1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Honduras cô lập Tổng thống bị lật đổ trong sứ quán Brazil

(Dân trí) - Lãnh đạo lâm thời của Honduras tuyên bố sẵn sàng đàm phán với Tổng thống bị lật đổ Zelaya trong khi vẫn cắt điện, nước, liên lạc đối với sứ quán Brazil, nơi ông Zelaya đang trú ngụ.

Honduras cô lập Tổng thống bị lật đổ trong sứ quán Brazil - 1
Người ủng hộ ông Zelaya phản đối chính phủ lâm thời Honduras.

 

Quân đội Honduras đã bao vây sứ quán Brazil tại thủ đô Tegucigalpa, nơi ông Zelaya trú ngụ sau khi bất ngờ trở về nước vào hôm thứ hai vừa qua. Tòa nhà sứ quán Brazil đã bị cắt điện, nước và đường điện thoại.

 

Brazil đã cảnh báo lực lượng an ninh Honduras không được tiến vào sứ quán và đang kêu gọi Hội đồng bảo an LHQ họp khẩn để giải quyết cuộc khủng hoảng này.

 

Trong khi đó, Tổng thống lâm thời Honduras, ông Micheletti cho hay không có kế hoạch dùng vũ lực. Ông kêu gọi giới chức Brazil hoặc cho ông Zelaya tị nạn chính trị hoặc trao ông cho các nhà chức trách Honduras.

 

Lệnh giới nghiêm áp dụng ở thủ đô đã được kéo dài cho tới tối ngày thứ tư.

 

Ông Micheletti cho hay ông sẵn sàng đàm phán với Tổng thống bị lật đổ Zelaya nhưng phải có điều kiện. “Tôi sẵn sàng đàm phán với ông Zelaya, miễn là ông ấy công khai công nhận cuộc bầu cử tổng thống sắp tới”, ông Micheletti cho biết trong một tuyên bố được Bộ trưởng nội ngoại vụ Carlos Lopez đọc.

 

Phát biểu trên hãng thông tấn BBC, Tổng thống lâm thời Micheletti cho rằng cách để giải quyết cuộc khủng hoảng này là “đi bỏ phiếu vào ngày 29/11 tới, chọn tổng thống mới và… chuyển giao quyền lực vào ngày 27/1 như đã được hiến pháp quy định”.

 

Ông Zelaya trở về Tegucigalpa sau gần ba tháng bị ép buộc ra khỏi Honduras.
 
 
Honduras cô lập Tổng thống bị lật đổ trong sứ quán Brazil - 2
Ông Zelaya vẫn khẳng định mình là Tổng thống Honduras mặc dù chính phủ lâm thời đã tuyên thệ nhậm chức từ tháng 6.

 

Cuộc khủng hoảng chính trị nổ ra sau khi ông Zelaya cố gắng tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý không được các phe phái ủng hộ về việc sửa đổi hiến pháp. Những người ở phe đối lập cho rằng động thái này là phi hiến pháp và nhằm mục đích dỡ bỏ giới hạn một nhiệm kỳ hiện tại đối với một tổng thống, “dọn đường” cho ông Zelaya tái tranh cử.

 

Mỹ, Brazil và các chính phủ khác đã ủng hộ ông Zelaya, kêu gọi thỏa thuận để giải quyết cuộc khủng hoảng. Tổng thống Costa Rica Oscar Arias đã làm trung gian hòa giải cho các cuộc đàm phán hòa bình giữa hai bên nhưng cho đến nay các cuộc đàm phán đều bị đổ bể.

 

Sớm ngày hôm qua, quân đội đã dùng dùi cui, đạn hơi cay và đạn cao su để giải tán hàng ngàn người ủng hộ ông Zelaya bên ngoài sứ quán Brazil, bất chấp lệnh giới nghiêm.

Khoảng 70 người ủng hộ được biết đã vào bên trong sứ quán.

 

Điện, nước, điện thoại đã bị cắt từ hôm thứ hai và cách duy nhất liên lạc với bên ngoài là qua điện thoại di động. Theo báo chí Brazil, sứ quán tại Honduras đã phải dùng máy phát điện.

 

Trong lá thư gửi thành viên của Hội đồng bảo an LHQ vào hôm qua, Brazil cho hay họ rất lo ngại “cho sự an toàn của Tổng thống Zelaya và cho an ninh cũng như sự vẹn toàn của tòa nhà cũng như nhân viên sứ quán Brazil”.

 

Phan Anh

Theo BBC