1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Kịch bản nào xảy ra nếu Trung Quốc đối đầu Mỹ?

(Dân trí) - Ông Chu Công Phùng, nguyên Bí thư Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc (1987-1991), nguyên đại sứ Việt Nam tại Myanmar cho rằng, sau sự kiện ngày 27/10 vừa qua, rất có thể Trung Quốc sẽ đẩy mạnh các hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông, đe dọa các nước nhỏ yếu xung quanh Biển Đông, như công bố "vùng nhận dạng phòng không" như họ đã làm ở vùng biển Hoa Đông.

 

Việc cử tàu tuần tra của Mỹ là hợp pháp

Với việc điều tàu USS Lassen tuần tra 12 hải lý quanh Đá Xu bi và Vành khăn thuộc quần đảo Trường Sa, Mỹ đã khẳng định quyết tâm bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông. Tuy nhiên theo ông tại sao Mỹ lại chọn thời điểm này để hành động sau rất nhiều tuyên bố và phản ứng trước đó?

Trước khi cử tàu tuần tra xung quanh các khu vực đảo nhân tạo này, Mỹ đã nhiều lần lên tiếng cảnh cáo Trung Quốc bớt hung hăng và thực hiện nghiêm túc các công ước về Luật biển cũng như tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông mà nước này đã ký kết, Tổng thống Mỹ Obama đã phát đi thông điệp lần cuối trong buổi gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tối 24/9/2015 yêu cầu Trung Quốc ngừng các hoạt động tôn tạo trái phép đảo ở quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn phớt lờ cảnh báo của Mỹ. Vì vậy, hành động của Mỹ ngày 27/10 vừa rồi ở quần đảo Trường Sa là lẽ tất yếu.

Tôi cho rằng, thông qua việc làm này, Mỹ muốn phát đi thông điệp với thế giới. Đó là:

Thứ nhất: Mỹ đã và đang quyết tâm thực hiện chiến lược xoay trục từ khu vực châu Âu sang khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Thứ hai: Khẳng định Mỹ là nước lớn duy nhất có đủ sức mạnh để điều máy bay, tàu chiến tới khu vực mà Trung Quốc đang xây dựng trái phép ở Biển Đông; đồng thời tăng cường củng cố niềm tin cho các nước đồng minh phối hợp cùng Mỹ duy trì hòa bình ổn định và tự do hàng hải hàng không ở Biển Đông nhất là sau khi Quốc hội Nhật Bản thông qua dự luật an ninh mới, lần đầu tiên cho phép quân đội tham chiến ở ngoài biên giới quốc gia.

Thứ ba: Truyền thông điệp đến Bắc Kinh và các nước láng giềng rằng Mỹ không chấp nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các thực thể ở quần đảo Trường Sa. Cảnh báo, răn đe Trung Quốc phải tôn trong Luật pháp quốc tế, tôn trọng quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Chừng nào hải quân Mỹ còn đảm đương “sứ mệnh” duy trì trật tự trên các vùng biển và đại dương như họ cam kết thì chiến hạm và máy bay Mỹ sẽ còn tiến hành các phi vụ tuần tra như vậy, bất luận là vùng biển mà Trung Quốc tìm cách khẳng định chủ quyền.

Hành động này của Mỹ phù hợp với Luật pháp quốc tế không và nó mang lại lợi ích gì cho các nước trong khu vực?

Về mặt pháp lý, Điều 121 của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) quy định: “Những bãi đá nào không thích hợp cho con người đến ở hoặc hoạt động kinh tế riêng thì không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa”. Theo đó, chỉ có các đảo tự nhiên mới được hưởng quy chế về đảo.

Các quy định của UNCLOS về việc áp dụng phương pháp đường cơ sở để xác định lãnh hải cũng chỉ đề cập đến các bãi cạn lúc chìm lúc nổi khi đáp ứng khoảng cách đối với lục địa hoặc đảo tự nhiên, chứ không áp dụng đối với các đá chìm hoàn toàn. Do vậy, dù Trung Quốc có tôn tạo Đá Xu Bi, Đá Vành Khăn và các bãi đá chìm khác thuộc quần đảo Trường Sa thành đảo nhân tạo như hiện nay thì các thực thể này cũng không có vùng lãnh hải 12 hải lý, mà chỉ có vùng an toàn không quá 500 m theo quy định tại Điều 60 của UNCLOS.

