1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chuyên gia Trung Quốc: Tuyên bố chủ quyền quanh đảo nhân tạo là không hợp pháp

(Dân trí) - Tờ Thời báo Hoa Nam Buổi sáng ngày 29/10 dẫn lời một nhà phân tích Trung Quốc thừa nhận không có tuyên bố chủ quyền nào hợp pháp tồn tại trên vùng biển nơi có bãi Xu Bi và Vành Khăn, và rằng cuộc tuần tra của Mỹ bằng tàu chiến USS Lassen không vi phạm luật pháp quốc tế.

 


Tờ Thời báo Hoa Nam Buổi sáng ngày 29/10 dẫn lời chuyên gia Trung Quốc Xue Li (Ảnh chụp màn hình)

Tờ Thời báo Hoa Nam Buổi sáng ngày 29/10 dẫn lời chuyên gia Trung Quốc Xue Li (Ảnh chụp màn hình)

Ông Xue Li, một chuyên gia về các vấn đề quốc tế tại Học viện khoa học xã hội Trung Quốc, nhận định việc Mỹ điều tàu chiến vào vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo ở Biển Đông là một phần trong một trò chơi được lên kế hoạch kỹ càng và thực hiện tốt để khiến Trung Quốc mất mặt.

Ông Xue cũng nói, không có tuyên bố chủ quyền nào hợp pháp tồn tại trên vùng biển nơi có bãi Xu Bi và Vành Khăn. “Cuộc tuần tra của Mỹ bằng tàu chiến USS Lassen không vi phạm luật pháp quốc tế”, ông Xue nói.

“Đó là một trò chơi chính trị chỉ nhằm khiến Trung Quốc mất mặt, đặc biệt là khi phiên họp toàn thể thứ 5 của đảng Cộng sản Trung Quốc sắp diễn ra”.

Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, chồng lấn lên các vùng biển của Philippines, Brunei, Malaysia, Việt Nam.

Trung Quốc đã tiến hành cải tạo đất và xây dựng ít nhất 7 đảo nhân tạo trên các bãi đá ngầm tại quần đảo Trường Sa. Bắc Kinh đã xây dựng các cơ sở dân sự và quân sự trên đó kể từ cuối năm 2013.

Ba trong số 7 đảo nhân tạo đó - Xu Bi, Vành Khăn và cả Gaven - đều là các bãi chìm khi thủy triều cao. Theo Công ước Quốc tế về Luật Biển, các bãi cạn như vậy không tạo ra vùng lãnh hải 12 hải lý.

Mặc dù Xu Bi và Vành Khăn giờ đây trở thành các đảo nhân tạo sau nhiều tháng cải tạo đất của Trung Quốc, nhưng các đảo nhân tạo không được luật pháp quốc tế công nhận. Trên thực tế, chúng chỉ có “vùng an toàn” 500 m, ông Xue cho hay.

Theo ông Xue, do tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Lassen chưa từng đi vào vùng 500 m quan đảo nhân tạo trong cuộc tuần tra nên Trung Quốc chỉ có thể đưa ra các hành động chính trị mang tính biểu tượng, như phản đối hay triệu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Max Baucus.

Trên thực tế, trong các hành động phản đối của Trung Quốc, các nhà ngoại giao nước này cũng chưa từng nói rằng khu vực mà tàu USS Lassen đi vào là lãnh hải của họ.

Thay vào đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng và Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải chỉ miêu tả là “vùng biển gần các bãi ngầm liên quan”.

Trung Quốc đã đơn phương vẽ cái gọi là “đường lưỡi bò” hay “đường 9 đoạn” quanh hầu hết Biển Đông. Tuy nhiên, Bắc Kinh chưa từng công bố các đường cơ sở tại khu vực Trường Sa.

“Trung Quốc cố tình làm vấn đề mơ hồ như vậy, và nhiều khả năng sẽ không làm rõ mọi thứ trong tương lai gần”, ông Xue nhận định.

An Bình

Theo SCMP

 

Chuyên gia Trung Quốc: Tuyên bố chủ quyền quanh đảo nhân tạo là không hợp pháp - 2