1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

"Kẻ thù" gây ám ảnh cho cả Nga và Ukraine trên chiến tuyến

An Hoàng

(Dân trí) - Nôn mửa, xuất huyết từ mắt, tinh thần kiệt quệ là những hậu quả đáng sợ do nạn chuột hoành hành gây ra tại các chiến hào nơi tiền tuyến Ukraine - Nga.

Kẻ thù gây ám ảnh cho cả Nga và Ukraine trên chiến tuyến - 1

Binh sĩ Ukraine trong chiến hào bùn lầy (Ảnh: New York Times).

"Màn đêm buông xuống, bạn muốn đi ngủ nhưng lũ chuột bắt đầu bò vào trong quần áo và cắn bạn. Có tới cả nghìn con chuột trong hầm trú ẩn của 4 người lính. Chúng không đến thăm chúng tôi, chúng tôi mới là khách trong căn hầm này", Kira, nữ quân nhân Ukraine, kể lại trải nghiệm đáng sợ từ chiến hào ở Zaporizhia, miền Nam Ukraine mùa thu năm ngoái.

Kira cho biết cô và các đồng đội đã tìm mọi cách để đuổi lũ chuột, từ rắc thuốc độc, phun amoniac đến cầu nguyện. Họ cũng từng nuôi một con mèo để giúp bắt chuột, song, người bạn này cũng không thể đồng hành được lâu khi phải đối diện với sự áp đảo bởi 70 con chuột cùng một lúc.

Không chỉ ở hầm trú ẩn Kira, thực trạng này diễn ra dọc suốt tiền tuyến dài tới 1000km.

Các video được binh lính Ukraine và Nga chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy chuột nhắt ở khắp mọi nơi, quanh gầm giường, trong ba lô, máy phát điện, túi áo khoác và vỏ gối tại các căn cứ. Thậm chí, một tấm hình còn bắt được khoảnh khắc lũ chuột lao ra từ tháp súng cối của quân đội Nga như những viên đạn từ khẩu Browning.

Tình trạng bắt đầu vượt tầm kiểm soát khi Cơ quan Tình báo Quân sự Ukraine đưa báo cáo về một loạt những vấn đề về sức khỏe của người lính hồi tháng 12. Theo báo cáo, nhiều binh sĩ đã nhiễm "cơn sốt chuột" khi vô tình hít phải bụi phân chuột hoặc ăn phải phân chuột lẫn trong thức ăn.

Theo quân đội Ukraine, các triệu chứng của căn bệnh này bao gồm sốt, phát ban, huyết áp thấp, xuất huyết ở mắt, nôn mửa và các vấn đề về thận.

Tình báo Quốc phòng Ukraine cho biết, "cơn sốt chuột" đã làm giảm đáng kể khả năng chiến đấu của binh lính Nga, họ không chắc tình trạng tương tự có diễn ra đối với lực lượng Ukraine hay không.

Chính quyền Ukraine không nêu cụ thể tên loại bệnh đang tấn công các binh sĩ, tuy nhiên, báo cáo cho thấy chúng khá tương tự bệnh sốt thỏ, bệnh leptospirosis và hantavirus.

Thông tin này gợi nhớ về giai đoạn Thế chiến I, nơi chất thải và xác chết chất đống đã tạo điều kiện cho loài chuột hoành hành. Chúng thường hoạt động về đêm, đúng thời điểm các binh lính đang nghỉ ngơi khiến họ luôn trong tình trạng căng thẳng.

Trong Thế chiến I, số lượng chuột tăng lên khi xung đột trì trệ. Có những lo ngại rằng cuộc chiến của Nga ở Ukraine cũng gây ra điều tương tự. Người đứng đầu lực lượng vũ trang Ukraine, tướng Valery Zaluzhny, nói với Economist vào cuối năm ngoái: "Giống Thế chiến I, chúng ta đã đạt đến trình độ công nghệ khiến chúng ta rơi vào bế tắc".

Kẻ thù gây ám ảnh cho cả Nga và Ukraine trên chiến tuyến - 2

Bên trong một căn hầm của lực lượng Ukraine (Ảnh: Getty).

Ngoài vấn đề gây tổn hại cho sức khỏe binh lính, chuột còn tàn phá các trang thiết bị điện và quân sự. Kira cho biết chúng đã trèo được vào hộp kim loại và cắn nát dây điện, gây gián đoạn liên lạc.

"Bọn chuột nhai mọi thứ, radio, bộ lặp tín hiệu, dây điện. Chuột cắn nát dây điện nên ô tô không chạy được, thậm chí chúng còn phá cả bình xăng và bánh xe. Chỉ tính riêng tại chiến hào của chúng tôi, thiệt hại do lũ chuột đã lên tới 26.500 USD", Kira kể lại.

Zahorodniuk, nhà nghiên cứu tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Ukraine, nhấn mạnh việc "gián đoạn liên lạc có thể khiến nhiều binh sĩ thiệt mạng".

Lại thêm một mùa đông sắp tới, vấn nạn chuột hoành hành sẽ càng trở nên nghiêm trọng. Ông Zahorodniuk kêu gọi các bên hỗ trợ quân nhân tìm phương án giải quyết và cổ vũ họ vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Theo Reuters, Guardian, New York Times
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine