Lằn ranh xung đột thách thức chiến lược của Mỹ ở "chảo lửa" Trung Đông
(Dân trí) - Chính quyền Tổng thống Joe Biden đối mặt với những thách thức trong việc triển khai chiến lược của Mỹ ở Trung Đông khi xung đột Israel - Hamas ngày càng leo thang.
Khi Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết định tới Israel vào tuần trước, mục tiêu trước mắt của ông là thể hiện sự gắn kết với Israel, tránh leo thang xung đột ngoài Dải Gaza, đồng thời đặt ra những câu hỏi hóc búa liên quan tới chiến lược mà Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và nội các thời chiến của ông đang theo đuổi.
Nhưng ngay trước khi chuyên cơ Không Lực Một chở Tổng thống Biden tới Trung Đông, hậu quả từ vụ tấn công kinh hoàng tại bệnh viện al-Ahli ở Gaza vào tối 17/10 đã khiến cả ba mục tiêu trên bị hoài nghi.
Vụ nổ bệnh viện khiến 500 người thiệt mạng là tín hiệu cho thấy, những lo ngại về thảm họa nhân đạo ở Gaza đang thế chỗ cho cơn thịnh nộ sau các cuộc tấn công chưa từng có của lực lượng Hamas vào Israel.
Sự giận dữ trên đường phố Ả rập giờ đây khiến khả năng leo thang xung đột dễ xảy ra hơn. Vua Abdullah II của Jordan, người từng cảnh báo Trung Đông đang "trên bờ vực thẳm", đã hủy hội nghị thượng đỉnh có sự tham gia của Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas sau cuộc tấn công tên lửa vào bệnh viện ở Dải Gaza.
Trong khi đó, những thiếu sót trong chiến lược của Israel nhằm đối phó với lực lượng Hamas ngày càng lộ rõ.
Tất cả những điều này cho thấy sự cần thiết phải có một chiến lược mới ở Trung Đông, một chiến lược để giải quyết những vấn đề cốt lõi nổi lên sau các sự kiện tàn khốc trong tháng này, đồng thời ngăn chặn các mối đe dọa tiếp theo đối với an ninh của Israel.
Mặc dù Tổng thống Biden có thể do dự về việc có nên khởi hành đến Israel sau những diễn biến bất ngờ hay không, nhưng ông vẫn quyết định thực hiện chuyến đi với hy vọng hiểu rõ nhất về tình hình đang xấu đi nhanh chóng. Khi đến Israel, Tổng thống Biden tuyên bố: "Tôi đến Israel với một thông điệp đơn giản: Các bạn không đơn độc".
Với cam kết đệ trình "gói hỗ trợ chưa từng có" dành cho Israel lên Quốc hội Mỹ, Tổng thống Biden đã thúc đẩy sự ủng hộ của Washington đối với nhà nước Do Thái, đồng thời tận dụng chuyến thăm để nhấn mạnh quyết tâm ngăn chặn xung đột leo thang.
Trước đó, ông đã chỉ đạo Lầu Năm Góc điều hai tàu sân bay lớn tới khu vực phía đông Địa Trung Hải, triển khai 2.000 lính thủy đánh bộ ra nước ngoài và điều thêm 2.000 binh sĩ khác vào trạng thái sẵn sàng.
Tổng thống Biden cũng gửi một thông điệp tới Iran và bất kỳ thế lực nào khác có ý định tấn công Israel: "Đừng. Đừng. Đừng".
Tổng thống Biden cũng hối thúc chính phủ của Thủ tướng Netanyahu đưa hàng viện trợ nhân đạo vào Gaza ngay lập tức, điều mà Israel miễn cưỡng đồng ý thực hiện với điều kiện không có gói hàng nào đến tay Hamas.
Tuy vậy, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng đang leo thang và người dân Gaza đang phải đối mặt do chiến dịch ném bom cũng như bao vây của Israel, bất kỳ nguồn cung hạn chế nào vào vùng lãnh thổ này chỉ có thể giải quyết được những nhu cầu cấp bách nhất.