Vì vậy, hành động ngày 27/10 vừa rồi của Mỹ hoàn toàn phù hợp với Luật pháp quốc tế, tầu chiến Mỹ có quyền hợp pháp đi vào sát các đảo bãi mà Trung Quốc tôn tạo phi pháp thành đảo nổi, mặc dù Bắc Kinh đã ngang ngược đưa ra yêu sách chủ quyền tại các đảo nhân tạo, vốn là các bãi đá mà Trung Quốc ngang nhiên chiếm đóng trái phép của Việt Nam và Philippines

Động thái này cũng là sự phản bác mạnh mẽ nhất cho những tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp của Trung Quốc tại các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh chiếm đóng và tôn tạo. Điều này cũng tạo cơ sở pháp lý và động lực mạnh mẽ cho các nước liên quan trong việc đấu tranh với Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền biển đảo của mình.

Ông Chu Công Phùng
Ông Chu Công Phùng

Khó xảy ra chuyện Mỹ - Trung bắt tay nhau chia sẻ lợi ích ở Biển Đông

Căng thẳng và đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ có ảnh hưởng đến lợi ích của Việt Nam hay không? Ông có lo ngại việc Trung Quốc và Mỹ sẽ đi đến một thỏa thuận chung về việc giải quyết lợi ích của họ ở Biển Đông?

Trước hết, chúng ta cần hiểu rõ các thực tế sau:

Không chỉ Việt Nam, các nước ASEAN liên quan, Mỹ và các các đồng minh của Mỹ đều lên án và phản đối đường "lưỡi bò" do Trung Quốc đơn phương vẽ ra ở Biển Đông. Hiện nay, chỉ trừ Trung Quốc ra, không có bất cứ quốc gia nào trên thế giới phản đối việc Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế về yêu sách Đường lưỡi bò và việc Trung Quốc xâm phạm các vùng biển của Philippines tại Biển Đông.

Hành động của Mỹ ngày 27/10 vừa qua tại Biển Đông không chỉ trực tiếp cảnh cáo, răn đe tham vọng phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông mà cũng gián tiếp ủng hộ các nước ASEAN tiếp tục đấu tranh với Trung Quốc để sớm đi tới ký kết Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN với Trung Quốc.

Việc tàu chiến của Mỹ đi vào sát các nhân tạo do Trung Quốc tôn tạo trái phép ở Trường Sa đã khẳng định quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông là phù hợp với Luật pháp quốc tế. Đó là một hành động đi trước dẫn đầu của Mỹ, tạo ra cơ sở pháp lý, gián tiếp khuyến khích các nước Đông Nam Á có chủ quyền biển đảo ở Biển Đông không e ngại Trung Quốc, cần tiếp tục các hoạt động xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển đảo của họ tại Biển Đông.

Hiện tại trong dư luận cũng có ý kiến cho rằng, sau sự kiện này có thể Mỹ và Trung Quốc sẽ có "thỏa thuận ngầm" chia nhau lợi ích ở Biển Đông hoặc Mỹ được Trung Quốc bật đèn xanh tự do đi lại ở Biển Đông và sử dụng dịch vụ của Trung Quốc ở Trường Sa, đổi lại, Mỹ sẽ làm ngơ cho Trung Quốc tiếp tục bành trướng ở Biển Đông.

Tôi nghĩ, nếu có chuyện Mỹ - Trung "thỏa thuận ngầm" chia nhau về tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông thì chuyện đó đã xảy ra ngay trong chuyến thăm Mỹ của ông Tập Cận Bình cuối tháng 9 vừa rồi, hà cớ gì mà ngay sau cuộc gặp gỡ cấp cao giữa hai nước, Mỹ lại quyết định cử tàu chiến, máy bay thực hiện quyền tự do đi lại sát các đảo do Trung Quốc tôn tạo trái phép ở Biển Đông, trực tiếp phủ định "chủ quyền lãnh hải" của Trung Quốc ở khu vực này, khiến Trung Quốc bị "mất mặt" trước dư luận? Càng phi lý hơn nếu như Mỹ đánh đổi tư thế của một siêu cường hải dương để nhận "ân huệ" của Trung Quốc và làm ngơ trước các hành động bành trướng của Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế, đe dọa tới lợi ích chiến lược của Mỹ và các đồng minh của Mỹ ở Biển Đông.

Đối thủ hiện nay của Mỹ ở Châu Á là Trung Quốc chứ không phải Việt Nam; Mỹ đang thực hiện chiến lược xoay trục từ Châu Âu sang Châu Á - Thái Bình Dương rất cần sự ủng hộ của các nước lớn Nhật, Úc, Ấn Độ... và ASEAN; quan hệ Việt - Mỹ, Việt - Nhật đang phát triển thuận lợi sau các chuyến thăm chính thức của lãnh đạo cấp cao nhất Việt Nam tới Mỹ và các đồng minh của Mỹ.

