1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Giáo sư Thayer: Trung Quốc bóp méo luật pháp quốc tế để biện minh cho mình

(Dân trí) - Giáo sư Carl Thayer cho rằng Trung Quốc đang biện minh cho các hành động của mình ở Biển Đông bằng cách bóp méo luật quốc tế và nếu không ai thách thức Bắc Kinh thì các tuyên bố chủ quyền quá đáng của họ sẽ trở thành "chuyện bình thường".


Tàu khu trục USS Lassen ngày 27/10 đã tuần tra trong vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng phi pháp ở Biển Đông (Ảnh: AFP)

Tàu khu trục USS Lassen ngày 27/10 đã tuần tra trong vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng phi pháp ở Biển Đông (Ảnh: AFP)

Giáo sư Carl Thayer từ Học viện quốc phòng Úc, chuyên gia hàng đầu về Đông Nam Á, trao đổi với phóng viên Dân trí xung quanh việc Mỹ điều tàu áp sát các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phi pháp ở Biển Đông.

 

Giáo sư Thayer: Trung Quốc bóp méo luật pháp quốc tế để biện minh cho mình - 2

Giáo sư Carl Thayer, từ Học viện quốc phòng Úc tại Canberra, là nhà nghiên cứu khoa học xã hội nổi tiếng, được biết tới khắp thế giới qua các nghiên cứu và xuất bản về các vấn đề an ninh Đông Nam Á, đặc biệt là các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Ông là tác giả của trên 380 ấn phẩm, trong đó có các nghiên cứu về Việt Nam và ASEAN. (Nguồn: Học viện quốc phòng Úc )

Hải quân Mỹ ngày 27/10 đã điều một chiến hạm vào vùng 12 hải lý quanh các nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa, chính xác là bãi Xu Bi và Vành Khăn. Ông có cho rằng Hải quân Mỹ sẽ mở rộng tuần tra tới các đảo nhân tạo khác hay không?

Tôi cho là có. Bộ Quốc phòng Mỹ đã nói rằng các cuộc tuần tra tự do hàng hải sẽ tiếp tục và rằng hoạt động này sẽ diễn ra ở những nơi khác ở Biển Đông. Điều này nhất quán với chính sách của Mỹ nhằm thách thức các tuyên bố chủ quyền bành trướng tại các vùng biển, điều mà Washington xem là vi phạm luật pháp quốc tế.

Sau động thái mới nhất của Mỹ, Trung Quốc tuyên bố sẽ “đáp trả kiên quyết các hành động khiêu khích”. Nếu Mỹ tiếp tục các cuộc tuần tra, ông dự đoán Trung Quốc có thể làm gì?

Trung Quốc không có lý do gì để thách thức các cuộc tuần tra tự do hàng hải của Mỹ một cách chính thống. Trung Quốc không có các tàu chiến lớn hoặc các máy bay quân sự trong khu vực để buộc Mỹ chấm dứt các cuộc tuần tra tự do hàng hải. Trung Quốc sợ rủi ro và Hải quân nước này đã tránh các vụ việc rủi ro. Thay vào đó, Trung Quốc tiến hành cuộc chiến trên 2 mặt trận thông tin và pháp lý.

Nếu Trung Quốc thách thức Hải quân Mỹ, Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ sử dụng các tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển và có thể là các tàu cá. Nếu có xảy ra chuyện gì, Trung Quốc sẽ lấy nó để phục vụ mục đích tuyên truyền.

Trung Quốc đã chùn bước trong việc khẳng định Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Hoa Đông khi Nhật và Mỹ thách thức nó. Điều tương tự cũng sẽ diễn ra ở Biển Đông. Có một lý do là các cuộc tuần tra tự do hàng hải của Mỹ sẽ không khiến Trung Quốc từ bỏ các đảo nhân tạo. Hải quân Mỹ có thể tuần tra ở bất kỳ đâu, còn Trung Quốc vẫn ngang nhiên tăng cường cơ sở hạ tầng trên các đảo nhân tạo.

Các đồn đoán về khả năng Nhật tuần tra ở Biển Đông đã thu hút sự quan tâm của báo chí trong vài tháng qua. Liệu Mỹ có thể phối hợp với các nước khác trong khu vực để mở rộng tuần tra?

Trong số các đồng minh của Mỹ trong khu vực, Nhật Bản là nước nhiều khả năng nhất sẽ trợ giúp Mỹ bằng việc tiến hành các cuộc tuần tra ở Biển Đông. Úc ủng hộ tự do hàng hải nhưng đã ám chỉ sẽ không tham gia với Mỹ trong các cuộc tuần tra chung. Hàn Quốc nhiều khả năng không tham gia. Còn nếu Ấn Độ điều các tàu hải quân, nước này sẽ làm vậy một cách độc lập.

Theo quan điểm của ông, các cuộc tuần tra của Mỹ có ý nghĩa gì trong việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho các căng thẳng ở Biển Đông?

Tôi cho rằng các cuộc tuần tra tự do hàng hải của Mỹ sẽ chỉ khiến Trung Quốc trì hoãn hoặc tạm dừng quân sự hóa các đảo nhân tạo. Một khi Trung Quốc vẫn khăng khăng tuyên bố “chủ quyền không tranh cãi” đối với tất cả các đảo nhân tạo, các bãi đá và các vùng nước liền kề trong vùng “đường lưỡi bò” tự nhận thì sẽ không có giải pháp hòa bình cho các tranh chấp hàng hải hay chủ quyền.

Các cuộc tuần tra của Mỹ chỉ thách thức các tuyên bố quá đáng của Trung Quốc về quyền tài phán đối với vùng biển và không phận quanh các đảo nhân tạo. Nếu Mỹ không gia tăng thách thức này, các quốc gia trong khu vực có thể phải mặc nhận các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc, mà tôi gọi là “UNCLOS kiểu Trung Quốc”. Nói cách khác, Trung Quốc biện minh cho các hành động của mình bằng cách bóp méo luật quốc tế. Nếu không ai thách thức Trung Quốc, các tuyên bố chủ quyền quá đáng của họ sẽ trở thành "chuyện bình thường mới".

An Bình

(Thực hiện)

 

Giáo sư Thayer: Trung Quốc bóp méo luật pháp quốc tế để biện minh cho mình - 3