Tổng thống Mỹ đã đặt một số câu hỏi hóc búa cho nội các chiến tranh của Israel khi họ gặp nhau sau cánh cửa kín. Ông Biden không yêu cầu Israel phải hành động như thế nào, nhưng tuyên bố của ông cho thấy những nghi ngờ ngày càng tăng về hướng đi của chính phủ Israel.
Vấn đề cốt lõi mà Israel phải đối mặt là chiến lược mà nước này theo đuổi nhằm đối phó với Hamas. Làm thế nào Israel có thể đè bẹp Hamas mà không gây ra thương vong lớn cho dân thường xung quanh? Và ngay cả khi Israel đánh bại Hamas, ai sẽ kiểm soát Gaza sau đó? Những câu hỏi này rất cấp bách nhưng cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời.
Cam kết của Mỹ với đồng minh Trung Đông
Chuyến thăm của Tổng thống Biden tới Israel giữa lúc xung đột leo thang đã thể hiện rõ rệt cam kết của Mỹ với đồng minh ở khu vực Trung Đông.
Khi Hamas tiến hành cuộc tấn công với quy mô chưa từng có vào Israel hôm 7/10, ông Biden đã lên án mạnh mẽ động thái của Hamas, đồng thời tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ dành cho Israel.
Ian Bremmer, chủ tịch công ty tư vấn và nghiên cứu rủi ro chính trị Eurasia Group, cho rằng việc ông Biden có phản ứng mạnh mẽ trước mức độ nghiêm trọng của cuộc tấn công là điều hợp lý.
"Sự ủng hộ này của Mỹ cần diễn ra ngay lập tức và không mang yếu tố chính trị, vào thời điểm mà mọi thứ đều bị chính trị hóa tại Mỹ. Đó là điều không cần bàn cãi", ông Bremmer nói.
Theo Shalom Lipner, chuyên gia cao cấp tại Sáng kiến An ninh Trung Đông Scowcroft thuộc các Chương trình Trung Đông của Hội đồng Đại Tây Dương, thông điệp của Tổng thống Biden khi tới Israel nhằm tái khẳng định vai trò quan trọng của Mỹ trong khu vực. Ông Biden cũng là tổng thống Mỹ đầu tiên tới Israel giữa thời chiến, trong bối cảnh xung đột leo thang.
Ông Biden đến vào thời điểm quan trọng, khi Lực lượng Phòng vệ Israel sẵn sàng triển khai chiến dịch tấn công trên bộ nhằm vào Dải Gaza, đồng thời mở rộng mặt trận ở phía bắc giáp với Li Băng, nơi các cuộc giao tranh xuyên biên giới với lực lượng Hezbollah.
Sự xuất hiện của Tổng thống Biden, người ủng hộ mạnh mẽ chiến dịch tiêu diệt Hamas của chính phủ Thủ tướng Netanyahu, đã khiến ông nhận được sự ủng hộ thậm chí còn lớn hơn cả lãnh đạo Israel.
Ngoài việc triển khai hai nhóm tấn công tàu sân bay của Hải quân Mỹ ở phía đông Địa Trung Hải nhằm ngăn chặn Hezbollah, ông Biden còn tìm cách tạo điều kiện thuận lợi cho dòng viện trợ nhân đạo đến Gaza, với hy vọng giảm bớt nỗi đau khổ của dân thường và giảm nhẹ những lời chỉ trích nhằm vào Israel.
Chuyên gia Lipner cho rằng, Nhà Trắng đang hy vọng nâng cao uy tín của Mỹ với tư cách là một bên tham gia tích cực vào tình hình khu vực Trung Đông, trong bối cảnh một số đối tác hoài nghi về cam kết của Mỹ đối với việc đảm bảo lợi ích cho họ, còn Nga và Trung Quốc đều tìm cách tăng cường ảnh hưởng trong khu vực.
