Indonesia sẽ triển khai máy bay F-16 tới quần đảo Natuna sau phán quyết về Biển Đông
(Dân trí) - Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu hôm nay 13/6 tuyên bố nước này sẽ tăng cường các biện pháp phòng thủ xung quanh đảo Natuna, khu vực thường xuyên bị tàu cá Trung Quốc quấy nhiễu thời gian qua, sau khi tòa trọng tài quốc tế ra phán quyết về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc liên quan tới yêu sách “đường chín đoạn” của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin AFP ngày 13/7, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu cho biết Jakarta sẽ thắt chặt an ninh xung quanh các đảo của nước này trên Biển Đông, trong đó có Natuna, sau khi yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc trên vùng biển này bị Tòa trọng tài theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 tuyên là “không có cơ sở pháp lý”.
Ông Ryacudu cho biết các biện pháp tăng cường phòng thủ xung quanh quần đảo Natuna của Indonesia gồm triển khai tàu chiến, máy bay chiến đấu F-16, tên lửa đất đối không, radar và máy bay do thám. Ngoài ra, Jakarta cũng sẽ tiến hành xây dựng các cảng biển mới và nâng cấp một đường băng.
Cũng theo ông Ryacudu, cùng với việc triển khai các thiết bị quân sự hạng nặng, Indonesia sẽ đưa thêm lực lượng không quân đặc nhiệm, lực lượng tác chiến trên biển và một tiểu đoàn lục quân tới quần đảo Natuna sau khi hoàn thiện xong các doanh trại và khu nhà ở cho các binh lính tại đây. Jakarta hiện duy trì khoảng 800 quân nhân tại vùng biển Natuna. Riêng trong năm nay, con số này đã tăng lên 2.000 người.
Tiến trình tăng cường sự hiện diện quân sự của Indonesia đã bắt đầu từ vài tháng gần đây, và sẽ hoàn thành trong chưa vòng một năm tới, ông Ryacudu cho biết thêm.
“Đây sẽ là tai mắt của chúng tôi. Từ đó sẽ cho phép chúng tôi có thể theo dõi những gì đang diễn ra tại Natuna cũng như các khu vực xung quanh quần đảo này trên Biển Đông”, người đứng đầu Bộ Quốc phòng Indonesia nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Ryacudu khẳng định, Indonesia không có ý định làm gia tăng quá trình quân sự hóa trên Biển Đông và Jakarta có quyền để phòng thủ biên giới của nước này. “Đó là cửa ngõ của chúng tôi, làm sao chúng tôi không bảo vệ nó được?”, ông Ryacudu nói.
Chính quyền của Tổng thống Joko Widodo gần đây cũng tăng cường các hoạt động khai thác dầu mỏ và khí đốt, đồng thời đưa thêm nhiều ngư dân ra quần đảo Natuna, từ đó giúp Indonesia khẳng định quyền kiểm soát ở vùng biển quanh quần đảo này.
Trước đó, giữa Trung Quốc và Indonesia đã xảy ra nhiều vụ việc căng thẳng khi lực lượng hải quân Indonesia tiến hành bắt giữ nhiều tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng biển quanh Natuna và triển khai các hoạt động đánh bắt trái phép tại đây. Chuẩn đô đốc Achmad Taufiqoerrochman, chỉ huy Hạm đội phía Tây của Hải quân Indonesia, cho biết kể từ tháng 3 năm nay, số lượng tàu cá Trung Quốc hoạt động xung quanh quần đảo Natuna ngày càng tăng và đánh bắt cá chỉ là cái cớ để Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền của nước này tại vùng biển quanh Natuna.
Indonesia cho biết nước này không có tranh chấp lãnh thổ trực tiếp với Trung Quốc trên Biển Đông nhưng Jakarta phản đối việc Trung Quốc đưa quần đảo Natuna vào bên trong “đường chín đoạn” phi lý mà Bắc Kinh tự vẽ ra nhằm đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết vùng biển này. Mặc dù Trung Quốc không thách thức quyền kiểm soát quần đảo Natuna của Indonesia nhưng ngang nhiên tuyên bố nước này có quyền đánh bắt cá tại vùng biển quanh quần đảo Natuna.
Thành Đạt
Theo AFP