Iran liên tiếp tập kích Israel: Lý do "bức màn thép" của Tel Aviv mỏng dần
(Dân trí) - Chuyên gia giải mã lý do tỷ lệ đánh chặn tên lửa Iran của phía Israel đang có dấu hiệu giảm dần.

Tên lửa Iran trong một cuộc diễn tập (Ảnh: Reuters).
Cuối tuần trước, NBC News dẫn lời một quan chức cấp cao tình báo Israel cho biết, tỷ lệ đánh chặn tên lửa Iran của phía Tel Aviv đã giảm từ gần 90% xuống 65%.
Hình ảnh từ thực địa cho thấy, tuy số lượng tên lửa Iran phóng đi đã giảm bớt theo từng ngày, nhưng Israel vẫn chịu thiệt hại tương đối nghiêm trọng khi hỏa lực đối thủ phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng và gây thương vong.
Sự sụt giảm tỷ lệ đánh chặn trùng khớp với các bài báo của Wall Street Journal và Newsweek về nỗi lo kho tên lửa đánh chặn Arrow của Israel đang dần cạn kiệt. Mặc dù vậy, Israel sau đó lên tiếng bác bỏ thông tin họ đang hết tên lửa đánh chặn.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tỷ lệ đánh chặn tên lửa của Israel giảm có thể có 3 yếu tố: Thiếu tên lửa đánh chặn do sử dụng quá mức, Iran dùng tên lửa hiện đại và khó đánh chặn hơn và cuối cùng là, sự kết hợp của 2 yếu tố nói trên.
Trong trường hợp đầu tiên, Israel có thể đang ưu tiên giữ lại tên lửa đánh chặn cho các mục tiêu chiến lược, và bỏ qua những tên lửa có quỹ đạo ít nguy hiểm hơn của Iran, điều này làm giảm tỷ lệ đánh chặn tổng thể.
Newsweek cho biết Iran đã triển khai tên lửa siêu vượt âm, với tốc độ cao và khả năng cơ động khiến các hệ thống phòng thủ có rất ít thời gian phản ứng.
Một quan chức tình báo Israel xác nhận: “Nếu trước đây chúng tôi có 10-11 phút cảnh báo, thì sáng nay chỉ còn 6-7 phút để chuẩn bị".
Tên lửa nhanh gấp 15 lần âm thanh của Iran làm khó lá chắn thép Israel (Video: Wion).
Ngoài ra, Israel nói rằng Iran đã sử dụng tên lửa mang đa đầu đạn trong một đợt tấn công gần đây. Đầu đạn chính tách ra ở độ cao 7km, giải phóng các đầu đạn phụ, mỗi đầu mang theo 2,5 kg thuốc nổ và rải trong khu vực bán kính 16km.
Tên lửa Khorramshahr-4 của Iran được cho là có khả năng mang nhiều đầu đạn như vậy.
Khác với các đầu đạn phân hướng độc lập (MIRV), đạn chùm không nhắm vào nhiều mục tiêu xa nhau, mà được dùng để phá hủy một khu vực rộng. Chúng tách ra ở giai đoạn cuối (giai đoạn rơi) của quỹ đạo.
Tên lửa đánh chặn nhỏ, nhanh và tầm ngắn là cần thiết để tiêu diệt các đầu đạn nhỏ, trong khi tên lửa như Arrow 2/3, vốn được thiết kế để đánh chặn tên lửa tầm xa ở ngoài khí quyển, không phù hợp với loại mục tiêu này.
Hiện chưa có bằng chứng xác thực cho thấy Iran sở hữu công nghệ MIRV, nhưng việc sử dụng đạn chùm vừa nhằm gây thiệt hại, vừa làm hao mòn kho tên lửa đánh chặn tầm ngắn của Israel.
Một nguyên nhân khác khiến tỷ lệ đánh chặn giảm có thể là Iran sử dụng tác chiến điện tử để đánh lừa hệ thống phòng thủ Israel.
Ngày 16/6, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) tuyên bố đã dùng “kỹ thuật mới” khiến các hệ thống phòng không Israel tấn công lẫn nhau.
Hãng Tasnim dẫn lời IRGC: “Nhờ phương pháp và trang bị mới, hệ thống chỉ huy phòng thủ đa tầng của đối thủ bị rối loạn, dẫn đến việc đánh nhầm mục tiêu".
Mặc dù chưa có bằng chứng hình ảnh rõ ràng xác thực tuyên bố này, về mặt kỹ thuật, việc can thiệp tín hiệu điều khiển của tên lửa đánh chặn là hoàn toàn khả thi, đặc biệt trong môi trường tác chiến điện tử nặng.
Cần nhắc lại rằng Iran từng thể hiện năng lực tác chiến điện tử và gây nhiễu GPS rất đáng gờm, nổi bật nhất là vụ tịch thu được UAV tàng hình RQ-170 của Mỹ năm 2011, được cho là nhờ đánh lừa tín hiệu GPS.