Carmiel Arbit, chuyên gia cấp cao của Chương trình Trung Đông và Sáng kiến An ninh Trung Đông Scowcroft tại Hội đồng Đại Tây Dương, nhận định, Tổng thống Biden tái khẳng định sự ủng hộ liên tục của ông đối với Israel và người dân nước này trong cuộc đối đầu với Hamas ở Gaza. Nhưng ông cũng đưa ra những thông điệp kêu gọi Israel hành động thận trọng và hỗ trợ nhân đạo.
Theo chuyên gia Arbit, Tổng thống Biden đã sử dụng chuyến thăm để đảm bảo một thỏa thuận về các biện pháp nhân đạo mà Israel phải thực hiện khi phát động chiến tranh ở Gaza, đồng thời công bố gói hỗ trợ trị giá 100 triệu USD cho Gaza và Bờ Tây. Ông cũng nhắc nhở Israel tin vào các quyền cơ bản của con người và phải hành động phù hợp.
Thế khó của Mỹ giữa lằn ranh xung đột
Các chuyên gia cho rằng, khi cuộc xung đột ở Trung Đông nổ ra, Tổng thống Biden đang nỗ lực lôi kéo các cử tri trong nước trước cuộc bầu cử năm 2024 và né tránh những chỉ trích của đảng Cộng hòa vốn coi ông là một nhà lãnh đạo "yếu đuối".
George Bisharat, giáo sư tại Trường Luật Đại học California, San Francisco, cho biết cách tiếp cận của Tổng thống Biden đối với cuộc chiến ở Gaza, bao gồm chuyến thăm Israel, có "yếu tố chính trị".
"Ông "Joe ngủ gật" muốn chứng tỏ rằng ông ấy vẫn tỉnh táo, rằng ông ấy vẫn là một chuyên gia về chính sách đối ngoại", chuyên gia Bisharat nói, viện dẫn biệt danh "Joe ngủ gật" mà cựu Tổng thống Donald Trump dành cho ông Biden.
"Tất nhiên, hầu hết cử tri Mỹ không thực sự quan tâm nhiều đến chính sách đối ngoại; họ không bỏ phiếu vì lý do chính sách đối ngoại. Nhưng thời chiến là một ngoại lệ. Theo một cách nào đó, đây là cơ hội để thể hiện sức mạnh mà không phải trả giá bằng binh lính Mỹ", chuyên gia Bisharat nói thêm.
Theo các nhà phân tích, tuyên bố đoàn kết của Tổng thống Biden đối với Israel một phần xuất phát từ mối quan hệ cá nhân của ông đối với đồng minh Trung Đông. Tổng thống tự nhận mình là một người theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái và là người ủng hộ Israel suốt đời.
Osamah Khalil, giáo sư lịch sử tại Đại học Syracuse, nhấn mạnh rằng chính sách đối ngoại của Mỹ không thể tách rời chính trị trong nước. Ông Biden đang phải đối mặt với cáo buộc của đảng Cộng hòa rằng ông quá khoan dung với Iran, đồng minh của Hamas.
"Chúng ta biết rõ ràng rằng Tổng thống Biden sẽ phải tái tranh cử vào năm tới và đối thủ của ông ấy có thể là Donald Trump. Vì vậy, những gì ông Biden đang cố gắng làm là chứng tỏ rằng Israel không có người bạn nào tốt hơn Joe Biden và đảng Dân chủ", William Astore, nhà sử học và trung tá đã nghỉ hưu trong Lực lượng Không quân Mỹ, cho biết.
Tuy nhiên, quyết định của Tổng thống Biden ủng hộ chiến dịch quân sự của Israel đã đặt ra câu hỏi về những cam kết trước đây do ông đưa ra, bao gồm việc tập trung vào vấn đề nhân quyền trong chương trình chính sách đối ngoại.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết Mỹ hiện không có kế hoạch đưa quân vào Israel. Natan Sachs, Giám đốc Trung tâm Chính sách Trung Đông thuộc Viện Brookings, cho rằng Tổng thống Biden sẽ tránh đưa quân Mỹ đến khu vực, nhưng cũng không loại trừ khả năng Mỹ cho phép hải quân hoặc không quân hỗ trợ Israel nếu Hezbollah tham chiến.
