1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nguy cơ bùng nổ “mẹ của các loại chiến tranh” từ khẩu chiến Mỹ - Iran

(Dân trí) - Chính sách ngoại giao của Mỹ một lần nữa bị cuốn vào cuộc “khẩu chiến” trên mạng xã hội khi Tổng thống Donald Trump cảnh báo những hậu quả chưa từng có trong lịch sử đối với Iran giữa lúc các lệnh trừng phạt của Washington nhằm vào Tehran ngày càng được đẩy mạnh.


Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp Iran Rouhani (Ảnh: PCT Network)

Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp Iran Rouhani (Ảnh: PCT Network)

Vào tối 22/7, Tổng thống Donald Trump đã đăng đàn trên Twitter, viết một đoạn tweet cứng rắn với toàn bộ chữ cái được viết hoa để gửi tới người đồng cấp Iran Hassan Rouhani. Ông Trump cảnh báo Iran “đừng bao giờ đe dọa Mỹ thêm một lần nào nữa nếu không muốn hứng chịu những hậu quả chưa từng có trong lịch sử”.

Bình luận giận dữ trên của Tổng Tư lệnh quân đội Mỹ được đưa ra chỉ một ngày sau khi Tổng thống Rouhani tuyên bố “người Mỹ phải hiểu rằng, hòa bình với Iran là mẹ của các loại hòa bình, còn chiến tranh với Iran là mẹ của các loại chiến tranh”. Phát ngôn của Tổng thống Rouhani khiến nhiều người nhớ tới lời cảnh báo của cố Tổng thống Saddam Hussein vào năm 1991 khi cố lãnh đạo Iraq tuyên bố sẽ tiến hành “mẹ của tất cả các cuộc chiến” để chống lại Mỹ. Ngoài ra, tình hình hiện nay ở Iran có thể cũng gợi nhắc lại những gì đã xảy ra vào năm 2003 khi Mỹ leo thang căng thẳng với Iraq.

Tổng thống Rouhani, một chính trị gia ôn hòa với tư tưởng tiến bộ và đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ tại quê nhà cũng như sự tôn kính trên thế giới, tiếp tục tuyên bố Iran chắc chắn sẽ “đánh bại Mỹ” vì những lời đe dọa của Washington chỉ càng khiến cho người Iran thêm đoàn kết.

Theo phóng viên Mỹ Robert Bridge, cựu tổng biên tập của báo The Moscow News, tuyên bố của Tổng thống Rouhani không chỉ đơn thuần là một “lời đe dọa” nhằm vào Mỹ như cách Tổng thống Trump diễn giải, mà còn cho thấy viễn cảnh xung đột quân sự toàn diện giữa Mỹ và Iran - một cuộc chiến mà chắc chắn sẽ lôi kéo các “ông lớn” khác vào cuộc.

Tuy vậy, theo cây bút Simon Tisdall của báo Guardian, Tổng thống Iran, một nhà lãnh đạo cẩn trọng, không có ý định đe dọa Mỹ với tuyên bố trên. Thay vào đó, ông Rouhani chỉ đang phát đi đề xuất đối thoại với Washington.

Cuộc khẩu chiến nảy lửa giữa Mỹ và Iran bắt đầu leo thang từ khi Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi Kế hoạch chung toàn diện (JCPOA), hay còn gọi là Thỏa thuận hạt nhân Iran, hồi tháng 5. Thỏa thuận được ký bởi Iran và 5 nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an và Đức (nhóm P5+1).

Được ký kết dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, JCPOA đã buộc Iran từ bỏ 98% lượng uranium làm giàu của nước này trong khi vẫn phải duy trì mức uranium còn lại ở dưới mức làm giàu. Đổi lại, Iran được Liên Hợp Quốc nới lỏng các biện pháp trừng phạt - điều mà Tehran mong đợi từ lâu.

Mặc dù Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) xác nhận Iran tuân thủ đầy đủ các điều kiện của thỏa thuận, song Tổng thống Trump vẫn chỉ trích đây là “một trong những thỏa thuận tồi tệ nhất” mà ông từng thấy.

Sự cứng rắn của Mỹ

Cuộc họp của đại diện nhóm P5+1 và Iran tại Áo năm 2015 (Ảnh: AFP)
Cuộc họp của đại diện nhóm P5+1 và Iran tại Áo năm 2015 (Ảnh: AFP)

Điều Tổng thống Trump đang chờ đợi là các đồng minh châu Âu của Mỹ cần ủng hộ các lệnh trừng phạt do Mỹ dẫn đầu nhằm vào nguồn cung dầu mỏ của Iran. Nếu các nước này không đứng về phía Mỹ, chính họ sẽ đối mặt với nguy cơ bị Washington trừng phạt. Câu hỏi được đặt ra bây giờ là chính sách đối ngoại song song của chính quyền Trump, trong đó gây sức ép với cả đồng minh và đối thủ, sẽ kéo dài bao lâu.

