1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Khoảnh khắc lính dù Ukraine bắn rơi trực thăng "cá sấu sát thủ" của Nga

Đức Hoàng

(Dân trí) - Ukraine đăng tải video mà họ mô tả là ghi lại cảnh quân nhân nước này dùng tên lửa phương Tây viện trợ bắn rơi một trực thăng tấn công Ka-52 của Nga

Bộ chỉ huy các binh đoàn xung kích của các lực lượng vũ trang Ukraine ngày 28/6 đăng tải một video kèm thông báo: "Lính dù ở Zhytomyr đã bắn hạ một máy bay trực thăng tấn công và trinh sát Ka-52 của Nga".

Đoạn video cho thấy một quân nhân Ukraine đứng sau cây và sử dụng hệ thống tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) Starstreak mà Anh cấp cho Kiev. Sau khi tên lửa được bắn ra, chỉ vài giây sau nó dường như đã đánh trúng chiếc Ka-52 ở xa và khiến trực thăng này rơi xuống trong tiếng reo hò của quân nhân Ukraine.

Khoảnh khắc lính dù Ukraine bắn rơi trực thăng "cá sấu sát thủ" của Nga

Bộ Quốc phòng Ukraine sau đó đăng lại đoạn video với chú thích: "Sử dụng phát bắn được nhằm mục tiêu bằng tên lửa Starstreak, Lữ đoàn xung kích số 95 Ukraine đã bắn rơi một chiếc Ka-52 của Nga".

Ka-52 "Cá sấu" do Nga chế tạo là máy bay trực thăng tấn công đa năng. Nó là một biến thể sửa đổi của trực thăng Ka-50 "Cá mập đen". Ka-52 là trực thăng chiến đấu và do thám thế hệ kế tiếp, được thiết kế để đối phó với các phương tiện trên bộ cả bọc thép và không bọc thép, xe tăng, binh sĩ và trực thăng đối phương. "Cá sấu" Nga có thể được sử dụng cả trong sứ mệnh chiến đấu và trinh sát.

Ka-52 được trang bị pháo tự động cỡ nòng 30 mm và cũng có thể mang tên lửa chống tăng dẫn đường bằng laser, tên lửa không đối không tầm ngắn, các loại bom và tên lửa khác.

Starstreak là hệ thống tên lửa đất đối không tầm ngắn của Anh thường được triển khai như một hệ thống phòng không di động vác vai. Anh hiện vẫn đang cấp dòng tên lửa này cho Ukraine cùng các vũ khí khác để giúp Kiev đối phó với chiến dịch quân sự đã kéo dài tới tháng thứ 5 của Nga ở nước láng giềng.

Điểm nổi bật nhất của Starstreak là nó có thể nhanh chóng tăng tốc sau khi phóng lên mốc Mach 4 (hơn 4.800 km/h), tương đương gấp 4 lần tốc độ âm thanh. Tên lửa siêu thanh này hiện đang nắm kỷ lục tên lửa đất đối không nhanh nhất thế giới từng được chế tạo.

Theo Newsweek
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine