1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Kịch bản Triều Tiên sẽ lặp lại với Iran?

(Dân trí) - Cuộc khẩu chiến giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và các nhà lãnh đạo Iran trong tuần này khiến nhiều người đặt ra giả thuyết rằng liệu kịch bản Triều Tiên có thể lặp lại với quốc gia Trung Đông hay không.


Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani (Ảnh: Getty)

Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani (Ảnh: Getty)

Khi căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên leo thang sau một loạt vụ thử hạt nhân và tên lửa của chính quyền Kim Jong-un, vào tháng 8/2017, Tổng thống Donald Trump từng dọa sẽ trút “lửa và thịnh nộ” vào quốc gia Đông Bắc Á và không ngần ngại đặt biệt danh cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un là “Người tên lửa”. Chỉ 10 tháng sau đó, cả thế giới đã chứng kiến cảnh ông Trump và ông Kim Jong-un bắt tay với nhau tại cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên ở Singapore, thậm chí ông chủ Nhà Trắng còn khẳng định đang có mối quan hệ gắn kết “đặc biệt” với nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Theo cây bút Josh K. Elliott của Global News, nếu Tổng thống Trump kỳ vọng một kịch bản tương tự cũng sẽ xảy ra với mối quan hệ giữa Mỹ và Iran, có thể nhà lãnh đạo Mỹ sẽ thất vọng.

Tuần này, Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani đã có màn khẩu chiến gay gắt trên mạng xã hội. Không khó để nhận ra rằng câu chuyện này từng xảy ra với Triều Tiên cách đây một năm.

“Mỹ phải hiểu rằng hòa bình với Iran là mẹ của các loại hòa bình, còn chiến tranh với Iran là mẹ của các loại chiến tranh”, Tổng thống Rouhani cảnh báo Mỹ.

Đáp lại, ông Trump viết: “Đừng bao giờ đe dọa Mỹ thêm một lần nào nữa nếu không muốn hứng chịu những hậu quả chưa từng có trong lịch sử”.

Mặc dù cả hai bên đều đưa ra những phát ngôn cứng rắn tưởng chừng sẽ dẫn tới một cuộc đối đầu trực diện, song các chuyên gia cho rằng cả Mỹ và Iran đều không mong muốn xảy ra xung đột quân sự. Iran hiện chưa có trong tay vũ khí hạt nhân để tự vệ, trong khi Mỹ cũng không muốn dấn thân vào một cuộc chiến như những gì từng làm với Iraq cách đây 15 năm.

Nhà phân tích Iran Seed Leilaz không coi cuộc khẩu chiến giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Iran là vấn đề quá nghiêm trọng. Ông không “lo ngại về những bình luận và dòng tweet” của hai vị tổng thống, thậm chí còn khẳng định Iran, cũng như bất kỳ quốc gia nào khác, đều không muốn leo thang căng thẳng trong khu vực.

Sự khác biệt giữa Triều Tiên và Iran

Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un ký tuyên bố chung tại Singapore hồi tháng 6 (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un ký tuyên bố chung tại Singapore hồi tháng 6 (Ảnh: Reuters)

Iran đã đối mặt với sức ép ngày càng tăng từ Mỹ kể từ khi Tổng thống Trump rút Washington khỏi thỏa thuận hạt nhân hồi tháng 5. Thỏa thuận đa phương này được ký từ năm 2015, trong đó Iran đồng ý dừng chương trình phát triển hạt nhân để đổi lấy việc được Mỹ và các nước nới lỏng lệnh trừng phạt.

Việc ký kết thỏa thuận đã mở cửa cho các dự án đầu tư nước ngoài vào Iran trong những năm gần đây. Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã đóng sập cánh cửa này khi tuyên bố hủy bỏ thỏa thuận mà ông cho là “tệ chưa từng thấy” và cảnh báo sẽ áp đặt trả lại các lệnh trừng phạt đối với Iran.

Với chiêu bài gây sức ép về kinh tế, Tổng thống Trump hồi đầu tháng tuyên bố đến một lúc nào đó, nhà lãnh đạo Iran sẽ phải gọi cho ông để đề xuất một thỏa thuận. Kịch bản này đã từng xảy ra với Triều Tiên. Tuy nhiên, theo nhà phân tích Lebanon Kamel Wazne, Giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược Mỹ tại Beirut, Iran sẽ không thể tin tưởng Mỹ thêm một lần nữa để có thể cùng Washington ký kết thỏa thuận mới sau khi Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận trước đó.