Trong bối cảnh đó, theo tôi, hiện nay khó có thể xảy ra kịch bản Mỹ và Trung Quốc "đi đêm" thỏa thuận với nhau để giải quyết lợi ích chung của họ ở Biển Đông.

Tàu USS Lassen của Hải quân Mỹ (Ảnh: US Navy)
Tàu USS Lassen của Hải quân Mỹ (Ảnh: US Navy)

Trung Quốc sẽ không dại gì đối đầu Mỹ

Một vấn đề khác nghiêm trọng không kém, đó là phản ứng của Trung Quốc. Theo ông, liệu hành động của Mỹ có tạo ra cơ hội tốt cho Bắc Kinh thực hiện các "biện pháp phòng vệ", mở ra thời kỳ quân sự hóa các đảo nhân tạo không?

Trên thực địa, trong quá trình tôn tạo trái phép các bãi ngầm thành đảo nổi ở Trường Sa, Trung Quốc đã "quân sự hóa" các đảo nhân tạo này bằng việc xây dựng các đường băng cho máy bay quân sự, xây dựng các bến cảng quân sự và huy động nhiều tàu chiến, máy bay bảo vệ các hoạt động xây dựng đó.

Tuy nhiên, dư luận quốc tế khá bất ngờ về phản ứng "có giới hạn" của Trung Quốc trước việc Mỹ đưa chiến hạm USS Lassen xâm nhập vùng biển 12 hải lý các đảo Trung Quốc tôn tạo trái phép ở Trường Sa.

Ngạn ngữ Trung Quốc có câu "Lôi thanh đại, vũ điểm tiểu" (Sấm sét ầm ầm nhưng chỉ mưa lâm thâm). Ngày 27/10 vừa rồi, Trung Quốc đã thực hiện đầy đủ câu ngạn ngữ này. Khác với những tuyên bố ầm ĩ của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc trước đó, ngày 27/10/2015, Trung Quốc chỉ có thể cử 2 tàu chiến "lặng lẽ theo dõi" các hoạt động của chiến hạm Lassen cho đến khi chiến hạm này hoàn thành nhiệm vụ; Bộ ngoại giao Trung Quốc cũng chỉ phản đối yếu ớt, mập mờ. Đó cũng chính là bản chất truyền thống của Trung Quốc "mềm nắn rắn buông" trong xử lý các mối quan hệ quốc tế. Trung Quốc biết rõ Mỹ đã chuẩn bị kỹ cho hoạt động này và sẵn sàng ứng phó với phản ứng cứng rắn của Trung Quốc. Trung Quốc cũng thừa biết "lợi bất cập hại" nếu sử dụng sức mạnh quân sự đối đầu với Mỹ trong tình hình quốc tế và khu vực hiện nay.

Sau sự kiện 27/10/2015, để với vát thể diện của một nước lớn, rất có thể Trung Quốc sẽ đẩy mạnh các hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông, đe dọa các nước nhỏ yếu xung quanh Biển Đông, như công bố "vùng nhận dạng phòng không" như họ đã làm ở vùng biển Hoa Đông, bố trí các phương tiện quân sự trên các đảo nhân tạo, đơn phương ban lệnh cấm tàu thuyền nước ngoài khai thác hải sản ở Trường Sa... Những việc làm này sẽ càng khiến Trung Quốc bị cô lập trên quốc tế, càng không có bạn bè thực sự, thuyết "mối uy hiếp từ Trung Quốc" sẽ càng thấm sâu vào các nước trong khu vực, càng đẩy quan hệ Trung Quốc với Mỹ và các đồng minh của Mỹ vào thế khó khăn, bất lợi cho Trung Quốc.

Theo ông, Việt Nam nên ứng xử như thế nào trước sự kiện này và trong quan hệ với Trung Quốc và Mỹ.

Chủ quyền lãnh thổ là vấn đề thiêng liêng của mỗi dân tộc. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định:" Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó". Ngày 29/10/2015, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao ta đã tuyên bố: "Việt Nam tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông trên cơ sở các quy định có liên quan của Công ước và phù hợp với các quy định của quốc gia ven biển. Việt Nam kêu gọi các bên liên quan đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”.

Thiết nghĩ, lập trường quan điểm trên của Việt Nam đã rất rõ ràng. Theo tôi, ngoài việc trực tiếp đấu tranh với Trung Quốc, chúng ta cần tiếp tục phối hợp với các nước ASEAN kiên quyết và kiên trì đàm phán với Trung Quốc để sớm ký kết Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) làm cơ sở pháp lý lâu dài cho giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Hà Trang

Thực hiện