1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Không có công nghệ nước ngoài, quân đội Trung Quốc sẽ phát triển ra sao?

(Dân trí) - Đa số công nghệ của Trung Quốc phụ thuộc vào các hệ thống mua từ những nhà sản xuất nước ngoài. Vậy quân đội Trung Quốc có phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ quân sự nước ngoài hay không?.


Máy bay J-10 của Trung Quốc (Ảnh: Wikipedia)

Máy bay J-10 của Trung Quốc (Ảnh: Wikipedia)

Trang mạng Diplomat dẫn nhận định của các chuyên gia cho rằng, bất chấp những tiến bộ mạnh mẽ trong hai thập niên vừa qua, quân đội Trung Quốc vẫn phụ thuộc nhiều vào công nghệ nước ngoài. Tuy nhiên, những lý do cho sự phụ thuộc này rất phức tạp và trong trường hợp nào đó, Trung Quốc đang nhanh chóng tìm cách thoát khỏi sự phụ thuộc này.

Đến nay đã diễn ra nhiều cuộc thảo luận về sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, tập trung vào các điểm yếu của Mỹ. Giới phân tích cho rằng Trung Quốc có thể đe doạ các nhân tố quan trọng trong những "tổ hợp tấn công" của Mỹ bằng các loại vũ khí nước này đang có.

Tuy nhiên, Trung Quốc lại có yếu điểm có thể bị đối phương khai thác. Đó là việc Trung Quốc phụ thuộc vào các hệ thống mua từ các nhà sản xuất nước ngoài. Ví dụ như tàu sân bay Liêu Ninh - tàu sân bay thế hệ cũ được đóng từ thời Liên Xô và tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc sẽ được phát triển dựa trên mẫu cũ này. Ngoài ra, hệ thống tên lửa đất đối không HQ-9 được cho là có bao gồm công nghệ như hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ và các tàu ngầm do Trung Quốc sản xuất phụ thuộc nhiều vào công nghệ từ thời Liên Xô. Tương tự như vậy, các loại tàu chiến của Trung Quốc sử dụng những yếu tố sao chép hoặc có nguồn gốc từ những phiên bản của Nga hay phương Tây.

Trong lĩnh vực không quân, mẫu J-10 khá giống mẫu máy bay Lavi của Israel và các mẫu J-11, J-15, J-16, JF-17 bị đánh giá là những mẫu sao chép hoặc phát triển dựa trên những thiết kế của các máy bay Liên Xô trước đây. Trong khi đó, máy bay ném bom tầm xa chủ lực H-6 của Trung Quốc cũng có nhiều điểm chung với một máy bay ném bom của Liên Xô từ năm 1954. Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng Trung Quốc có thể đã sao chép công nghệ về máy bay không người lái của Mỹ và các nhà sản xuất khác.

Có thể nói quân đội và ngành công nghiệp sản xuất vũ khí của Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào công nghệ của Nga và phương Tây. Tuy vậy, Trung Quốc vẫn đạt được một số thành tựu khi đã đổi mới, xây dựng lại các hệ thống và thành phần để sản xuất những loại vũ khí sát thương mang thương hiệu "Made in China". Kho tên lửa đạn đạo và xuyên lục địa của Trung Quốc là một trong những minh chứng cho thấy Bắc Kinh đang đi đúng hướng.

Các mẫu máy bay J-20 và J-31 cũng đang đứng trước cơ hội thể hiện dấu ấn trong thời gian tới. Mặc dù có bằng chứng cho thấy cả hai mẫu máy bay này đều phụ thuộc vào những thông tin thu thập được từ Mỹ song mỗi máy bay đại diện cho một bước đột phá kỹ thuật trong ngành công nghiệp hàng không Trung Quốc. Và hai mẫu máy bay này có khả năng giúp Trung Quốc vượt qua Nga và một phần nào đó là vượt qua châu Áu, dù các mẫu Rafale và Typhoon có những tiêu chuẩn mà máy bay Trung Quốc chưa so bì được. Theo kế hoạch, mẫu J-20 và J-31 sẽ được đưa vào hoạt động trước thời điểm Hàn Quốc sử dụng chính thức chiến đấu cơ KFX hay còn gọi là F-3.

Tới nay, Hàn Quốc và Nhật Bản có được công nghệ của Mỹ qua những cách hợp pháp hơn Trung Quốc song họ vẫn cần sự giúp đỡ của nước ngoài. Trong khi đó, các lệnh trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu công nghệ đang làm Trung Quốc không thể tiếp cận được thị trường công nghệ như cách Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ hay các quốc gia châu Âu đang làm. Do vậy, "gián điệp công nghệ" không phải là cách mà Trung Quốc muốn thực hiện, nhưng giới chuyên gia của Diplomat cho rằng đây là một phản ứng hoàn toàn bình thường và có thể dự đoán được khi Bắc Kinh rất cần các công nghệ hiện đại để theo kịp tốc độ phát triển của thế giới.

Ngọc Anh

Theo Diplomat

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm