1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

"Bẫy leo thang" khiến Israel mắc kẹt trong cuộc chiến ở Trung Đông

Thành Đạt

(Dân trí) - Mặc dù chiếm ưu thế về sức mạnh quân sự ở Trung Đông, nhưng Israel dường như thiếu một chiến lược rõ ràng để chấm dứt xung đột.

Bẫy leo thang khiến Israel mắc kẹt trong cuộc chiến ở Trung Đông - 1

Xe tăng Israel (Ảnh: Getty).

Một năm sau cuộc tấn công của lực lượng Hamas vào ngày 7/10/2023, Israel đã bị cuốn vào một cuộc chiến tranh đa mặt trận bao gồm Iran, Li Băng, Gaza, Iraq và Syria.

Theo các chuyên gia an ninh, mặc dù Israel có thể có ưu thế quân sự trong khu vực, nhưng nước này lại thiếu một tầm nhìn chiến lược rõ ràng, dài hạn để chấm dứt xung đột ở Trung Đông.

Tuần này, Israel tuyên bố mở rộng chiến dịch tấn công trên bộ ở Li Băng bằng cách bổ sung thêm sư đoàn thứ tư.

Trong khi đó, Israel vẫn tăng cường các cuộc không kích vào Gaza và Li Băng, bao gồm tấn công các mục tiêu tình báo của lực lượng Hezbollah và một cơ sở lưu trữ vũ khí của Hezbollah ở thủ đô Beirut của Li Băng trong tuần này.

Israel cũng đang cân nhắc đáp trả Iran sau cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo của Tehran vào tuần trước. Các mục tiêu có thể bao gồm các địa điểm hạt nhân, cơ sở dầu mỏ và căn cứ quân sự của Iran.

Các nhà phân tích an ninh cho rằng, lực lượng phòng vệ Israel đã đạt được một loạt bước tiến chiến thuật trong những tuần gần đây, nhưng vẫn thiếu một chiến lược quân sự rõ ràng.

Burcu Ozcelik, nhà nghiên cứu cấp cao về an ninh Trung Đông tại viện nghiên cứu RUSI, cho biết các hoạt động quân sự của Israel càng kéo dài, việc vạch ra cách chấm dứt xung đột càng trở nên "cấp bách".

"Đây là sự thiếu thống nhất về mặt chiến lược ở tất cả các bên trong cuộc xung đột đa mặt trận này", bà Ozcelik cho biết.

Trong bài phát biểu vào đầu tuần này, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết Israel đang đạt được các mục tiêu chiến tranh một năm sau các cuộc tấn công của Hamas. Ông liệt kê các mục tiêu như xóa sổ chính quyền Hamas, đưa tất cả con tin về nhà, loại bỏ mọi mối đe dọa từ Gaza nhằm vào Israel và đưa người dân ở miền nam và miền bắc Israel trở về nhà an toàn.

Tuy nhiên, Bashir Abbas, một chuyên gia tại Trung tâm Stimson, nói rằng Israel vẫn còn nhiều việc phải làm để theo đuổi an ninh quốc gia.

"Ngay cả ở Gaza, Israel vẫn chưa đưa ra một chiến lược dài hạn nào cho an ninh của họ, ngoài việc xóa sổ Hamas, trong khi mục tiêu này hầu như không thể thực hiện được khi xem xét bản chất của các nhóm vũ trang", ông Abbas nhận định.

"Không thể cứ ném bom Hamas cho đến khi lực lượng này biến mất và phá hủy họ", Chris Doyle, giám đốc của tổ chức phi chính phủ Council for Arab British Understanding, nhận định.

Mặc dù ông nói rằng Israel có thể làm suy yếu năng lực của Hamas, nhưng cuối cùng, "làm sao Israel có thể chung sống với 7 triệu người Palestine sau tất cả những gì Israel đã làm với họ?".

Theo chuyên gia Doyle, "phải có nền tảng, một thỏa thuận chính trị và chiến lược, tức là một lệnh ngừng bắn được chấp thuận". Ông cũng đưa ra quan điểm tương tự đối với lực lượng Hezbollah tại Li Băng.

"Israel đã tấn công Li Băng vào năm 1978 và 1982, hậu quả của việc này là sự ra đời của Hezbollah 42 năm sau đó. Israel không chỉ chiến đấu với Hezbollah, lực lượng sở hữu kho vũ khí tên lửa khổng lồ đủ loại", ông nói thêm.

"Bẫy leo thang"

Bẫy leo thang khiến Israel mắc kẹt trong cuộc chiến ở Trung Đông - 2

Vị trí Israel ở Trung Đông (Ảnh: BBC).

Anthony Pfaff, giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược tại Trường Cao đẳng Chiến tranh Lục quân Mỹ, cho rằng Israel có thể bị mắc kẹt trong cái mà ông gọi là "bẫy leo thang".

"Nếu Israel leo thang căng thẳng, điều đó sẽ thúc đẩy vòng xoáy leo thang. Tại một thời điểm nào đó, nó sẽ vượt quá khả năng kiểm soát quân sự của họ", chuyên gia Pfaff cho biết.

Tuy nhiên, nếu Israel chọn giữ nguyên hiện trạng, họ sẽ không làm được gì nhiều để cải thiện tình hình an ninh của mình.

"Không phương án nào giúp đạt được các mục tiêu an ninh của Israel, điều này sẽ đại diện cho thất bại của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) và có thể đe dọa đến sự tồn vong của chính phủ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu", Pfaff cảnh báo.

Theo chuyên gia Doyle, hiện không có hoạt động nào của IDF "nằm trong một chiến lược rõ ràng với các mục tiêu có thể đạt được, để mang lại năng lực và hòa bình lớn hơn cho Israel, cho dân thường Israel". Thay vào đó, tình hình này sẽ "làm leo thang xung đột, nhưng không có bất kỳ lối thoát nào".

Cuộc xung đột ngày càng kéo dài đã làm dấy lên nỗi lo ngại về một cuộc chiến tranh toàn diện ở Trung Đông, có thể gây ra lạm phát và dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu.

Trước cuộc tấn công của Israel vào Li Băng hồi tháng trước, bộ trưởng tài chính Israel đã mô tả cuộc chiến này là cuộc xung đột "dài nhất" và "tốn kém nhất" trong lịch sử Israel, với chi phí "trực tiếp" khoảng 54 tỷ đến 68 tỷ USD.

Ngân hàng Israel ước tính vào tháng 5 rằng chi phí phát sinh từ cuộc chiến sẽ lên tới khoảng 66 tỷ USD cho đến cuối năm sau, tương đương khoảng 12% GDP của Israel, theo CNN.

Edmund Fitton-Brown, cố vấn cấp cao của Dự án Chống chủ nghĩa cực đoan, cho biết lập trường của Thủ tướng Netanyahu đối với một thỏa thuận hòa bình có thể phụ thuộc vào việc ai sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11.

Trong khi cựu Tổng thống Donald Trump sẽ trao cho ông Netanyahu "toàn quyền" để làm mọi thứ theo cách của riêng mình, Phó tổng thống Kamala Harris sẽ thúc đẩy "thái độ xây dựng đối với lệnh ngừng bắn và các tiến trình hòa bình".

"Tôi nghĩ rằng chúng ta đang tiến gần hơn nhiều đến thời điểm bắt đầu của cuộc xung đột này so với thời điểm kết thúc. Sẽ có một chính quyền mới và điều đó sẽ có nhiều tác động đến chiến lược của chúng tôi", cựu quan chức Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Daniel Hoffman nói.

Theo BI, Newsweek