"Đó sẽ là một bước ngoặt lớn. Điều đó sẽ thay đổi hoàn toàn bản chất của cuộc chiến và làm phức tạp mọi thứ đối với ông Biden", chuyên gia Sachs cho biết.
Việc phải hỗ trợ cùng lúc cho Israel và Ukraine cũng đặt ra thách thức không nhỏ cho chính quyền Tổng thống Joe Biden. Ông chủ Nhà Trắng đã nỗ lực chứng minh rằng Mỹ không thiên vị bên nào, ngay cả khi nguồn lực của Washington ngày càng hao hụt.
Mặc dù Tổng thống Biden đã cam kết tăng cường hỗ trợ quân sự cho Israel sau cuộc tấn công của Hamas, song nhiều người vẫn hoài nghi rằng liệu Washington có thể tăng cường viện trợ quốc phòng cho Israel mà không tác động tới viện trợ cho Ukraine hay không, nhất là khi Hạ viện Mỹ chưa tìm được lãnh đạo thay thế.
Do Quốc hội Mỹ kiểm soát chi tiêu nên Tổng thống Biden phải thuyết phục cả Thượng viện và Hạ viện thông qua luật bổ sung tài trợ. Các dự luật chi tiêu như vậy thường bắt nguồn từ Hạ viện và Chủ tịch Hạ viện - lãnh đạo do đảng chiếm đa số bỏ phiếu chọn - sẽ quyết định dự luật nào được đưa ra biểu quyết.
Theo New York Times, một quan chức quốc phòng Mỹ tiết lộ nước này sẽ chuyển cho Israel hàng chục nghìn viên đạn pháo 155mm vốn dự định dành cho Ukraine. Đây cũng là một trong những vũ khí và đạn dược của Mỹ mà cả Ukraine và Israel đều cần cho các hoạt động quân sự. Nếu chiến dịch của Israel và Ukraine tiếp tục kéo dài, năng lực sản xuất vũ khí và đạn dược của Mỹ có thể sẽ gặp khó khăn để đáp ứng đủ nhu cầu.
Mark Cancian, chuyên gia vũ khí thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cảnh báo khi nguồn dự trữ đạn pháo cùng các khí tài khác trên thế giới đang bị dàn mỏng, Mỹ "sẽ phải đánh đổi" trong việc cung cấp vũ khí cho cả 2 cuộc chiến nếu chúng kéo dài.
Hướng đi nào cho Mỹ trước tương lai chiến sự?
Theo Richard Haass, chủ tịch danh dự của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại và là cố vấn cấp cao tại tổ chức Centerview Partners, chính quyền Tổng thống Biden rõ ràng đang lo lắng rằng các kế hoạch của Israel có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn. Xung đột leo thang ít nhất sẽ làm giảm kho vũ khí vốn đã bị dàn mỏng của Mỹ, làm tăng giá dầu, gây ra các vấn đề liên quan tới danh tiếng của Mỹ và có thể dẫn đến sự tham gia trực tiếp của quân đội Mỹ.
Israel nhiều khả năng sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công để trừng phạt Hamas cho tới khi xóa sổ lực lượng này như Israel từng tuyên bố. Tuy nhiên, vai trò của Mỹ không phải là cố gắng ngăn chặn chiến dịch quân sự của Israel, điều gần như không thể tránh khỏi, mà là định hình quy mô và thời gian của chiến dịch này.
"Điều này sẽ không dễ dàng vì Israel muốn tiêu diệt Hamas. Nhưng với bài học mà Mỹ đã rút ra được sau vụ 11/9, và như Tổng thống Biden đã tuyên bố, những người đưa ra quyết định về an ninh quốc gia phải tập trung không chỉ vào động thái tiếp theo mà cả những bước đi sau đó", chuyên gia Haass cho biết.
