1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Hơn 8.700 người chết, WHO gọi Covid-19 là "kẻ thù của nhân loại"

(Dân trí) - Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gọi virus corona là "kẻ thù chống lại loài người" khi dịch bệnh ngày càng có xu hướng lan rộng.

 
Hơn 8.700 người chết, WHO gọi Covid-19 là kẻ thù của nhân loại - 1

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus (Ảnh: EPA)

“Virus corona đang đặt ra cho chúng ta thách thức chưa từng có tiền lệ”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói với các phóng viên trong cuộc họp báo ngày 18/3.

Ông Tedros nhấn mạnh sự cần thiết của tất cả các nước trên thế giới trong việc “phối hợp cùng nhau thành một mặt trận để đối phó một kẻ thù chung: kẻ thù chống lại loài người”.

Tuyên bố của người đứng đầu WHO được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm virus corona chủng mới (Covid-19) trên toàn thế giới đã vượt 214.000 người, trong khi số ca tử vong cũng lên tới hơn 8.700 người tính đến ngày 18/3. Dịch cho đến nay đã lan rộng ra hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.

Ngày càng nhiều người chết vì Covid-19 tại châu Âu hơn châu Á kể từ khi dịch bắt đầu bùng phát tại Trung Quốc vào tháng 12 năm ngoái. Châu Phi hạ Sahara hiện là khu vực chịu ảnh hưởng ít nhất bởi dịch Covid-19 khi chỉ ghi nhận 4 ca tử vong và 233 ca nhiễm.

Tuy nhiên, Tổng giám đốc WHO cảnh báo tình hình có thể thay đổi nhanh chóng.

“Tại các nước khác, chúng ta đã thấy virus thực sự tăng nhanh như thế nào sau một bước ngoặt nhất định, do vậy lời khuyên tốt nhất cho châu Phi là chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, và phải chuẩn bị từ hôm nay. Châu Phi nên tỉnh giấc”, ông Tedros nhấn mạnh.

Thủ tướng Đức: Covid-19 là thách thức lớn nhất

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đưa ra cảnh báo về mức độ nguy hiểm của dịch Covid-19 trong bài phát biểu được phát trên truyền hình hôm 18/3. Bà Merkel cho rằng Đức đang đối mặt với thách thức lớn nhất “từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai” và thách thức này phụ thuộc nhiều vào “sự đoàn kết tập thể”.

“Tình hình rất nghiêm trọng. Hãy nghiêm túc xem xét việc này… Tôi tin chúng ta có thể thực hiện thành công nhiệm vụ này, nếu tất cả người dân thực sự hiểu nhiệm vụ của họ”, bà Merkel nói.

Đức là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 tại châu Âu với số ca tử vong được ghi nhận đến ngày 18/3 là 12 người và 8.198 ca nhiễm, tăng hơn 1.000 người so với ngày trước đó.

Viện Robert Koch cảnh báo số ca nhiễm virus corona có thể lên tới 10 triệu người trong 2-3 tháng nếu mọi người không tránh tiếp xúc với nhau.

Chuẩn bị cho tình huống xấu nhất

Tổng giám đốc WHO cho biết tổ chức này đã trao đổi hàng ngày với các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới “để giúp họ chuẩn bị và ưu tiên” các biện pháp chống dịch.

“Đừng nghĩ rằng cộng đồng của bạn không bị ảnh hưởng. Hãy chuẩn bị cho tình huống đó”, ông Tedros nói.

Ông Tedros kêu gọi các nước thực thi các biện pháp giữ khoảng cách an toàn, bao gồm hủy các sự kiện thể thao, âm nhạc và các sự kiện tập trung đông người để tránh lây nhiễm. Ông cũng nói thêm rằng, cách duy nhất để kiểm soát dịch Covid-19 là “cách ly, xét nghiệm, điều trị và theo dõi”.

Theo Tổng giám đốc WHO, mặc dù quá trình thử nghiệm vắc xin chống virus corona đã được bắt đầu, song việc triển khai vắc xin trên thực tế vẫn chưa thể tiến hành bây giờ. Do vậy, ông Tedros kêu gọi các nước thực thi “cách tiếp cận toàn diện” nhằm giảm tốc độ lây lan của dịch.

“Cách tiếp cận này nhằm cứu được mạng sống và kéo dài thêm thời gian cho việc phát triển vắc xin cũng như phương pháp điều trị”, ông Tedros nhấn mạnh.

Michael Ryan, người đứng đầu chương trình khẩn cấp của WHO, cảnh báo việc xem nhẹ mức độ nguy hiểm của virus corona đối với những người trẻ tuổi.

“Đây không chỉ là bệnh dành cho người lớn tuổi. Rất nhiều người trưởng thành khỏe mạnh vẫn có thể phát triển bệnh nghiêm trọng hơn”, ông Ryan cảnh báo.

Thành Đạt

Theo Sputnik, CNA