1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Kinh tế Myanmar tê liệt hậu binh biến

Minh Phương

(Dân trí) - Cuộc khủng hoảng chính trị ở Myanmar đã khiến các hoạt động kinh tế ở quốc gia này đình trệ. Từ một nền kinh tế nhiều triển vọng, Myanmar có nguy cơ suy giảm kinh tế mạnh trong năm nay.

Kinh tế Myanmar tê liệt hậu binh biến - 1
Kinh tế Myanmar tê liệt vì binh biến (Ảnh: Reuters).

Nằm ở một khu vực sôi động, Myanmar từng được coi là một trong những nền kinh tế hứa hẹn nhất ở châu Á sau khi thoát khỏi sự cấm vận của phương Tây. Tuy vậy, hai tháng kể từ sau cuộc binh biến, kinh tế Myanmar gần như tê liệt.

Sau các cuộc biểu tình đường phố để phản đối binh biến, nhiều người dân ở Myanmar tham gia vào phong trào bất tuân dân sự như đình công, đóng cửa các cơ sở kinh doanh nhằm gây sức ép với chính quyền quân sự. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế của Myanmar và tình hình còn tồi tệ hơn nữa khi phương Tây áp các lệnh trừng phạt chính quyền quân sự Myanmar.

Theo dữ liệu của Google Maps, vào thời điểm cuối tháng 3, giao thông đi bộ tại các điểm bán lẻ, giải trí ở Myanmar giảm 85% so với trước đại dịch Covid-19, và giảm 80% tại các nơi làm việc. Trong "cuộc biểu tình im lặng" hôm 24/3, hàng loạt doanh nghiệp, trong đó có các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi, đã đóng cửa, khiến quân đội phải tìm cách buộc các cơ sở này mở cửa trở lại. Các chủ cơ sở kinh doanh buộc phải cam kết thông báo cho chính quyền nếu có kế hoạch đóng cửa cơ sở kinh doanh. Thậm chí những người buôn bán nhỏ lẻ cũng bị ảnh hưởng. "Bình thường, đường phố rất tấp nập, nhưng bây giờ tôi phải đóng cửa ngay từ trưa vì không có khách", một người bán hàng 63 tuổi ở Yangon cho biết.

Kinh tế Myanmar tê liệt hậu binh biến - 2
Người dân Myanmar xả rác để gây sức ép với chính quyền (Ảnh: Reuters).

Trong khi đó, dòng chảy hàng hóa quốc tế ra, vào Myanmar cũng gần như đóng băng. Theo số liệu thống kê, trong tuần thứ hai của tháng 3, kim ngạch xuất khẩu của Myanmar đạt 252 triệu USD, và kim ngạch nhập khẩu là 254 triệu USD, giảm 30% so với mức trung bình tháng 12/2020 và tháng 1/2021.

Nhiều nhân viên hải quan và công ty vận tải tham gia đình công khiến nhiều container hàng nghẽn lại ở cảng. Moller Maersk, công ty vận tải container lớn nhất thế giới, đã tạm đóng cửa văn phòng và hoạt động kho ở Myanmar vào đầu tháng 3 để đảm bảo an toàn cho nhân viên.

Dòng chảy vốn và tiền tệ cũng suy giảm đáng kể, trong 5 ngày tính đến thứ Tư tuần này, tổng giá trị giao dịch của 6 cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán Yangon chỉ đạt trung bình 6,31 triệu Kyat, tương đương 4.400 USD, mỗi ngày, giảm 85% so với trước cuộc đảo chính. Các chi nhánh ngân hàng tư nhân cũng đóng cửa từ giữa tháng 2, ngăn khách hàng rút tiền quy mô lớn hay chuyển khoản ra nước ngoài. Một số cây rút tiền ATM đã được nạp tiền trở lại từ giữa tháng 3 nhưng người dân vẫn khó rút được tiền mặt. Một số ngân hàng đầu tuần này đã hạ hạn mức rút tiền xuống còn 200.000 kyat từ mức 500.000 kyat. Theo truyền thông địa phương, ngân hàng trung ương Myanmar cảnh báo sẽ phạt ngân hàng nào đóng cửa.

Binh biến đe dọa kéo tụt đà tăng trưởng kinh tế mà Myanmar có được trong suốt một thập niên qua nhờ các chính sách cải cách và được phương Tây dỡ bỏ cấm vận.

Ngân hàng Thế giới (World Bank) mới đây dự báo, GDP của Myanmar năm nay sẽ giảm khoảng 10%, thay vì tăng trưởng 5,9% như dự báo đưa ra hồi cuối năm ngoái. Kể từ khi được phương Tây dỡ bỏ trừng phạt vào năm 2012, Myanmar luôn đạt tăng trưởng kinh tế khoảng 5% đến 8%.

Niềm tin của doanh nghiệp Myanmar đã giảm mạnh. "Biểu tình toàn quốc, làn sóng đóng cửa nhà máy và bất ổn chính trị gây trở ngại lớn cho triển vọng tăng trưởng của Myanmar", chuyên gia kinh tế Shreeya Patel của IHS Market nhận định. Thêm vào đó, các lệnh trừng phạt của phương Tây khiến triển vọng kinh tế Myanmar khó cải thiện trong tương lai gần.

Dòng sự kiện: Đảo chính tại Myanmar