Chuyên gia Haass chỉ ra rằng, sau chuyến thăm của Tổng thống Biden, Mỹ nên áp dụng chiến lược hai giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên, đang được tiến hành một cách hiệu quả, là cố gắng ngăn chặn tình hình vốn đã tồi tệ trở nên xấu hơn. Mục tiêu của Mỹ hiện tại nên là ổn định tình hình, cung cấp thời gian và không gian cho nỗ lực ngoại giao đầy tham vọng.
Hiện tại, lời kêu gọi ngừng bắn có thể được thực hiện theo hai cách. Một là, Israel giảm thiểu thương vong cho dân thường bằng cách chỉ tiến hành các cuộc tấn công chính xác khi có thông tin tình báo kết hợp với các cuộc đột kích nhỏ trên bộ. Hai là, Israel có thể đồng ý tạm dừng cuộc chiến trên không để cho phép lương thực và các nguồn viện trợ nhân đạo khác đến được với dân thường ở Gaza và tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi con tin. Điều này có thể khiến Hamas và các nhóm khác đồng ý tạm dừng các cuộc tấn công tên lửa vào Israel.
Ngoài ra, việc đưa càng nhiều con tin ra khỏi Gaza càng nhanh càng tốt là điều bắt buộc. Con đường ít khả thi nhất là giải cứu vũ trang, cách này có thể dẫn đến nhiều thương vong và con tin hơn. Con đường thực tế hơn để giải thoát con tin sẽ là trao đổi con tin với các chiến binh Hamas hoặc các tù nhân Palestine khác bị giam giữ ở Israel.
Sau khi tình hình trở nên ổn định hơn, chính sách ngoại giao của Mỹ sẽ chuyển sang giai đoạn thứ hai, bao gồm nỗ lực đổi mới nhằm bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Ả rập Xê út cũng như giữa Israel và Palestine.
Theo chuyên gia Haass, Mỹ nên tiếp tục cung cấp cho Israel vũ khí và thông tin tình báo cần thiết, đồng thời thuyết phục Israel từ bỏ chiến dịch tấn công và chiếm đóng quy mô lớn ở Gaza. Một cuộc tấn công như vậy sẽ gây thương vong đáng kể cho Israel và nhiều khả năng không thể tiêu diệt được Hamas.
Một lý do khác mà Israel không nên mở chiến dịch quân sự ở thời điểm này là cuộc giao tranh dữ dội ở Gaza với hình ảnh thương vong của dân thường Palestine chắc chắn sẽ khiến lực lượng Hezbollah ở Li Băng phóng hàng nghìn quả rocket vào miền bắc và miền trung Israel, từ đó mở rộng xung đột.
Mỹ cần cho Iran thấy rằng họ sẽ phải chịu trách nhiệm nếu Hezbollah tấn công Israel và phản ứng của Mỹ sẽ bao gồm các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran, áp dụng cho các nhà nhập khẩu dầu lớn của Iran, bao gồm cả Trung Quốc. Chính quyền Tổng thống Biden cũng nên nói rõ điều này với Trung Quốc, trong nỗ lực tranh thủ sự giúp đỡ của Bắc Kinh trong việc kiềm chế Iran.
Ivo Daalder, cựu đại sứ Mỹ tại NATO, nói rằng chuyến thăm của Tổng thống Biden tới Israel rất quan trọng trong việc chứng minh rằng Israel không đơn độc. Nhưng ông Daalder cũng nhấn mạnh thông điệp ngầm của Tổng thống Biden dành cho Israel rằng, các quyết định xuất phát từ sự tức giận và đau buồn sau vụ tấn công ngày 11/9 đã đưa nước Mỹ đi vào con đường khó khăn như thế nào.
"Tôi nghĩ ông ấy đã tận dụng chuyến thăm này để lôi kéo Thủ tướng Netanyahu và nội các chiến tranh vào một số cuộc trao đổi rất nghiêm túc về chiến lược mà Israel đã bắt tay thực hiện. Tôi nghĩ tổng thống đang chia sẻ một số hoài nghi rằng trên thực tế, liệu nỗ lực hiện tại của Israel đang đi đúng hướng hay không", ông Daalder nói.
Theo WSJ, NYT, CNN, Atlantic Council