1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Iran đưa Mỹ ra tòa

Washington dọa trừng phạt bất kỳ quốc gia nào tiếp tục mua dầu thô của Tehran sau ngày 4-11. Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) hôm 17-7 thông báo Iran đã đệ đơn kiện Mỹ vi phạm hiệp định được 2 nước ký kết năm 1955 sau khi Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và áp đặt lệnh trừng phạt đối với Tehran hồi tháng 5 năm nay.

Mục tiêu trừng phạt chính

Trong đơn kiện, Iran quả quyết động thái trên của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã và tiếp tục vi phạm nhiều điều khoản của Hiệp ước Thân hữu, Quan hệ kinh tế và Quyền lãnh sự, được ký kết từ lâu trước khi diễn ra cuộc Cách mạng Hồi giáo 1979. Sự kiện này đã loại bỏ quốc vương thân Mỹ và mở ra mối quan hệ thù địch với Washington cho đến giờ. Ngoài ra, Iran đề nghị ICJ ra lệnh Mỹ hoãn thực thi trừng phạt mới trong lúc chờ tòa phân xử. Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ gọi đơn kiện trên của Iran không có giá trị.


Nguồn dầu xuất khẩu của Iran được cho là đang giúp ổn định thị trường dầu mỏ thế giới hiện nay Ảnh: IRNA

Nguồn dầu xuất khẩu của Iran được cho là đang giúp ổn định thị trường dầu mỏ thế giới hiện nay Ảnh: IRNA

Hoạt động xuất khẩu dầu của Iran là một trong những mục tiêu chính của các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhằm gây sức ép lên nền kinh tế quốc gia Trung Đông này. Chính phủ Mỹ đang thúc giục Ả Rập Saudi và một số thành viên khác của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tăng sản lượng khai thác để bù đắp cho sự sụt giảm nguồn cung dầu từ Iran một khi các biện pháp trừng phạt mới có hiệu lực từ ngày 4-11.

Ngoài ra, có thông tin chính quyền ông Trump xem xét sử dụng kho dự trữ dầu mỏ chiến lược của Mỹ để kéo giá dầu xuống. Tuy nhiên, ông Hossein Kazempour Ardebili, đại diện của Iran tại OPEC, khuyên ông Trump nên hủy bỏ trừng phạt Tehran hơn là tiến hành bước đi trên. Theo trang tin Bloomberg, đây không phải lần đầu tiên ông Kazempour chỉ trích chính sách của ông chủ Nhà Trắng. Đầu tháng này, ông cho rằng những thông điệp chỉ trích OPEC của ông Trump khiến giá dầu lên khoảng 10 USD/thùng.

Trung Quốc phớt lờ

Trong nỗ lực giảm sản lượng xuất khẩu dầu của Iran xuống con số 0 vào ngày 4-11 tới, Mỹ thậm chí dọa trừng phạt bất kỳ quốc gia nào tiếp tục mua dầu thô của Iran sau thời hạn này. Dù vậy, theo kênh PressTV, các đối tác khác tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran - Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc - vẫn còn cam kết tuân thủ thỏa thuận này và tiếp tục duy trì hoạt động giao thương với Iran, trong đó có cả mua dầu.

Trong số này, Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu nhiều dầu nhất của Iran và là khách hàng dầu thô lớn thứ 2 của Mỹ. Dù vậy, cán cân này có thể thay đổi sau khi Tập đoàn Hóa dầu ShanDong Dongming (Trung Quốc) đầu tuần này thông báo ngưng mua dầu thô Mỹ và chuyển sang mua sản phẩm này từ Iran. Bước đi trên diễn ra giữa lúc Trung Quốc và Mỹ đang đối đầu trong cuộc chiến tranh thương mại. Đài PressTV nhận định việc ShanDong Dongming chuyển sang mua dầu thô Iran có lẽ nhằm ứng phó kịch bản Mỹ áp thuế lên dầu thô Trung Quốc, dẫn đến biện pháp trả đũa tương tự của Bắc Kinh.

Ấn Độ, một trong những quốc gia mua nhiều dầu của Iran, cũng thuộc số những nước cam kết không tuân thủ những biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ nhằm vào Tehran. Dù vậy, trang Bloomberg nhận định Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan trước sức ép của Washington. Nếu ngừng mua dầu Iran, Ấn Độ sẽ mất nguồn cung cấp giá rẻ. Trong trường hợp tăng cường mua dầu thô Mỹ, New Delhi có thể giảm mức thặng dư thương mại với Washington, hiện ở mức 24,5 tỉ USD. Một kết quả như thế có thể giúp Ấn Độ thuyết phục Mỹ miễn áp thuế cao đối với một số sản phẩm, trong đó có thép và nhôm hoặc bớt "soi" về vấn đề thao túng tiền tệ.

"Lệnh trừng phạt sắp tới đối với Iran là cơ hội vàng để dầu thô Mỹ được tiêu thụ nhiều hơn tại thị trường Ấn Độ. Căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc cũng giúp dầu mỏ Mỹ xâm nhập thị trường Ấn Độ nhiều hơn" - ông Abhishek Kumar, chuyên gia của Công ty Interfax Energy (Anh), nhận định với trang Bloomberg. n

Theo Lục San

Người lao động