1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Lao động châu Á sẵn sàng trở lại Israel bất chấp chiến sự

Quốc Đạt

(Dân trí) - Một số người Thái Lan sẵn sàng trở lại Israel để kiếm mức lương cao gấp nhiều lần ở quê nhà. Người Sri Lanka cũng có thể lấp lỗ hổng lao động ở đất nước Trung Đông đang chiến đấu với Hamas.

Lao động châu Á sẵn sàng trở lại Israel bất chấp chiến sự - 1

Các con tin Thái Lan được thả trước đó ôm những người đồng hương mới được trả tự do tại Trung tâm Y tế Shamir ở Israel (Ảnh: Bộ Ngoại giao Thái Lan).

Khi hàng chục con tin Thái Lan được Hamas trả tự do sau nhiều tuần giam giữ ở Gaza cũng là lúc Panaphan Klongsuwan, 37 tuổi, đặt vé trở lại Israel, nơi đang thiếu lao động trầm trọng sau khi chiến tranh bùng nổ.

"Hầu hết nhà tuyển dụng đều tăng gấp đôi lương cho những người quay lại", người lao động nông nghiệp vừa từ Israel về Thái Lan vào ngày 7/11 theo lịch nghỉ phép nói với SCMP.

39 người đồng hương của Panaphan đã thiệt mạng khi Hamas tấn công Israel, và hàng chục người khác bị bắt làm con tin. Nhưng Panaphan vẫn kiên quyết trở lại Israel vào ngày 4/12 để nắm bắt cơ hội thoát khỏi cái nghèo đang bủa vây hàng triệu người vùng nông thôn Thái Lan.

"Cơ hội không chờ đợi… ngân hàng cũng không chờ đợi", anh nói khi đứng tại quê hương Phrae, ở miền bắc Thái Lan. "Các khoản vay mua nhà, mua ô tô đều do bố tôi đứng tên nên khoản nợ thuộc về bố tôi. Tôi kiếm sống thay cho cả gia đình và tôi sẽ làm việc để trả hết nợ".

Nỗ lực thoát nghèo

Trước chiến tranh, khoảng 30.000 người lao động Thái Lan đăng ký làm việc tại Israel với thu nhập khoảng 1.420-1.700 USD/người/tháng, gấp nhiều lần mức thu nhập làm nông ở quê nhà.

Một số người Thái còn lao động chui nhưng chưa rõ số lượng nhóm này, bao gồm ít nhất 4 con tin. Chủ lao động của các con tin được cho là ban đầu đã chần chừ không muốn báo họ mất tích.

Lao động châu Á sẵn sàng trở lại Israel bất chấp chiến sự - 2

Một người lao động nông nghiệp Thái Lan đang làm việc trên cánh đồng gần thành phố Beersheba miền trung Israel vào năm 2021 (Ảnh: AFP).

Người lao động và tổ chức phi chính phủ cho biết điều kiện sống và làm việc ở các trang trại từ trước tới nay vẫn rất khó khăn, với những lá đơn khiếu nại vì bị quỵt lương làm thêm giờ và các khoản nợ phải trả cho người môi giới.

Nhưng những khoản nợ mua nhà, mua xe, học phí và nghĩa vụ báo hiếu vẫn tiếp tục thôi thúc những người nông dân trẻ - sống tại các ngôi làng xa xôi với thu nhập hàng ngày hiếm khi vượt quá 10 USD - lên đường xuất khẩu lao động.

Chính phủ Thái Lan không khuyến khích công dân quay trở lại nơi đang có chiến tranh, sau khi Ngoại trưởng Thái Lan Panpree Bahiddha-nukara đã dành nhiều tuần ngoại giao con thoi không mệt mỏi để đàm phán thả con tin và sơ tán thêm hàng nghìn công nhân khỏi Israel.

"Chính phủ đã mất nhiều nguồn lực để giúp người lao động Thái Lan thoát khỏi vùng chiến sự", Veerapong Injai, thuộc Sở Lao động Phrae tại quê nhà của ông Panaphan, cho biết. "Chúng tôi không khuyến khích bất kỳ ai trong số họ quay trở lại vào lúc này".

Sri Lanka có thể lấp khoảng trống

Các trang trại Israel chủ yếu tập trung ở miền trung và miền nam đất nước. Trước ngày 7/10, hoạt động của những nơi này dựa vào sức lao động của hàng nghìn người lao động Thái Lan và Palestine.

Nhưng nhiều người Thái đã bỏ chạy sau cuộc tấn công của Hamas, trong khi người Palestine phần lớn bị tẩy chay, khiến các trang trại rơi vào cảnh thiếu lao động trầm trọng khi mùa thu hoạch đang đến gần.

