1. Dòng sự kiện:
  2. Ông Trump bị ám sát hụt
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Hungary: Nga có thể hòa đàm trong năm nay nếu ông Trump đắc cử

Minh Phương

(Dân trí) - Hòa đàm nhằm chấm dứt xung đột Nga - Ukraine có thể bắt đầu ngay trong năm nay nếu cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tái đắc cử, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto nhận định.

Hungary: Nga có thể hòa đàm trong năm nay nếu ông Trump đắc cử - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky (Ảnh: AFP).

"Tôi nghĩ rằng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ chắc chắn sẽ là yếu tố thay đổi cuộc chơi về vấn đề này (đàm phán hòa bình Ukraine). Theo tôi, nếu ông Donald Trump tái đắc cử, sẽ có cơ hội tốt để các cuộc đàm phán hòa bình được bắt đầu ngay trong năm nay", Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto ngày 18/7 bình luận.

Ông Szijjarto lập luận, quan điểm của Mỹ về cuộc xung đột sẽ thay đổi dưới thời ông Trump.

Nhà ngoại giao Hungary tin rằng, ông Trump là nhà lãnh đạo tiềm năng duy nhất có thể được bầu trong tương lai gần để thực hiện thành công sứ mệnh hòa bình ở châu Âu.

Ngoại trưởng Szijjarto cho biết, Hungary sẵn sàng trở thành địa điểm tổ chức các cuộc hòa đàm giữa Nga và Ukraine.

Ông Szijjarto cho hay, trong cuộc gặp gần đây với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã chia sẻ về kết quả chuyến đi tới Nga và Trung Quốc như một phần trong "sứ mệnh hòa bình" nhằm chấm dứt cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine.

Thủ tướng Orban cũng tin rằng ông Trump có thể chấm dứt xung đột Nga - Ukraine nếu tái đắc cử.

"Tôi có thể chắc chắn sau khi thắng cử, ông Trump sẽ không đợi đến lúc nhậm chức mà sẽ ngay lập tức hành động với tư cách trung gian đàm phán. Ông ấy đã có kế hoạch chi tiết và cơ sở cho việc này", ông Orban viết trong thư gửi Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel ngày 16/7.

Về phần mình, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cáo buộc ông Orban "phản bội" châu Âu sau chuyến thăm Nga gần đây.

"Nếu ai đó ở châu Âu cố gắng giải quyết các vấn đề sau lưng chúng ta, hoặc thậm chí gây thiệt hại cho người khác, nếu ai đó muốn thực hiện một số chuyến đi tới đó (Nga) để nói chuyện và hứa hẹn điều gì đó đi ngược lại lợi ích chung, gây tổn hại cho Ukraine hay các nước khác, thì tại sao chúng ta phải bận tâm đến một người như vậy", ông Zelensky phát biểu tại Hội nghị Cộng đồng Chính trị châu Âu.

Ông Zelensky không nêu đích danh, nhưng dường như ám chỉ Thủ tướng Orban.

Trước đó, ông Zelensky nêu rõ quan điểm rằng, không thể hòa giải Nga và Ukraine nếu không có nỗ lực chung của các nước hùng mạnh nhất thế giới nhằm buộc Moscow dừng chiến dịch quân sự.

Đầu tuần này, ông cho biết, ông kỳ vọng Nga sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine lần thứ hai, dự kiến được tổ chức vào tháng 11.

Tuy nhiên, Moscow tỏ ra không quan tâm đến hội nghị này và không có ý định tham gia.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 18/7 cho biết, nỗ lực lôi kéo Nga tham gia hội nghị thượng đỉnh hòa bình lần thứ hai về Ukraine là "tối hậu thư" mà Moscow sẽ không chấp nhận.

Nói về các tuyên bố của ứng viên tổng thống Cộng hòa Mỹ Donald Trump về khả năng chấm dứt xung đột, bà Zakharova cho rằng "cần phải thực tế" khi xem xét.

"Chúng tôi đã thấy các tuyên bố của ông Trump rằng ông ấy sẽ giải quyết xung đột trong vòng 24 giờ, nhưng ứng viên phó tổng thống liên danh tranh cử J.D. Vance nói rằng Trung Quốc là vấn đề lớn hơn so với xung đột Nga - Ukraine. Cần phải tách biệt những phát ngôn trước bầu cử với những tuyên bố của các quan chức chính phủ được trao quyền. Nếu nói về việc liệu có thể giải quyết xung đột hay không, chúng ta cần thực tế", bà Zakharova nhấn mạnh.

Theo Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine