Phòng không Ukraine: Điểm mặt "anh tài" và mức độ sẵn sàng chiến đấu
(Dân trí) - Giữa lúc Nga đẩy mạnh các cuộc tập kích đường không ồ ạt bằng tên lửa và UAV thì phòng không Ukraine lại đang suy yếu nghiêm trọng.

Ukraine đang cạn kiệt vũ khí phòng không để đối phó với các đòn tập kích ồ ạt bằng tên lửa và UAV của Nga (Ảnh: Telegram).
Điểm mặt "anh tài" trong lưới lửa phòng không Ukraine
Thứ nhất, xương sống trong hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của Ukraine là các tổ hợp Patriot do Mỹ sản xuất, được trang bị tên lửa PAC-3. Washington đã ngừng cung cấp loại vũ khí đặc biệt quan trọng này cho Kiev, ngăn chặn Ukraine đánh chặn tên lửa đạn đạo Nga.
Thứ hai, hệ thống hiệu quả nhất của Ukraine để bắn hạ UAV Geran (Shahed) là hệ thống phòng không Vampire được trang bị tên lửa dẫn đường bằng laser APKWS. Khoảng 20.000 quả APKWS vốn sắp được giao cho Ukraine đã được Mỹ đã chuyển hướng tới Israel. Một thành phố, như thủ đô Kiev, nếu nhận được lô vũ khí này, có thể phòng thủ chống lại UAV Geran trong 6 đến 12 tháng.
Thứ ba, máy bay tiêm kích F-16 Ukraine thường sử dụng hỏa tiễn AIM-9 để chống lại tên lửa hành trình và máy bay không người lái. Trong thời kỳ cao điểm vào tháng 6 và nửa đầu tháng 7, các chiến đấu cơ này đánh chặn gần 100 tên lửa hành trình và máy bay không người lái Nga.
Tuy nhiên, Mỹ đã ngừng cung cấp AIM-9 cho Ukraine.
Thứ tư, Ukraine sử dụng hệ thống tác chiến điện tử để gây nhiễu máy bay không người lái Nga trước khi chúng tấn công mục tiêu.
Mỹ đã tạm dừng các chuyến hàng hệ thống tác chiến điện tử dùng để gây nhiễu máy bay không người lái cho Ukraine.
Thứ năm, phương pháp hiệu quả của Ukraine nhằm làm tê liệt các căn cứ hoạt động của máy bay không người lái FPV, tấn công các trung tâm hậu cần và các điểm tập trung quân đội Nga ở tiền tuyến là sử dụng pháo phản lực cơ động cao HIMARS.
Mỹ đã ngừng vận chuyển hơn 250 quả đạn GMLRS cho HIMARS trong tháng qua, do vậy hàng trăm mục tiêu quan trọng của Nga không bị tấn công.
Mỹ có dấu hiệu "buông" Ukraine?
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đang có dấu hiệu "buông" Ukraine để tập trung cho các mục tiêu khác quan trọng hơn, qua đó gián tiếp tạo điều kiện cho Moscow tiến hành các cuộc không kích ồ ạt mà không gặp nhiều khó khăn, gây tổn thất lớn cho phía Kiev.
Việc tạm dừng các chuyến hàng đạn dược và phòng không quan trọng đã được phê duyệt và mua sắm cho Ukraine được Nhà Trắng giải thích là những loại vũ khí này là cần thiết để chống lại các mối đe dọa nghiêm trọng, đồng thời bù đắp cho kho vũ khí đang cạn kiệt của quân đội Mỹ.
Theo kênh Ukraine Battle Map, Mỹ nên rút kinh nghiệm xương máu và cải tiến hệ thống Patriot ở Ukraine để thích ứng với sự tiến bộ của Nga trong việc nâng cao hiệu quả đánh chặn đối với tên lửa đạn đạo Iskander-M. Nếu Mỹ không liên tục điều chỉnh hệ thống Patriot ở Ukraine cho phù hợp với các cải tiến tên lửa đạn đạo của Nga, thì hệ thống Patriot sẽ không hiệu quả trước các đối thủ đáng gờm trong tương lai, như Trung Quốc chẳng hạn.
Một số chuyên gia cho rằng, thay vì tăng mạnh sản lượng tên lửa, đạn dược và hệ thống phòng không, giúp Ukraine đương đầu với Nga thì Mỹ đã đẩy Ukraine và phần còn lại của châu Âu vào thế khó.
Mặc dù trong vài ngày qua, ông Trump đã có những thay đổi trong quan điểm khi sẵn sàng cung cấp vũ khí, bao gồm cả tên lửa Patriot PAC-3 với điều kiện Kiev và châu Âu phải "móc hầu bao", nhưng nhu cầu bổ sung đạn dược phòng không với số lượng lớn là vô cùng cấp bách với Ukraine.
Rõ ràng là Kiev chưa nhìn thấy "ánh sáng cuối đường hầm" trong bối cảnh Moscow có thể tiến hành liên tục các đợt không kích ồ ạt bằng hàng chục tên lửa và hàng trăm, thậm chí hàng nghìn UAV Geran mỗi ngày.