người đàn ông, nhưng không lâu sau, người đàn ông ấy bỏ đi, để bà đơn thân bươn chải nuôi con. Chị Phòng chính đứa con được sinh ra từ mối duyên ngắn ngủi ấy.
Cuộc sống đơn thân quá vất vả, bà Shịch đã đưa con gái về nhà ngoại nhờ chăm sóc. Từ đó, chị Phòng nhận người dì ruột làm mẹ nuôi.

Trong căn nhà chật chội chỉ toàn những đồ phế thải bà Shịch lượm lặt từ ngoài mang về (Ảnh: Thùy Hương).
Do hoàn cảnh khó khăn nên chị Phòng không được đi học, không biết chữ. Khi trưởng thành, chị lập gia đình và sống cách nhà ngoại gần chục cây số.
Nhìn mẹ ruột sống cô độc giữa núi rừng, chị Phòng không khỏi xót xa, day dứt. Nhưng cuộc sống của chị khá khó khăn khi vừa chăm 4 con nhỏ, vừa lo cho mẹ chồng già yếu... Gánh nặng mưu sinh và trách nhiệm gia đình cứ thế đè nặng lên vai, chị đành bất lực nén nỗi lòng.
“Mẹ em bị tâm thần một phần cũng vì không có ai bên cạnh. Có bữa, em qua thăm, mẹ năn nỉ em ngủ lại với mẹ một đêm...”, chị Phòng nghẹn giọng kể.
Chị Phòng cho biết, dù mang bệnh tâm thần nhưng bà Shịch hiền lành, chưa bao giờ làm tổn hại đến ai.
Căn nhà nghĩa tình do hàng xóm dựng giúp nay đã xập xệ, rách nát
Đại diện chính quyền địa phương cho biết, căn nhà bà Shịch đang nương náu được bà con lối xóm và thanh niên tình nguyện dựng giúp từ năm 2007.
Hiện tại, căn nhà đã xuống cấp nghiêm trọng, mái tôn thủng lỗ chỗ, vách ghép tạm bợ. Mỗi khi trời mưa, nước dột khắp nơi.
Bà Nông Thị Kim, em dâu bà Shịch xót xa: “Cứ nhìn căn nhà mục nát của chị, mùa đông lạnh thấu xương, mùa mưa thì dột tứ phía mà lòng tôi xót xa quá”.

Căn nhà bà Shịch ở được hàng xóm và thanh niên tình nguyện dựng giúp từ năm 2007, nay đã xuống cấp nghiêm trọng (Ảnh: Thùy Hương).
Dù không nói được nhiều, nhưng qua những câu thoại chắp nối, bà Shịch chia sẻ mong muốn: “Hoàn cảnh tôi khó khăn, không có cái gì để sinh sống, sức khỏe yếu... Con gái đi làm ăn rồi, chỉ có một mình tôi. Nhà dột nát rồi, mong mọi người giúp đỡ chỗ nằm, chỗ ở cho tôi”.

Người đàn bà khuyết tật cô đơn cầu xin một mái nhà lành lặn để nương náu những năm tháng cuối đời (Ảnh: Thùy Hương).
Ông Hoàng Xuân Kính, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Nà Chầu cho biết, ngoài hỗ trợ dựng nhà từ nhiều năm trước, thôn cũng phối hợp với Hội Chữ thập đỏ hỗ trợ bà Shịch gạo, chăn màn và một số đồ dùng thiết yếu.
Ông Hà Quang Thành, Chánh Văn phòng UBND xã Tri Lễ, xác nhận hoàn cảnh bà Shịch là hộ nghèo, sống một mình, tuổi cao, bị khuyết tật tâm thần, không có khả năng lao động.
“Nơi ở hiện tại của bà Shịch đã xuống cấp nghiêm trọng. Chúng tôi tha thiết mong các nhà hảo tâm, bạn đọc báo Dân trí cùng chung tay giúp đỡ để bà có được ngôi nhà mới kiên cố”, ông Thành bày tỏ.