1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Israel mở nhiều mặt trận, cuộc chiến quyền lực Trung Đông nóng rực

Minh Phương

(Dân trí) - Israel đang cùng lúc tiến hành cuộc chiến trên nhiều mặt trận với tham vọng làm suy yếu "trục kháng chiến" do Iran dẫn dắt, tạo ra một trật tự mới ở Trung Đông.

Israel mở nhiều mặt trận, cuộc chiến quyền lực Trung Đông nóng rực - 1

Binh sĩ Israel trên một xe tăng gần Gaza (Ảnh: Getty).

Cuộc chiến trên nhiều mặt trận của Israel

"Ngày hôm nay, Israel đang tự vệ trên 7 mặt trận", Thủ tướng Benjamin Netanyahu phát biểu hôm 5/10.

Bảy chiến tuyến này gồm lực lượng Hezbollah ở Li Băng, phong trào Hamas ở Dải Gaza, Houthi ở Yemen, lực lượng Palestine ở Bờ Tây cùng lực lượng dân quân Shiite ở Iraq, Syria, và hơn cả là Iran.

Gần một năm sau khi xung đột với Hamas ở Gaza nổ ra và chưa có dấu hiệu lắng xuống, Israel tiếp tục tuyên bố giai đoạn mới trong cuộc chiến chống Hezbollah. Kể từ cuối tháng 9, Israel dồn dập tấn công các mục tiêu Hezbollah bên trong lãnh thổ Li Băng cả trên bộ và trên không.

Đáng chú ý là Israel đang tiến hành một chiến dịch truy lùng gắt gao chưa từng có nhằm loại bỏ các thủ lĩnh, chỉ huy cấp cao của Hamas, Hezbollah trong một nỗ lực nhằm làm suy yếu, gây xáo trộn hàng ngũ lãnh đạo của các lực lượng này.

Theo các nhà phân tích, sở dĩ Israel lựa chọn tấn công trên nhiều mặt trận cùng một lúc là bởi Israel cần những chiến thắng quân sự mang tính quyết định, khôi phục khả năng răn đe đã bị phá vỡ bởi cuộc tấn công ngày 7/10/2023 của Hamas, sự kiện "bẽ mặt" đối với lực lượng an ninh, tình báo Israel.

Tấn công trên nhiều mặt trận cũng là một phần trong kế hoạch của Israel với tham vọng thay đổi cán cân quyền lực Trung Đông trong nhiều năm tới.

Israel đã dành nhiều năm để chuẩn bị cho một cuộc chiến đa mặt trận. Các làn sóng tấn công của Israel nhằm vào Gaza, Li Băng hay những cuộc đáp trả Iran cho thấy tình báo Israel đã thâm nhập rộng rãi vào mạng lưới của "Trục kháng chiến" bao gồm Iran, Syria, Hamas, Hezbollah, Houthi và một số nhóm vũ trang khác ở khu vực Trung Đông.

Israel cho rằng thời điểm hiện nay là cơ hội tốt và không thể bỏ lỡ để giáng đòn quyết định vào Iran và các lực lượng ủy nhiệm.

Năng lực quân sự của Hamas ngày càng suy giảm sau một năm xung đột, trong khi tình báo của Israel dường như đã xâm nhập sâu vào Iran, nơi thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh bị ám sát ngay giữa thủ đô Tehran. Điều này cho phép Israel mở thêm mặt trận chống lại Hezbollah ở Li Băng, đồng minh lâu đời nhất của Iran trong khu vực và là mối đe dọa thường trực trên sườn phía Bắc Israel.

"Các đòn tấn công đã khiến Hezbollah choáng váng. Đó là bằng chứng cho thấy Israel đã chuẩn bị nhiều năm, bao gồm thu thập thông tin tình báo, diễn tập quân sự, kế hoạch tác chiến được tinh chỉnh và hệ thống phòng không đa tầng", Washington Post nhận định.

Hiện giờ, Israel sẵn sàng mở rộng chiến dịch trên bộ, nhắm đến những mục tiêu của Hezbollah nằm sâu trong lãnh thổ Li Băng. Hezbollah dù đã tích lũy kho vũ khí lên tới 150.000 tên lửa sau nhiều năm, song không rõ họ có thể sử dụng chúng hiệu quả như thế nào khi đội ngũ lãnh đạo và hàng nghìn thành viên thương vong.

Chỉ trong vài tuần, các cuộc không kích và hoạt động tình báo của Israel đã phá hủy cơ sở hạ tầng dầu mỏ của lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn tại Yemen và gây tổn thất nặng nề cho Hezbollah, một trong những lực lượng vũ trang mạnh nhất Trung Đông.

