7 năm Cuộc chiến 5 ngày Nga-Gruzia: Ukraine theo vết xe đổ?
7 năm sau “Cuộc chiến 5 ngày” Nga-Gruzia, cảnh ngộ của 2 nước Cộng hòa tự xưng DPR và LPR ở Donbass rất giống với Abkhazia và Nam Ossetia năm xưa.
Abkhazia và Nam Ossetia yên ổn dưới ô bảo hộ của Nga
Sau cuộc chiến Nga-Gruzia năm 2008, Chính phủ Gruzia vẫn tuyên bố coi 2 vùng lãnh thổ ly khai này thuộc chủ quyền của mình, ra nghị quyết tuyên bố Abkhazia và Nam Ossetia là một “lãnh thổ bị chiếm đóng”, đồng thời đặt các chính quyền “lưu vong” tại Tbilisi.
Sau “Cuộc chiến tranh 5 ngày”, Nga đã có nhiều động thái hỗ trợ về cả chính trị, quân sự và kinh tế cho chính phủ của 2 nước cộng hòa ly khai khỏi Gruzia. Động thái mới đây nhất là vào ngày 25-11-2014, Nga đã ký “Hiệp định hợp tác quân sự và kinh tế” với Abkhazia.
Theo tinh thần hiệp ước được ký kết giữa Tổng thống Vladimir Putin và lãnh đạo Abkhazia Raul Khadzhimba tại khu nghỉ mát Sochi - nơi diễn ra Thế vận hội mùa đông 2014 bên bờ biển Đen, Nga sẽ giúp đỡ Abkhazia toàn diện cả về kinh tế-chính trị và quân sự.
Hiệp ước liên minh Nga-Abkhazia quy định, ngoài sự hỗ trợ về kinh tế, lực lượng quân đội của 2 nước sẽ kết hợp thành một lực lượng thống nhất do một Tư lệnh người Nga dẫn dắt. Điều đó đồng nghĩa với việc, mọi hành động quân sự của nước Cộng hòa này đều có sự tham gia của Nga...
Cộng hòa ly khai Abkhazia nằm ở phía tây bắc Gruzia, giáp bờ Biển Đen, Sau khi sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine và lãnh thổ Liên bang Nga, việc ký kết Hiệp định liên kết với khu vực này đã giúp Moscow khống chế toàn bộ vùng biển này.
Xe tăng - thiết giáp Nga tiến vào Nam Ossetia ngày 8-8-2008
Tổng thống Putin còn cho cho biết, Moscow sẽ tăng gấp đôi trợ cấp cho Abkhazia, lên 9,3 tỉ rúp (hơn 200 triệu USD) trong năm 2015. Nhà lãnh đạo Abkhazia Khadzhimba đã bày tỏ lòng cảm kích khi được Nga “dành cho sự quan tâm đặc biệt và đảm bảo an ninh, giúp đỡ phát triển kinh tế - xã hội”.
Tiếp theo sau đó, Tổng thống Vladimir Putin ngày 06-03-2015 đã chỉ thị ký “Hiệp ước Liên minh và Hội nhập” giữa Liên bang Nga với Cộng hòa tự xưng Nam Ossetia.
Hiệp định được xác lập trong 25 năm và có thể gia hạn 10 năm một lần. Nó được coi là cơ sở để thiết lập quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn giữa Moscow với Nam Ossetia về xã hội, kinh tế, nhân đạo, cũng như các vấn đề chính sách đối ngoại, phòng thủ, an ninh, trong khi vẫn duy trì quyền tự chủ của Nam Ossetia.
Với Hiệp định trên, mọi hoạt động quân sự của 2 vùng lãnh thổ ly khai này sẽ thống nhất trong khuôn khổ các hoạt động quân sự của Nga và do Nga chỉ huy, kẻ thù của họ cũng là đối tượng mà Moscow phải đối phó. Đồng thời, những hoạt động chính trị và kinh tế cũng nằm trong khuôn khổ sự thống nhất với Liên bang Nga.
Việc ký 2 Hiệp định này đồng nghĩa với việc tuy không sáp nhập Abkhazia và Nam Osetia vào lãnh thổ Liên bang Nga nhưng trên thực tế, Moscow đã biến 2 nước cộng hòa ly khai này đã trở thành một thực thể thuộc Nga, và Moscow cam kết duy trì “cái ô bảo hộ” toàn diện với họ.
Vị trí chiến lược quan trọng của Abkhazia và Nam Ossetia
Ký kết hiệp định với Abkhazia và Nam Ossetia đã khiến Moscow “cắm 2 mũi dao” vào trái tim Tbilisi. Nga không thể ngăn Gruzia gia nhập NATO nhưng Tbilisi cũng đừng hòng yên ổn khi “rước” khối đồng minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đến sát biên giới nước Nga.
