Israel oanh tạc 250 mục tiêu ở Gaza, Liên Hợp Quốc ra cảnh báo ngặt nghèo
(Dân trí) - Quân đội Israel tiếp tục ném bom dữ dội tại Gaza khi cuộc chiến với Hamas cán mốc 2 tháng. Liên Hợp Quốc cảnh báo cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza có thể làm ụp đổ trật tự công cộng.
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết họ đã tấn công khoảng 250 mục tiêu ở Gaza trong khoảng thời gian 24 giờ tính tới sáng 7/12.
Tại một khu dân cư ở Rafah, thị trấn nằm trên ranh giới của Gaza với Ai Cập, khoảng 20 người đã thiệt mạng trong các cuộc không kích nhằm vào 2 ngôi nhà. Nhân chứng nói phụ nữ và trẻ em nằm trong số người thiệt mạng.
"Chúng tôi luôn sống trong nỗi sợ hãi cho con cái, bản thân và gia đình mình", Dalia Abu Samhadaneh, người đang sống ở Rafah cùng gia đình sau khi chạy nạn khỏi Khan Younis, cho biết.
Samhadaneh nằm trong số 1,87 triệu người - hơn 80% dân số của Gaza - phải bỏ nhà cửa trong 2 tháng giao tranh, theo số liệu của Liên Hợp Quốc. Nhiều gia đình đã di chuyển nhiều lần và họ đang phải sống tại nơi trú ẩn tạm bợ chật chội.
Theo cơ quan y tế tại Gaza do Hamas điều hành, hơn 17.000 người đã thiệt mạng, hầu hết là phụ nữ và trẻ em, và hơn 46.000 người bị thương. Nhiều người khác đang bị mắc kẹt dưới đống đổ nát.
Cơ quan y tế này hôm 7/12 cho biết khoảng 350 người Palestine đã thiệt mạng và 1.900 người bị thương trong 24 giờ trước đó.
Ở đầu phía bắc của Dải Gaza, giao tranh ác liệt diễn ra ở trại tị nạn Jabaliya.
IDF cho biết binh sĩ Israel đột kích vào một khu nhà của Hamas, tiêu diệt "một số" chiến binh và phát hiện ra mạng lưới đường hầm. Trong khi đó, Al Jazeera nói một nhà báo của họ đã mất 22 thành viên gia đình trong cuộc tấn công ở Jabaliya.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres cảnh báo rằng an ninh trật tự ở Gaza có thể sẽ "sớm sụp đổ hoàn toàn do điều kiện sống tuyệt vọng". Các cơ quan viện trợ cũng cho biết nguồn cung nhu yếu phẩm gần như đã cạn kiệt kể từ khi lệnh ngừng bắn kết thúc hôm 1/12.
Theo Oxfam, người dân Gaza đang buộc phải tranh giành những nhu yếu phẩm cơ bản như thức ăn, nước uống và nhiên liệu.
"Sự hỗn loạn mang tính hệ thống đã áp đảo hệ thống nhân đạo quốc tế… Cái gọi là vùng an toàn của Israel ở Gaza chỉ là một ảo ảnh: Không được bảo vệ, không được đồng ý hoặc tin tưởng, không có hàng viện trợ và không thể tiếp cận", Marta Valdés García, Giám đốc nhân đạo Oxfam, nói.
Tiến sĩ Christos Christou, Chủ tịch quốc tế Médecins Sans Frontières ("Bác sĩ không biên giới"), cho biết Gaza phải đối mặt với thảm họa vượt xa cuộc khủng hoảng nhân đạo.
"Tôi vô cùng lo lắng là chẳng bao lâu nữa người dân sẽ rơi vào trạng thái cố gắng sinh tồn và điều này sẽ gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng", ông nói.
Israel cho biết họ sẽ mở cửa khẩu Kerem Shalom từ Israel tới Gaza để kiểm tra các xe tải viện trợ nhân đạo kể từ khi chiến sự bùng nổ.
Giám đốc viện trợ Liên Hợp Quốc Martin Griffiths cho biết có "những dấu hiệu đầy hứa hẹn" rằng cửa khẩu Kerem Shalom, tuyến đường vận chuyển hơn 60% lượng xe tải đi vào Gaza trước chiến tranh, có thể sớm được mở lại.
Đại tá Elad Goren, thuộc văn phòng liên lạc quân sự Cogat của Israel với người Palestine, không đưa ra ngày mở cửa khẩu cụ thể. Người này cho biết cửa khẩu Kerem Shalom sẽ được dùng để tăng khả năng kiểm tra xe tải viện trợ, nhưng không cho phép viện trợ trực tiếp đi vào Gaza.