Bất chấp thực tế này, phản ứng của Iran đến nay vẫn tương đối hạn chế. Phản ứng đáng chú ý nhất của Iran đến nay chỉ là 2 cuộc tấn công tên lửa vào Israel hồi tháng 4 và tháng 10, nhưng phản ứng như vậy được cho là chưa đáng kể so với những gì Israel đã làm.

Iran đang phải đối mặt với một tình thế lưỡng nan. Nếu Iran không trực tiếp giúp đỡ Hamas và đứng bên lề khi Hezbollah bị Israel oanh tạc, thì các đồng minh của họ cảm thấy bị phản bội, trong khi Israel tiếp tục vượt lằn ranh đỏ.

Mặt khác, nếu Iran trực tiếp tham gia vào một cuộc chiến với Israel, nó có thể lôi kéo Mỹ và một số nước phương Tây vào xung đột. Washington tuyên bố không muốn bị cuốn thêm vào bất kỳ cuộc chiến nào nữa ở Trung Đông, song họ cũng cam kết sẽ bảo vệ Israel.

Tất cả điều này càng khiến Israel có động lực tiếp tục chiến lược nhằm xóa sổ các nhóm ủy nhiệm của Iran, làm suy yếu tầm ảnh hưởng của Iran ở khu vực. Xu hướng đó khiến những nỗ lực của Mỹ và các đồng minh Ả rập thuyết phục Israel tìm giải pháp ngoại giao gần như vô ích.

Giấc mơ thay đổi trật tự Trung Đông

Israel mở nhiều mặt trận, cuộc chiến quyền lực Trung Đông nóng rực - 2

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (Ảnh: AFP).

Cán cân quyền lực ở Trung Đông đang bắt đầu thay đổi theo hướng Israel dường như đã đạt được một số lợi ích chiến thuật đáng kể, làm suy yếu ảnh hưởng của trục Iran dẫn dắt trong khu vực.

Những bước tiến này khiến Israel tin rằng họ đang tiến gần hơn đến mục tiêu thay đổi trật tự ở Trung Đông, loại bỏ mối đe dọa dai dẳng.

Tuy nhiên, nhà phân tích tại Viện nghiên cứu Chatham House, ông Sanam Vakil, cảnh báo: "Lịch sử chỉ ra rằng một chiến thắng quân sự chưa bao giờ mang lại an ninh cho Israel mà họ mong muốn".

Ông Meir Javedanfar, một chuyên gia nghiên cứu về Iran, cho rằng Iran sẽ xem xét lại những tính toán chiến lược sau khi hàng loạt thủ lĩnh Hamas, Hezbollah bị hạ sát. Họ có thể đang tính đến một thực tế rõ ràng là "không có ranh giới đỏ" nào mà Israel không sẵn sàng vượt qua trong cuộc chiến bóng tối với Iran và nó sẽ phá vỡ sự kiên nhẫn chiến lược của Tehran.

Khi đó, không loại trừ khả năng Iran tính đến phương án thúc đẩy hạt nhân. Iran rõ ràng đã mất Hamas và Hezbollah trong vai trò răn đe hiệu quả, có nghĩa là ngày càng nhiều nhân vật trong giới cầm quyền Iran muốn phát triển vũ khí hạt nhân để đảm bảo sự tồn vong của đất nước.

Trước khi xung đột Israel - Hezbollah nổ ra, giới chức Iran đã bày tỏ mong muốn quay trở lại đàm phán với Mỹ về tham vọng hạt nhân của họ. Tuy nhiên, giờ đây khi tình hình Trung Đông ngày càng leo thang, các cuộc đàm phán này đã rơi vào bế tắc.

Trong khi đó, Hezbollah dù đã suy yếu nhưng vẫn có khả năng sử dụng năng lực còn sót lại để giáng đòn vào các thành phố lớn của Israel.

Israel có thể nghĩ đến một trật tự mới ở Trung Đông nhưng vẫn chưa thể tìm câu trả lời cho việc Gaza sẽ được quản lý như thế nào hậu xung đột. Một khi vấn đề đó chưa được giải quyết, Gaza vẫn là mối đe dọa thường trực và khiến Israel hao tổn nguồn lực. Một câu hỏi khác là liệu khoảng trống do Hezbollah để lại ở Li Băng sẽ được lấp đầy ra sao. Một khu vực đầy hỗn loạn chắc chắn là rủi ro mà Israel không hề mong muốn.

Do vậy, vấn đề của Israel là cần tìm ra một giải pháp chính trị khả thi có thể phá vỡ vòng xoáy bạo lực bất tận.

Theo Financial Times, Foreign Affairs, AP, BBC