1. Dòng sự kiện:
  2. Căng thẳng Campuchia - Thái Lan
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga đối mặt bài toán khó sau tối hậu thư của ông Trump

Thành Đạt

(Dân trí) - Nga được cho là sẽ phải đối mặt với không ít rủi ro khi Mỹ đưa ra tối hậu thư về xung đột Ukraine.

Nga đối mặt bài toán khó sau tối hậu thư của ông Trump - 1

Tối hậu thư của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể đặt ra thách thức cho dầu khí của Nga (Ảnh: AFP).

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần này đã ra tối hậu thư, cảnh báo các quốc gia tiếp tục mua hàng xuất khẩu của Nga có thể phải đối mặt với các lệnh trừng phạt nếu Moscow không đạt được thỏa thuận hòa bình với Ukraine trong vòng 50 ngày.

Theo hãng tin Reuters, mức thuế do Mỹ áp đặt có thể ảnh hưởng nặng nề đến xuất khẩu dầu của Nga tới các khách hàng năng lượng chủ chốt của Moscow.

Ấn Độ, một trong những nước nhập khẩu dầu lớn nhất, dường như bày tỏ sẵn sàng từ bỏ dầu của Nga nếu các lệnh trừng phạt được áp dụng.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận Tổng thống Trump quyết tâm theo đuổi mạnh mẽ tầm nhìn của mình về việc chấm dứt xung đột ở Ukraine, bao gồm cả việc gây áp lực kinh tế toàn cầu.

Mykhailo Samus, Giám đốc Mạng lưới Nghiên cứu Địa Chính trị Mới, nhận định Điện Kremlin đang thiếu một chiến lược rõ ràng để ứng phó với tối hậu thư của Mỹ liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine. Trong khi các nước mua dầu chủ chốt của Nga đang thận trọng đánh giá rủi ro của các lệnh trừng phạt thứ cấp, điều này có thể làm phức tạp nghiêm trọng hoạt động thương mại dầu khí của các nước này với Moscow.

"Tôi không nghĩ Điện Kremlin hiện có bất kỳ chiến lược nào. (Tổng thống Nga Vladimir) Putin nổi tiếng là một nhà chiến thuật. Tôi chắc chắn ông ấy thậm chí còn chưa có quyết định cụ thể nào về cách ứng phó với tình hình này", chuyên gia Samus nói.

Chuyên gia tin rằng Moscow đang tìm kiếm lời khuyên từ các nước nhập khẩu dầu hàng đầu của Nga về các kịch bản tiềm năng để giải quyết tình hình.

Một nhà phân tích cho biết Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khó có thể tiếp tục hợp tác với Nga trừ khi có thêm lợi ích.

"Ông Erdogan biết rằng loại dầu này có thể gây ra vấn đề cho ông với ông Trump. Vì vậy, ông Erdogan hoặc sẽ rút lui hoặc yêu cầu giảm giá mạnh tới mức 50% hoặc hơn", chuyên gia Samus nhận định.

Ấn Độ đã phát tín hiệu rằng họ có thể thay thế dầu của Nga nếu cần, vì thị trường toàn cầu không có nguy cơ thiếu hụt. Chuyên gia Samus chỉ ra rằng các nhà cung cấp dầu mới dự kiến sẽ xuất hiện vào mùa thu.

Theo một chuyên gia, Trung Quốc đang theo đuổi một mục tiêu chiến lược khi cố gắng hỗ trợ Nga đồng thời vẫn duy trì khả năng tiếp cận thị trường châu Âu.

"Đối với Trung Quốc, việc tiếp cận thị trường châu Âu quan trọng hơn nhiều. Họ sẽ không được phép vào thị trường này nếu họ cung cấp hỗ trợ quân sự cho Nga", chuyên gia Samus giải thích.

Tuy nhiên, một nhà phân tích thừa nhận rằng Bắc Kinh có thể coi việc hỗ trợ Nga là một công cụ hữu ích để làm suy yếu ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ - một mục tiêu dài hạn trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc.

Ông Samus cảnh báo Mỹ có thể sớm áp đặt lệnh trừng phạt đối với các quốc gia tiếp tục giao dịch với Nga và các cuộc thảo luận được cho là đã diễn ra ở cấp độ quốc tế.

Ông Samus cho biết các quốc gia vẫn mua dầu của Nga nên khẩn trương tìm kiếm các giải pháp thay thế để tránh rủi ro kinh tế trong giai đoạn thu đông.

Theo RBC