Cựu đô đốc Mỹ:
"Thế giới không nên làm ngơ trước sự gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông"
(Dân trí) - Cựu đô đốc Mỹ James Stavridi cho rằng, Trung Quốc dường như đang thay đổi chiến lược, gia tăng gây hấn ở Biển Đông trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động.
Hãng tin Nikkei Asia của Nhật Bản cuối tuần qua đã đăng tải một bài bình luận với tiêu đề "Thế giới không nên làm ngơ trước sự gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông" của Đô đốc James Stavridi, cựu chỉ huy lực lượng NATO ở châu Âu.
Mở đầu bài viết, ông James Stavridi nhận định, trong hai thập niên qua, chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông đã gợi nhớ đến binh pháp Tôn Tử rằng “không đánh cũng có thể khiến đối phương khuất phục". Tuy nhiên, theo ông Stavridi, trong giai đoạn hỗn loạn hiện nay, sự kiên nhẫn đó đang bắt đầu thay đổi khi Trung Quốc gia tăng gây hấn giữa lúc vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ mờ nhạt dần.
Ông Stavridi viết, gần đây nhất, Trung Quốc đã dùng lực lượng hải quân để gây sức ép với các nước trong khu vực. Cách đây một tháng, một tàu hải cảnh Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá của Việt Nam - một hành động bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ.
Trung Quốc cũng gia tăng các tình huống đối đầu với tàu chiến Mỹ như tiếp cận ở cự ly gần, đưa tàu chiến Mỹ vào tầm ngắm của radar. Trong bối cảnh Trung Quốc về cơ bản đã kiểm soát được dịch Covid-19 và nhanh chóng khôi phục kinh tế, Bắc Kinh dường như đang tìm cách bành trướng quyền lực mềm thông qua việc dành các ưu đãi kinh tế cho các nước ở khu vực Biển Đông.
Ông Stavridi đặt ra câu hỏi làm thế nào để ngăn chiến lược mới của Trung Quốc nhằm củng cố sự kiểm soát đối với Biển Đông. Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền phi lý với hầu hết Biển Đông bất chấp phán quyết của tòa án quốc tế cũng như sự phản đối của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Để ngăn chặn sự bành trướng này của Trung Quốc, Mỹ đã triển khai chiến lược tuần tra “tự do hàng hải” nhằm thách thức các tuyên bố chủ quyền phi lý, các hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã ra sức mở rộng biên đội tàu chiến, tăng cường kho dự trữ trên lửa hành trình siêu thanh - sát thủ của tàu sân bay, và cải tiến công nghệ lặn ngầm. Chiến lược ở Biển Đông của Trung Quốc càng trở nên hung hăng hơn do tác động từ yếu tố chính trị trong nước.
Với các nước khác, việc lựa chọn cũng trở nên khó khăn hơn. Không ai mong muốn một cuộc chiến tranh lạnh toàn diện hay một cuộc chiến đổ máu với Trung Quốc. Tuy nhiên, theo ông Stavridi, để tránh điều này trong khi vẫn có thể ngăn các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông, thế giới cần tăng sức ép cả về kinh tế, chính trị cũng như sức răn đe quân sự với Bắc Kinh.
Điều này có nghĩa là Mỹ nên thúc đẩy các nước lên án ngoại giao với Trung Quốc. Về khía cạnh quân sự, không chỉ Mỹ mà các đồng minh của Mỹ, trong đó có các nước thành viên NATO như Anh, Pháp, nên tăng cường các hoạt động tuần tra tự do hàng hải. Về mặt kinh tế, nếu Trung Quốc tiếp tục các hành động gây hấn nguy hiểm trên Biển Đông, các nước cần gây sức ép cho Bắc Kinh bằng các lệnh trừng phạt. Cuối cùng, đối đầu có thể xảy ra ở không gian mạng do vậy các nước phải có phòng thủ mạnh để ngăn các mối đe dọa từ Trung Quốc.
Minh Phương
Theo Nikkei Asia