Theo nhà phân tích Edward Morrissey của The Week, việc Mỹ chấm dứt thỏa thuận hạt nhân và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran, bao gồm việc cấm các nước nhập khẩu dầu từ Tehran, có thể chưa đủ sức răn đe với quốc gia Trung Đông này. Trong khi Triều Tiên đã “ngấm” đòn trừng phạt của Mỹ khiến nền kinh tế nước này sụt giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua, nền kinh tế Iran vẫn ổn định ở thời điểm hiện tại. Sau thỏa thuận hạt nhân năm 2015, hầu hết các nước đã dở bỏ trừng phạt Iran, cho phép nước này liên tục xuất khẩu dầu mỏ để kiếm ngoại tệ từ đó đến nay.

Hệ thống tên lửa phòng không của Iran tại lễ duyệt binh ở Tehran hồi tháng 4 (Ảnh: AFP)
Hệ thống tên lửa phòng không của Iran tại lễ duyệt binh ở Tehran hồi tháng 4 (Ảnh: AFP)

Tổng thống Rouhani ngày 22/7 tuyên bố Iran sẽ ngay lập tức đẩy mạnh việc sản xuất uranium, một nguyên liệu quan trọng để chế tạo vũ khí hạt nhân, nhằm đáp trả sức ép của Mỹ. Tuy vậy, Iran được cho là chưa đủ khả năng để kích hoạt vũ khí hạt nhân như Triều Tiên trong tương lai gần, do vậy đây chưa phải là ưu tiên quân sự trước mắt của chính quyền Rouhani.

Nếu nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể một tay xoay chuyển chính sách đối ngoại của Triều Tiên, Tổng thống Rouhani chưa có được quyền lực này tại Iran. Ông Rouhani là người đứng đầu một đất nước mà ở đó tiếng nói của các lãnh đạo tôn giáo và chính trị đóng vai trò quan trọng, trong đó phải kể tới lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei.

Ở thời điểm hiện tại, tầng lớp lãnh đạo tôn giáo và chính trị tại Iran vẫn đứng về phía Tổng thống Rouhani để chỉ trích những lời đe dọa của Tổng thống Trump. Tuy nhiên sự đoàn kết này chưa chắc đã kéo dài.

Ngay cả khi Tổng thống Trump đề xuất với Iran một thỏa thuận mới tốt hơn so với thỏa thuận từng được ký dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, nội bộ quốc gia Trung Đông cũng chưa chắc đạt được sự đồng thuận để đồng ý chấp nhận đề xuất của ông Trump. Hệ thống chính trị tại Iran phức tạp và “mở” hơn so với Triều Tiên. Bất kỳ nỗ lực nào của các nhà lãnh đạo Iran nhằm làm thay đổi mối quan hệ với Mỹ đều có thể vấp phải sự phản đối mãnh liệt từ các phe phái tại Iran.

Những đối thủ cứng rắn của Tổng thống Rouhani từng phản đối việc ông ký kết thỏa thuận hạt nhân với các nước phương Tây hồi năm 2015. Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei tuần trước cũng bác bỏ khả năng đàm phán với Mỹ, cho rằng đây là một “sai lầm rõ rệt” của Iran. Điều đó đồng nghĩa với việc Tổng thống Rouhani khó có thể đạt được một thỏa thuận riêng với ông Trump như cách nhà lãnh đạo Kim Jong-un từng làm, dù ông chủ Nhà Trắng có sử dụng cách nào đi chăng nữa.

Trong khi đó, nội bộ Mỹ được cho là sẽ khó chấp nhận Iran hơn so với Triều Tiên. Sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Singapore, nhiều người cho rằng ông Trump không giành được nhiều lợi ích về cho Mỹ và cuộc gặp này không mang lại kết quả thiết thực. Do vậy, không nhiều người đặt niềm tin vào một viễn cảnh khả quan giữa Mỹ và Iran.

Thành Đạt

Tổng hợp