“Học thuyết Putin” từ cuộc chiến Gruzia 2008 tới Syria 2015
Can dự của Nga tại Syria khiến nhiều người nhớ lại xung đột Nga - Gruzia năm 2008. Trong cả hai trường hợp, Moskva hành động vì biết rằng phương Tây sẽ thoái lui.
Rạng sáng ngày 8/8/2008, một cuộc xung đột bất ngờ nổ ra ở rìa phía Tây châu Âu. Quân đội Nga tràn qua biên giới Gruzia, yểm trợ là dàn xe tăng, máy bay chiến đấu. Nga ở trong hình thái chiến tranh với nước láng giềng.
Cuộc chiến diễn ra khá chóng vánh, nhưng rất quyết đoán. Chỉ trong 2 tuần, Quốc hội Nga đã bỏ phiếu công nhận hai vùng đất thuộc lãnh thổ Gruzia là các nước “cộng hòa độc lập”. Đối đầu Nga – Gruzia là điểm then chốt cho xu hướng chuyển dịch trong quan hệ của Nga với các nước láng giềng châu Âu. Nhiều người đã gọi can dự của Moskva là biểu hiện của “Học thuyết Putin” - vốn cho rằng Nga sẵn sàng “bảo vệ lợi ích ưu tiên” tại các nước thuộc không gian hậu Xô Viết, kể cả là phải viện tới vũ lực.
Máy bay Nga tham gia không kích quân khủng bố tại Syria.
Với việc Nga can dự vào cuộc xung đột ở Syria, “Học thuyết Putin” giờ đã có bước vươn tầm ảnh hưởng sang tới Trung Đông. Nó xuất hiện theo một cách thức giống những gì từng diễn ra hồi năm 2008. Giao tranh Nga – Gruzia nổ ra khi Moskva thừa hiểu rằng phương Tây không can dự, vì không mong chờ đối đầu quân sự với Nga. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ bảo vệ các nước thành viên, nhưng các quốc gia thuộc diện hội nhập châu Âu có thể sẽ bị “hy sinh”.
Người hiểu rõ nhất thực tế này không ai khác là Mikheil Saakashvili – đương kim thống đốc tỉnh Odessa (Ukraine), lúc đó là Tổng thống Gruzia. Ngay sau khi Crimea sáp nhập vào Nga (3/2014), ông Saakashvili đã nói rằng “nếu phương Tây hành động đủ mạnh tại Gruzia, thảm kịch tại Ukraine sẽ không bao giờ xảy ra. Việc Nga đưa quân vượt biên giới lần đầu tiên sau chiến tranh Lạnh, sang Gruzia (mà không gặp phản kháng) của châu Âu khiến ông Putin nghĩ rằng Nga có thể có bước đi phiêu lưu tương tự ở chính giữa trái tim châu Âu”.
Vấn đề mấu chốt nằm ở chỗ, cấu trúc an ninh lục địa già từ lâu đã dựa trên ý tưởng được bảo đảm an ninh từ bên ngoài. Chiến tranh Lạnh kết thúc, việc chèo kéo các nước trong không gian hậu Xô Viết gia nhập thế giới phương Tây được thúc đẩy bởi ý tưởng mặc định đương nhiên, dù không nói trắng ra. Đó là, nếu Nga tiến sát nách, các nước này có thể hướng sang NATO để yêu cầu trợ giúp. Thế nhưng khi “Gấu Nga” gõ cửa (Gruzia), NATO đã lại ngoảnh đi. Thông điệp đó đã một lần nữa được nhắc lại 2 năm trước đây, lần này là ở Syria – nơi không gần Nga nhưng lại chứng kiến sự thoái lui của phương Tây trước Nga.
Khi nước Mỹ từ bỏ “giới hạn đỏ” về vũ khí hóa học, chạy theo đề xuất của Nga thì ngòi nổ chiến tranh của phương Tây chống Syria đã được tháo và đó là lý do làm tăng thêm tính quyết đoán của Nga trong hành động. Sự lưỡng lự, không dứt khoát của chính quyền Tổng thống Barack Obama cho thấy một điều: Ngay chính tại khu vực mà Mỹ chiếm ưu thế, trước một Syria gây nguy hiểm cho các đồng minh của Mỹ như Jordan, Israel, ngay khi nhìn thấy một cuộc xung đột có dư chấn lan sang cả thế giới Arab và các đồng minh châu Âu… Washington cũng không can dự, hoặc ở mức rất hạn chế. Điều này đã tạo khoảng trống để Nga lấp đầy.
Chiến dịch không kích quân khủng bố của Nga tại Syria đã kéo một tuần, quân đội trung thành với Tổng thống Barsha al-Assad ngày 7/10 lần đầu tiên mở các cuộc phản công có sự trợ giúp hỏa lực đường không. Chưa thấy xuất hiện phản ứng đáp trả “có giá trị” của Mỹ và các đồng minh phương Tây tính đến thời điểm này. Trong chính trị, hành động hay bất động – mỗi một lựa chọn đều truyền tải một thông điệp riêng. “Học thuyết Putin” từ chỗ chỉ ứng vào không gian truyền thống của Nga giờ đã hiện diện ở Trung Đông.
Theo Hoài Thanh/The National