Danh sách những công dân châu Á thiệt mạng trong vụ tấn công của Hamas còn bao gồm 10 người Nepal và 4 người Philippines. Đây là minh chứng cho thấy lực lượng lao động nhập cư đông đảo từ châu Á đang cung cấp "năng lượng" cho nền nông nghiệp và các nhà máy của Israel.

Lao động châu Á sẵn sàng trở lại Israel bất chấp chiến sự - 3

Binh sĩ Israel khiêng thi thể ở làng Kfar Azza của Israel, gần hàng rào an ninh với Gaza, sau vụ tấn công của Hamas (Ảnh: New York Times).

Trong bối cảnh Israel thiếu lao động, Sri Lanka có thể lấp khoảng trống ấy.

Khoảng 20.000 người lao động Sri Lanka sẽ sớm đến Israel với hy vọng kiếm tiền gửi về đất nước có nền kinh tế đang bị tàn phá. Israel từ trước đã có khoảng 8.000 người lao động Sri Lanka, phần lớn làm nghề chăm sóc và làm nông.

Chính phủ Sri Lanka cũng mong muốn thu được lợi ích từ kiều hối.

Kể từ năm 2019, Sri Lanka đã phải vật lộn để đối phó với cuộc khủng hoảng nợ nước ngoài nghiêm trọng, lạm phát cao, thâm hụt tài chính gia tăng và đồng tiền suy yếu. Hơn 300.000 người Sri Lanka đã rời bỏ quê hương để tìm kiếm cơ hội việc làm tốt.

"Người Sri Lanka thích ở lại làm việc ở Israel… và chính phủ không khuyến khích họ quay trở lại", Adhikari Jayaratne, Chủ tịch Liên minh các Công đoàn Độc lập Công ích, cho biết. "Chính phủ không áp đặt bất cứ hạn chế nào đối với người lao động muốn tìm việc làm ở Israel".

Quyết định của Colombo đã làm dấy lên cuộc tranh luận trong nước về sự an toàn của người lao động nhập cư. Chính phủ Sri Lanka bảo vệ quyết định của mình và cho rằng đây là một phần của thỏa thuận lao động hiện có với Israel.

Punsara Amarasinghe, một học giả về luật pháp quốc tế và quan hệ Israel - Sri Lanka, đánh giá rằng Israel là "điểm đến phổ biến" do các thỏa thuận xuất khẩu lao động giữa 2 nước. Ngoài ra, thái độ phân biệt đối xử ở các nước Trung Đông khác cũng là yếu tố thúc đẩy lao động Sri Lanka chọn Israel.

"Họ coi Israel là lộc trời cho vì quyền làm việc của họ được bảo vệ", ông Amarasinghe nói.

Lao động châu Á sẵn sàng trở lại Israel bất chấp chiến sự - 4

Natthawaree Mulkan (phải), người phụ nữ Thái Lan duy nhất bị Hamas bắt làm con tin, ở Tel Aviv sau khi được trả tự do (Ảnh: Bộ Ngoại giao Thái Lan).

Rủi ro cao, phần thưởng cao

Tại tỉnh Khon Kaen phía đông bắc Thái Lan, những tuần sau ngày 7/10 thật khó khăn với ngôi làng bé nhỏ Khok Samran, quê hương của Natthavaree - người phụ nữ Thái Lan duy nhất bị Hamas bắt cóc nhưng được trả tự do gần đây.

Natthavaree đã làm việc ở Israel được 4 năm, mẹ cô kể và cho biết thêm rằng bà cũng có một cậu con trai làm việc chui trong ngành nông nghiệp tại Hàn Quốc.

Boonyarin Srijun, người mẹ 56 tuổi của Natthavaree, nói: "Chúng nó thấy mình chẳng là ai ở quê hương nhưng lại được các nhà tuyển dụng ở nước ngoài chiêu mộ, trở thành trụ cột gia đình". Hai người con của bà Boonyarin sẽ gửi về khoảng 2.000 USD/tháng.

Khi ngôi làng chào đón sự trở lại của Natthavaree, trưởng làng nói rằng không có gì ngạc nhiên khi người dân vùng Isan vẫn đang tìm cách rời đi, thậm chí đến Israel.

"Chúng tôi thà tìm cách thoát nghèo còn hơn sống ăn xin cả đời", trưởng làng Shane Rienthong, người đàn ông 60 tuổi từng xuất khẩu lao động ở Israel, Hàn Quốc và đảo Đài Loan, nói.

"Chúng tôi ra nước ngoài làm việc vì chúng tôi không có trình độ học vấn", ông nói. "Tài sản duy nhất của chúng tôi là sức lao động".

Theo SCMP