Việc ký “Hiệp định bảo hộ” với 2 vùng lãnh thổ ly khai của Gruzia có thể coi là “đòn thù” của Moscow với Tbilisi nhưng cũng là lời cảnh báo đanh thép đối với Kiev khi cả 2 đang nhăm nhe gia nhập NATO. Liệu Ukraine có rút được kinh nghiệm gì qua 2 sự kiện này?
Hệ lụy của “Cuộc chiến 5 ngày”: Bài học lớn cho Ukraine
Nếu nói Nam Ossetia và Abkhazia như hai cái dằm trong tim của Tbilisi, thì bán đảo Crimea và Donbass như 2 cái mũi dao thọc vào mạng sườn của Kiev. Sự việc này cũng là lời cảnh báo đanh thép đối với Ukraine khi nước này đang nhăm nhe gia nhập NATO và triển khai NMD để đối phó Nga.
Trong trường hợp cuối cùng, Moscow vẫn sẽ không sáp nhập 2 nước cộng hòa này vào Liên bang Nga. Ông Putin sẽ đàng hoàng “hợp pháp hóa” sự hiện diện ở đông nam Ukraine bởi những Hiệp định liên kết tương tự như trên, không tạo cớ để Mỹ và EU có thể tố cáo là “Nga xâm lược”.
Khi đó, DPR và LPR có thể “kê cao gối mà ngủ”. Vũ khí và huấn luyện quân sự của Nga đã giúp Donbass có thể đàng hoàng đánh bại Kiev, trường hợp xấu nhất là vũ khí và viện trợ Mỹ khiến họ thất bại trước Ukraine, một Hiệp định tương tự như của Abkhazia và Nam Ossetia sẽ được ký kết.
Liệu khi Nga đã ký Hiệp định thống nhất quân sự với 2 nước cộng hòa thuộc Novorossiya, Kiev có đủ bản lĩnh tấn công một lực lượng quân sự Nga-Donbass thống nhất, do đích thân một Tư lệnh Nga dẫn dắt hay không? Chắc chắn là không, bởi ngay cả Mỹ và NATO cũng chẳng dám làm điều đó.
Moscow luôn để ngỏ khả năng sáp nhập các vùng lãnh thổ này, lấy đó làm con bài để mặc cả với phương Tây. Vì vậy, có thể khẳng định rằng Kiev không thể đánh bại được phe ly khai miền đông Ukraine, bởi nếu giả sử DPR và LPR có nguy ngập thì “cái ô bảo hộ” của người Nga sẽ bung ra, che chở cho Donbass.
Nếu NATO không liên tục bành trướng về phía đông, nếu Kiev không ngả theo EU và đòi gia nhập NATO thì điều này sẽ không xảy ra. Nhưng với những vị lãnh đạo hiện nay, việc Kiev đi theo sự vẫy gọi của phương Tây là điều không thể tránh khỏi, nên tương lai Ukraine bị chia cắt là điều rất dễ xảy ra.
Không ai muốn hàng xóm trở thành kẻ thù, đương nhiên Moscow cũng không muốn vòng vây của NATO siết chặt quanh mình từ những nước trước đây là anh em như Gruzia, Ukraine, Latvia, Estonia và Lithunia. Không thể trách Tổng thống Putin về điều này, ông đã làm những điều cần thiết nhất cho nước Nga.
|
Cuộc biểu tình của lực lượng thân Nga tháng 4-2014 |
Ngoài điểm nóng ở Donbass, Ukraine có thể sẽ phải trả giá về hành động bổ nhiệm cựu Tổng thống Gruzia Mikhail Saakashvili làm Thống đốc Odessa. Đây là nguồn cơn của những rắc rối Ukraine mà sẽ gặp phải trong tương lai.
Khi Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko bổ nhiệm ông Mikhail Saakashvili làm thống đốc của Odessa ngày 30-5-2015, cựu chủ tịch quốc hội Gruzia Nino Burjanadze có phản ứng rất gay gắt.
"…tôi hoàn toàn tin rằng Ukraine sẽ phải trả giá đắt để lặp lại những sai lầm tương tự mà Gruzia đã mắc phải, trước hết là trong quan hệ đất nước chúng ta khi bổ nhiệm một người đang bị Gruzia truy nã, nhưng hơn hết là hậu quả trong quan hệ với Nga”.
Bà nhấn mạnh, để cho Saakashvili làm Chủ tịch Hội đồng Tư vấn quốc tế về cải cách (IACR), rồi làm Thống đốc chính là một sai lầm lớn. Bởi vì mục tiêu chính của ông ta không phải là để dập tắt ngọn lửa ở Ukraine, ngược lại là “đổ thêm dầu vào lửa, để cho quan hệ với Nga thậm chí còn tồi tệ hơn”.
Muốn biết vị cựu Tổng thống Gruzia đã truyền lại những “kinh nghiệm quý báu” gì trong thời gian đương nhiệm ở đất nước mình cho Ukraine, chúng ta sẽ tìm hiểu trong kỳ sau.
Theo Thiên Nam
Đất Việt