Indonesia bác bỏ yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc
(Dân trí) - Indonesia viện dẫn phán quyết của tòa án quốc tế đã trao công hàm ngoại giao phản đối các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tuần trước, Indonesia đã gửi tới Liên Hợp Quốc công hàm ngoại giao để phản đối các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Động thái này đã thu hút sự chú ý của các nhà phân tích, thậm chí có chuyên gia mô tả đây là động thái mang tính đột phá, gợi lại phán quyết năm 2016 của tòa án quốc tế bác bỏ yêu sách "đường chín đoạn" của Trung Quốc nhằm tuyên bố chủ quyền phi lý với hầu hết Biển Đông.
Công hàm ngoại giao của Indonesia gửi tới Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hôm 26/5 nói rằng, các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông “rõ ràng thiếu các cơ sở pháp lý quốc tế” và rằng Indonesia không bị ràng buộc bởi bất cứ tuyên bố chủ quyền nào trái với luật pháp quốc tế.
Đây không phải lần đầu tiên Indonesia, một quốc gia không có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, tuyên bố lập trường của mình, nhưng lần này ngôn từ đưa ra dường như mạnh hơn.
Gregory Poling, Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI), Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), nhận định điều này đánh dấu lần đầu tiên một láng giềng của Philippines ở Đông Nam Á đứng lên và công nhận rõ ràng phán quyết của tòa án quốc tế bác bỏ yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông. Hãng tin ABS-CBN của Philippines thậm chí đăng một bài bình luận, ví công hàm ngoại giao của Indonesia là một “bom tấn ngoại giao”.
Chiến lược “phản đối dai dẳng”
Tuy nhiên, ông Evan A. Laksmana, nhà nghiên cứu cấp cao chuyên về các vấn đề quân sự tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Jakarta, cho rằng, điều này không cho thấy một sự thay đổi đáng kể trong chính sách của Indonesia về vấn đề Biển Đông. Theo chuyên gia này, công hàm của Indonesia chỉ là phản ứng mới nhất trong số các công hàm của các nước ASEAN và Trung Quốc gửi lên Liên Hợp Quốc sau công hàm của Malaysia hồi tháng 12 năm ngoái về việc Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền với thềm lục địa ở Biển Đông.
Năm 2010, Indonesia cũng gửi một công hàm ngoại giao lên Liên Hợp Quốc khẳng định lập trường cứng rắn đối với các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Khi đó, Indonesia khẳng định rằng, yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc "rõ ràng thiếu cơ sở pháp lý và vi phạm Công ước về Luật biển năm 1982 (UNCLOS)". Cụm từ này đã được Indonesia nhắc lại trong công hàm mới đây.
Hơn nữa, đây không phải lần đầu tiên Indonesia chính thức viện dẫn đến phán quyết năm 2016 của Tòa án trọng tài thường trực. Jakarta đã viện dẫn phán quyết đó trong các thông cáo, các công hàm ngoại giao đầu năm nay sau khi một đội tàu đánh cá của Trung Quốc bị phát hiện đánh bắt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ở phía bắc biển Natuna.
Bằng cách liên tục thách thức các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc, Indonesia đang theo đuổi chiến lược “phản đối dai dẳng” và bảo vệ quyền lợi theo luật pháp quốc tế. Lợi ích chiến lược của Indonesia là tiếp tục phản đối các yêu sách phi lý của Trung Quốc và tuân thủ trật tự hàng hải dựa trên luật pháp hiện hành, đồng thời chống lại hệ thống mà Bắc Kinh dường như tìm cách thiết lập để xa rời dần các quy tắc được quốc tế công nhận.
Thứ ba là, chính sách Biển Đông của Indonesia dựa trên nền tảng luật pháp quốc tế và chủ nghĩa đa phương. Điều này đã thể hiện rõ trong các cuộc thảo luận giữa Indonesia, một thành viên ASEAN, với Trung Quốc về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
Theo đơn kiện của Philippines đệ trình năm 2013, Tòa trọng tài quốc tế của Liên Hợp Quốc ở La Hay (Hà Lan) hôm 12/7 đã ra phán quyết khẳng định, Trung Quốc không có "các quyền lịch sử" dựa trên cái gọi là bản đồ "đường chín đoạn". Ngoài ra, việc xây dựng các đảo nhân tạo là trái phép và Trung Quốc đã gây tổn hại nghiêm trọng đến môi trường biển. Tuy vậy, Trung Quốc đến nay vẫn không công nhận và ngang nhiên tuyên bố tiếp tục xây dựng trái phép ở Biển Đông.
Minh Phương
Theo SCMP