1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đại sứ bị tố "phản quốc" kêu gọi các nước cắt đầu tư vào Myanmar

Thành Đạt

(Dân trí) - Đại sứ Myanmar tại Liên Hợp Quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế lập tức cắt đầu tư trực tiếp vào nước này cho tới khi chính phủ dân cử được khôi phục.

Đại sứ bị tố phản quốc kêu gọi các nước cắt đầu tư vào Myanmar - 1

Đại sứ Myanmar tại Liên Hợp Quốc Kyaw Moe Tun. (Ảnh: Reuters).

"Thời gian thực sự quan trọng đối với người dân Myanmar. Chúng ta cần cứu mạng sống của những thường dân vô tội, vì vậy chúng tôi tiếp tục yêu cầu, kêu gọi cộng đồng quốc tế thực hiện các biện pháp mạnh nhất có thể để ngăn chặn bạo lực và bảo vệ người dân Myanmar", Đại sứ Myanmar tại Liên Hợp Quốc Kyaw Moe Tun nói trong cuộc phỏng vấn với Nikkei Asia hôm 1/4.

Khủng hoảng ở Myanmar tiếp tục leo thang sau cuộc đảo chính quân sự vào ngày 1/2. Việc quân đội chính phủ nổ súng khiến nhiều dân thường, bao gồm cả trẻ em, thiệt mạng đã dẫn tới làn sóng chỉ trích và trừng phạt từ cộng đồng quốc tế nhằm vào Myanmar.

Đại sứ Kyaw Moe Tun kêu gọi cộng đồng quốc tế ngay lập tức bảo vệ người dân Myanmar "khỏi những tội ác chống lại loài người do quân đội gây ra". Các biện pháp bảo vệ bao gồm viện trợ nhân đạo, thiết lập vùng cấm bay trong nước, cắt nguồn tài chính cho chính quyền quân sự và đình chỉ đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đây là những yêu cầu do Đại sứ Myanmar đưa ra trong thư gửi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc hôm 29/3.

Liên quan tới lo ngại của một số quan sát viên quốc tế rằng các lệnh trừng phạt kinh tế trên diện rộng có thể làm tổn hại đến phúc lợi của người dân Myanmar, ông Moe Tun đã chỉ ra tính cấp bách và nghiêm trọng của tình hình tại Myanmar hiện nay.

Đại sứ Moe Tun cho biết lựa chọn của Myanmar hiện nay là tác động kinh tế và mạng sống của người dân. Tuy nhiên, nhà ngoại giao này cho rằng tác động đối với nền kinh tế có thể được giải quyết ở giai đoạn sau.

Đại sứ Myanmar cảm ơn sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, trong đó có chính phủ Nhật Bản. Đại sứ cho biết ông cũng rất bất ngờ và xúc động trước làn sóng ủng hộ của người dân Nhật Bản, khi nhiều người đã xuống đường phản đối cuộc đảo chính tại Myanmar.

Tuy nhiên, ông Kyaw Moe Tun cũng hy vọng sẽ được thấy những hành động cứng rắn hơn từ Nhật Bản.

"Nhật Bản là một trong những nhà đầu tư hàng đầu của Myanmar, vì vậy hãy xem xét lại, tạm dừng liên kết kinh doanh với Myanmar cho đến khi nền dân chủ quay trở lại đất nước. Tiếp đó là lĩnh vực ngân hàng: hãy nhìn vào các dòng tài chính chảy vào chế độ quân sự. Hãy loại bỏ chúng đi", ông Moe Tun nói thêm.

Nhà ngoại giao cũng nhấn mạnh vai trò của Mỹ đối với cuộc khủng hoảng tại Myanmar, hoan nghênh các biện pháp trừng phạt của Washington, bao gồm động thái gần đây nhằm đình chỉ tất cả các giao dịch thương mại của Mỹ với Myanmar. Ông Moe Tun cho biết phản ứng của Washington rất quan trọng vì "bất kỳ hành động nào của Mỹ cũng sẽ là tấm gương vững chắc cho các quốc gia khác noi theo".

Đối với Trung Quốc, Đại sứ Myanmar cho biết nhiều người dân Myanmar vẫn cho rằng Bắc Kinh đứng về phía chế độ quân sự.

"Vì vậy, bây giờ là thời điểm tốt nhất để Trung Quốc thể hiện rằng họ đang đứng về phía người dân Myanmar, chứ không phải quân đội," ông Moe Tun nói.

Theo nhà ngoại giao Myanmar để đạt được điều này, Bắc Kinh có thể lên án cuộc đảo chính quân sự và bạo lực do quân đội gây ra, từ chối công nhận chế độ quân sự và ngừng quan hệ với chế độ quân sự về mặt quân sự, kinh tế và ngoại giao.

Đại sứ Moe Tun từng bị chính quyền quân sự Myanmar cách chức sau bài phát biểu bị coi là phản quốc tại Liên Hợp Quốc hồi tháng 2. Chính quyền quân sự sau đó bổ nhiệm cấp phó của ông Kyaw là Tin Maung Nain thay thế ông. Tuy nhiên, ông Tin Maung Nain cũng từ chức ngay sau đó.

Về phần mình, ông Moe Tun khẳng định vẫn là đại diện của Myanmar tại Liên Hợp Quốc và tuyên bố tiếp tục chiến đấu đến cùng để khôi phục nền dân chủ ở Myanmar.

"Tôi được bổ nhiệm bởi chính quyền dân cử, vì vậy cách duy nhất khiến tôi bị cách chức là do chính quyền dân cử quyết định", ông Moe Tun nói.

Nhà ngoại giao Myanmar cho biết ông không lo ngại về sự an toàn của bản thân, vì vẫn nhận được sự ủng hộ từ Mỹ với tư cách là nơi đặt trụ sở của Liên Hợp Quốc, và cộng đồng người Myanmar tại Mỹ.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lên án bạo lực tại Myanmar

Trong tuyên bố hôm 1/4 do Anh khởi xướng, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc "lên án mạnh mẽ" tình hình bạo lực khiến hàng trăm dân thường thiệt mạng ở Myanmar. Ít nhất 520 người đã thiệt mạng từ sau ngày đảo chính tại Myanmar.

"Các thành viên của Hội đồng Bảo An bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình hình xấu đi nhanh chóng và lên án mạnh mẽ việc sử dụng bạo lực chống lại người biểu tình ôn hòa, cũng như cái chết của hàng trăm dân thường, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em", tuyên bố của Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc nêu rõ.

Trong các bản thảo tuyên bố trước đó mà AFP tiếp cận được, các nước phương Tây muốn thêm nội dung "sẵn sàng xem xét các bước đi tiếp theo", ngụ ý khả năng áp lệnh trừng phạt quốc tế đối với Myanmar. Tuy nhiên, theo các nhà ngoại giao, Trung Quốc, nước được xem là đồng minh quan trọng nhất của Myanmar, phản đối nội dung này.

Bắc Kinh cũng kiên quyết làm nhẹ giọng điệu của tuyên bố, muốn thay đổi nội dung từ "giết" hàng trăm dân thường thành "cái chết" của hàng trăm dân thường.

Các nhà ngoại giao cho biết Nga cũng nhiều lần chặn bản thảo tuyên bố của Hội đồng Bảo an vì Moscow muốn có nội dung lên án cái chết của các thành viên lực lượng an ninh trong các cuộc biểu tình.

Tuy nhiên, theo các nhà ngoại giao, bất chấp cuộc thảo luận kéo dài, tuyên bố của Hội đồng Bảo an vẫn phát đi một "tín hiệu quan trọng".