Có thể nói những cảnh báo cứng rắn trên Twitter của Tổng thống Trump nhằm vào Iran là biểu hiện của một cuộc khủng hoảng chính trị nội bộ vốn xảy ra tại Mỹ từ trước khi ông Trump đặt chân tới Nhà Trắng. Ngoài vấn đề Iran, Tổng thống Trump cũng “nổi đóa” trên Twitter về cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 cũng như cuộc điều tra của Cục Điều tra Liên bang (FBI) nhằm vào chính chiến dịch tranh cử của ông.

Theo nhà phân tích Robert Bridge, Iran có thể nhận ra rằng nước này đang nằm trong tầm ngắm chưa từng thấy của Washington kể từ khi ông Trump nhậm chức và mọi hành động đều có thể xảy ra vượt ra khỏi khuôn khổ của những lời đe dọa.

Cuối tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông báo chính quyền Trump đang khởi động kênh thông tin hoạt động 24/7 bằng tiếng Ba Tư, có khả năng tiếp cận với mọi người dân Iran thông qua hàng loạt hình thức truyền thông như tivi, radio, định dạng kỹ thuật số và mạng xã hội. Ngoại trưởng Pompeo cho biết kênh thông tin này sẽ hỗ trợ “những tiếng nói bị phớt lờ của người dân Iran”. Nhà báo Bridge nhận định khó có thể tưởng tượng về mức độ can thiệp sâu rộng hơn thế của Mỹ nhằm vào một khu vực nào đó trên thế giới.

Một tên lửa trong lễ duyệt binh tại Iran (Ảnh: Tehran Times)
Một tên lửa trong lễ duyệt binh tại Iran (Ảnh: Tehran Times)

Theo nhà báo Bridge, những tuyên bố cứng rắn từ lãnh đạo và các quan chức cấp cao của Mỹ có thể được đưa ra nhằm lan truyền tâm lý bất mãn và kích động các nhóm đối lập tại Iran, từ đó dẫn tới hành động phản kháng của các lực lượng này. Nhà báo Bridge cho rằng đây có thể là cách để Mỹ tìm cách thay đổi chính quyền tại Iran, giống như những gì từng xảy ra tại Iraq và Libya.

Tuy nhiên, Mỹ kịch liệt bác bỏ các cáo buộc trên. Chính quyền Trump khẳng định chính sách của nước này với Iran không nhằm mục đích “thay đổi chính quyền”, mà chỉ nhằm thay đổi thái độ của Tehran để từ đó ngăn quốc gia Trung Đông này sản xuất vũ khí và tên lửa.

Ngoại trưởng Pompeo cho biết Mỹ đang đàm phán với các đối tác của Iran để buộc tất cả các nước giảm nhập khẩu dầu mỏ Iran "xuống càng gần mức 0 càng tốt" trước ngày 4/11. Mỹ dọa sẽ trừng phạt các đồng minh châu Âu nếu các nước này không dừng nhập khẩu dầu mỏ của Tehran.

Một điều dễ hiểu là chính quyền Iran sẽ không ngồi yên chờ Mỹ hành động. Iran tuần trước cảnh báo nước này có thể chặn các các tàu chở dầu sử dụng eo biển Hormuz để đáp trả các biện pháp trừng phạt của Washington.

Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei cũng ủng hộ tuyên bố của Tổng thống Rouhani rằng: “Nếu Iran không thể xuất khẩu dầu, thì không nước nào trong khu vực có thể xuất khẩu”. Và nếu chuyện này thực sự xảy ra, thế giới sẽ chứng kiến một thảm họa do Iran hiện là quốc gia cung cấp dầu mỏ lớn thứ 4 thế giới.

Chính quyền Trump dường như tin rằng việc gây sức ép với các đối thủ để buộc họ phải thuận theo mong muốn chính trị của Mỹ là cách tốt nhất để giải quyết mâu thuẫn. Phương pháp này có thể hiệu quả với Triều Tiên, song liệu nó có phù hợp với Iran hay không vẫn còn là câu hỏi để ngỏ. Trong khi đó, những gì thế giới đang thấy là một trò chơi nguy hiểm, có thể dẫn tới những hậu quả khủng khiếp trên phạm vi toàn cầu. Giới phân tích cho rằng việc giải quyết vấn đề này cần tới những chính sách ngoại giao tỉnh táo và cái đầu lạnh của các nhà lãnh đạo, chứ không phải những màn đấu khẩu vào lúc nửa đêm trên mạng xã hội.

Thành Đạt

Tổng hợp