1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Honduras có tổng thống lâm thời

(Dân trí) - Quốc hội Honduras đã bổ nhiệm Chủ tịch Quốc hội Roberto Micheletti làm tổng thống lâm thời thay thế tổng thống vừa bị phế truất cho đến hết nhiệm kỳ là vào ngày 27/1/2010.


Honduras có tổng thống lâm thời - 1
Ông Roberto Micheletti phát biểu khi nhậm chức là tổng thống lâm thời Honduras.
Trong thông báo đưa ra hôm qua, Quốc hội Honduras cho biết các nghị sĩ đã thống nhất cách chức Tổng thống cánh tả Jose Manuel Zelaya vì ông này “liên tiếp có những sai phạm, coi thường phán quyết của các thể chế”. 

 

Trong tuyên bố đưa ra cùng ngày, Tòa án Tối cao Honduras cho biết tòa án đã lệnh cho quân đội lật đổ Tổng thống Zelaya vì kế hoạch của ông này tiến hành một cuộc trưng cầu về kéo dài nhiệm kỳ là bất hợp pháp. 

 

Các binh sĩ Honduras hôm qua đã bắt Tổng thống Zelaya, sau đó đưa sang Costa Rica đúng vào ngày ông này dự định tiến hành trưng cầu dân ý về thay đổi hiến pháp nhằm tạo cơ hội cho tổng thống tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa. 

 

Ngay sau vụ bắt tổng thống, những người biểu tình đã tụ tập về phủ tổng thống và gọi việc làm của các binh sĩ là hành động đảo chính. Các binh sĩ Honduras đã bao vây và ngăn chặn mối lối vào phủ này. 

 

Dư luận thế giới

 
Honduras có tổng thống lâm thời - 2
Quân đội tràn vào phủ tổng thống ngày 28/6.

Honduras rơi vào khủng hoảng chính trị khi ngày 25/6 vừa qua, Tòa án Tối cao nước này đã phục chức Tham mưu trưởng quân đội cho Tướng Romeo Vasquez, một ngày sau khi ông này bị Tổng thống Zelaya cách chức do từ chối ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý không chính thức vào ngày 28/6.

 

Chánh án Tòa án Tối cao Jorge Rivera cũng cảnh báo nếu Tổng thống Zelaya không tôn trọng phán quyết này, ông sẽ phải đối mặt với sự trừng trị theo pháp luật.

 

Tòa án Tối cao Honduras quyết định “hành động với Tổng thống đương nhiệm” chỉ 3 ngày sau đó.

 
Honduras có tổng thống lâm thời - 3
Ông Zelaya phát biểu trong một cuộc họp báo từ Costa Rica.
 

Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua đã tỏ ý lo ngại về diễn biến tình hình ở Honduras. Trong phản ứng đầu tiên, ông Obama kêu gọi “tất cả những lực lượng trong chính giới và xã hội” nước này tôn trọng các tiêu chuẩn dân chủ, lập pháp và căng thẳng hiện này cần được giải quyết hòa bình, qua đối thoại. 

 

Quan chức Nhà Trắng Mỹ đã bác bỏ cáo buộc cho rằng Washington đứng sau cuộc đảo chính quân sự ở Honduras, trong khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố hành động đảo chính tại Honduras vi phạm Hiến chương Dân chủ liên Mỹ và cần bị các nước lên án.

 

Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, Cuba, Venezuela cũng đã lên án cuộc đảo chính quân sự ở Honduras. Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc gọi hành động của quân đội là “vi phạm trật tự hiến pháp”. Bộ trưởng Ngoại giao Cuba gọi đây là hành động “tội ác và tàn bạo”, kêu gọi ngay lập tức phục chức cho Tổng thống cánh tả Manuel Zelaya.

 

Tổng thống Venezuela Venezuela Hugo Chavez đã tuyên bố đặt quân đội nước này trong tình trạng báo động và khẳng định “sẽ có hành động quân sự đáp trả” nếu Đại sứ Venezuela ở Honduras bị bắt. 

 

Trước đó, Đại sứ Venezuela tại Tổ chức Các quốc gia Châu Mỹ (OAS), Roy Chaderton cho biết quân đội Honduras đã "bắt cóc" các nhà ngoại giao nước ngoài gồm đại sứ của Cuba, Venezuela, Nicaragoa cùng với Ngoại trưởng Honduras. 

 

 

Nguyễn Viết

Tổng hợp