1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

"Khai tử" chính sách xoay trục sang châu Á: Sự bối rối của chính quyền Trump?

(Dân trí) - Giới chuyên gia cho rằng, quyết định "khai tử" chính sách xoay trục sang châu Á của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump không quá ngạc nhiên hay đáng lo ngại, đây có thể chỉ là dấu hiệu cho thấy chính quyền mới vẫn loay hoay định hình chiến lược.


Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Reuters)

Tại cuộc họp báo diễn ra ở Washington hôm 13/2 vào thời điểm Ngoại trưởng Rex Tillerson bắt đầu chuyến công du châu Á, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Susan Thornton cho biết chính quyền của Tổng thống Trump sẽ ngừng chiến lược xoay trục sang châu Á - chính sách vốn được coi là di sản của chính quyền tiền nhiệm Barack Obama.

Bà Thornton nói: “Liên quan đến vấn đề xoay trục, tái cân bằng, đó là những từ dùng để mô tả chính sách đối với châu Á của chính quyền tiền nhiệm. Tôi nghĩ các bạn có thể kỳ vọng rằng chính quyền (của Tổng thống Donald Trump) sẽ xây dựng chiến lược riêng… Chúng tôi vẫn chưa đi vào chi tiết xem chiến lược mới sẽ như thế nào hay thậm chí có cần một chiến lược mới hay không".

Trang mạng Diplomat bình luận, điều này không quá ngạc nhiên trong bối cảnh Tổng thống Trump ngay từ chiến dịch tranh cử đã khẳng định quan điểm "Nước Mỹ trên hết" và ký sắc lệnh rút khỏi đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với các quốc gia châu Á ngay sau khi nhậm chức.

Trong khi đó, giới quan sát cho rằng, việc ngừng xoay trục sang châu Á của chính quyền Tổng thống Trump có thể chỉ là dấu hiệu ngầm cho thấy sự bất định trong chiến lược của chính quyền mới gần 2 tháng tuổi này.

John Delury, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Yonsei ở Seoul, nhận định: “Nếu đó là thật, họ thực sự chưa có một chiến lược rõ ràng nào, ngừng xoay trục, nhưng lại chưa có chiến lược thay thế”.

Scott Snyder, giám đốc chương trình nghiên cứu chính sách Mỹ-Hàn tại Hội đồng quan hệ quốc tế tại New York, cũng cho rằng còn quá sớm để đánh giá về chính sách của chính quyền mới. “Chính quyền Tổng thống Trump sẽ thể hiện chính sách của mình bằng ngôn ngữ riêng”, chuyên gia Snyder nhận định.

Chuyên gia của Diplomat bình luận: “Không có lý do gì để Mỹ không thể hay không tiếp tục chính sách xoay trục sang châu Á, thậm chí ngay cả khi chính quyền Tổng thống Trump quyết định nghiêng hơn về phía Trung Quốc về các vấn đề kinh tế, thương mại. Chiếm một nửa dân số thế giới, gần 1/3 GDP toàn cầu, châu Á chắc chắn sẽ được coi là tâm điểm chú ý của Mỹ dưới bất kỳ thời tổng thống nào. Kể cả quan điểm “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump cũng phải gắn liền với các cơ hội ở khu vực này”.

Thực tế, khi thông báo ngừng chính sách xoay trục sang châu Á, bà Thornton vẫn nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ vẫn hiện diện và hoạt động tích cực tại châu Á. Nền kinh tế châu Á rất quan trọng đối với sự thịnh vượng và tăng trưởng của Mỹ. Do vậy, chúng tôi sẽ vẫn tới khu vực này để tìm kiếm hợp tác trong các vấn đề thương mại công bằng và tự do; ứng phó với các thách thức an ninh khu vực như vấn đề Triều Tiên; đồng thời tiếp tục thúc đẩy một trật tự ổn định, hòa bình, mang tính xây dựng và dựa trên pháp quyền ở châu Á”.

Minh Phương

Theo Diplomat, Stripes