1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Indonesia tin tưởng đã định vị được hộp đen phi cơ AirAsia

(Dân trí) - Một tàu tuần tra của hải quân Indonesia đã tìm thấy vật thể "có khả năng cao" là đuôi máy bay QZ8501, bộ phận chứa hộp đen ghi dữ liệu của chiếc phi cơ gặp nạn.

Lực lượng tìm kiếm đã tìm thấy ghế máy bay trong ngày 6/1. (Ảnh:

Lực lượng tìm kiếm đã tìm thấy ghế máy bay trong ngày 6/1. (Ảnh: CNA)
 
Tờ Guardian dẫn lời thuyền trưởng tàu tuần tra Indonesia Yayan Sofyan ngày 5/1 nói rằng: “Chúng tôi đã phát hiện vật có “khả năng rất cao” là đuôi của chiếc máy bay”.
 
Thuyền trưởng Sofyan thông báo diễn biến trên sau khi tàu của ông cập bến Surabaya. Do thời tiết xấu và biển động, đội tìm kiếm chưa thể trục vớt mảnh vỡ có thể chứa hộp đen máy bay AirAsia nêu trên.


Người đứng đầu Cơ quan tìm kiếm và cứu hộ của Indonesia (Basarnas) Bambang Soelistyo cùng ngày đã phát biểu tại một cuộc họp báo ở Jakarta rằng lực lượng tìm kiếm đang cố gắng xác định vật thể nêu trên có đúng là đuôi máy bay AirAsia hay không.

Cho đến ngày 6/1, lực lượng tìm kiếm đã thu thập được 5 mảnh vỡ lớn cùng nhiều vật dụng khác, trong đó có ghế máy bay, bè cứu sinh... của chiếc máy bay AirAsia mang số hiệu QZ8501, gặp nạn ngày 28/12 ngoài khơi đảo Borneo.

Tàu hải quân Singapore đang tìm kiếm máy bay QZ8501 bằng các thiết bị vận hành từ xa.

Tàu hải quân Singapore đang tìm kiếm máy bay QZ8501 bằng các thiết bị vận hành từ xa. (Ảnh: CNA)

Cuộc tìm kiếm hiện là một cuộc chạy đua với thời gian và thời tiết, với những vùng nước xoáy và những con sóng rất cao. Những khó khăn trên ngăn cản lực lượng tìm kiếm đa quốc gia bao gồm cả Mỹ và Nga với nhiều thiết bị hiện đại đang cố gắng tiếp cận đáy biển để tìm xác máy bay QZ8501.

Hiện công tác tìm chiếc hộp đen đang rất nan giải. Lãnh đạo Barsarnas cho hay 5 chiếc tàu đã được điều đến để tìm ra tín hiệu "ping" của hộp đen nhưng cho đến giờ vẫn chưa có kết quả.

Đình chỉ các quan chức hàng không liên quan tới vụ QZ8501

Trong một diễn biến khác, chính quyền Indonesia ngày 5/1 đã ra lệnh đình chỉ một số quan chức ngành hàng không trong cuộc điều tra thảm họa máy bay AirAsia QZ8501.

Theo AFP, Bộ Giao thông Indonesia ngày 5/1 đã ra lệnh đình chỉ một số quan chức hàng không và tại sân bay Surabaya “vì có liên quan tới chuyến bay QZ8501”.

Trước đó, hãng hàng không AirAsia đã bị chỉ trích vì đã thực hiện chuyến bay QZ8501 từ Surabaya đến Singapore khi chưa được phép. Được biết, đường bay Surabaya-Singapore của hãng AirAsia đã bị Bộ giao thông vận tải Indonesia tạm ngừng trong khi điều tra toàn bộ lịch trình bay của hãng này.

Tổng cục trưởng Cục vận tải hàng không Indonesia Djoko Murjatmodjo tuyên bố nhà chức trách sẽ đình chỉ bất kỳ hãng hàng không nào vi phạm lịch bay. “Nếu một hãng hàng không khác vi phạm lịch bay thì đó là hành vi phạm luật và sẽ bị chúng tôi đình chỉ hoạt động”, ông Murjatmodjo cảnh báo.

Hiện Bộ Giao thông Indonesia đang điều tra lý do tại sao Indonesia AirAsia có thể bay hôm 28/12 mà nhà chức trách không biết. Cựu chuyên viên điều tra hàng không Ruth Hanna Simatupang nhận định có khả năng hãng AirAsia đã nhận được giấy phép cho các chuyến bay bổ sung ngoài lịch để đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao cuối năm.

Strait Times dẫn lời Tổng cục trưởng Djoko Murjatmodj khẳng định: “Chúng tôi biết là có người đã cho phép máy bay cất cánh và đang điều tra ai đã cho phép và với nguyên nhân nào, sau đó bất cứ ai phạm luật sẽ đều bị trừng phạt”.

Bên cạnh đó, các tài liệu rò rỉ từ chính phủ Indonesia cũng cho thấy có khả năng hãng AirAsia đã vi phạm các thủ tục hàng không, khiến cơ trưởng chiếc máy bay xấu số QZ8501 không nhận được báo cáo thời tiết trước khi cất cánh vào ngày 28/12 theo quy định.

Lực lượng cứu hộ đang chờ đón các thi thể về Surabaya. 

Lực lượng cứu hộ đang chờ đón các thi thể về Surabaya. (Ảnh: CNA)

Cuộc tìm kiếm chiếc máy bay QZ8501 chở theo 162 hành khách rơi vào ngày 28/12 tại biển Java vẫn đang được tiến hành. Sau khi đã trục vớt được 37 thi thể và phát hiện 5 mảnh vỡ lớn, công tác tìm kiếm đang gặp khó khăn do lớp bùn dưới đáy biển quá dày, biển động mạnh với nhiều vùng nước xoáy.

Thoa Phạm
Tổng hợp