1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Hồ sơ Panama: Nhà giàu Trung Quốc che giấu tài sản khổng lồ

(Dân trí) - Phân tích Hồ sơ Panama cho thấy, gần 1/3 doanh số của công ty Mossack Fonseca đến từ Trung Quốc, trong đó nhiều người nhà của các quan chức cấp cao là khách hàng của hãng luật này.

Nằm khuất dưới bóng của những ngân hàng lớn tại Hong Kong là những hàng dài quầy thu đổi ngoại tệ, chuyên cung cấp dịch vụ nhanh chóng cho những khách hàng vãng lai. Nhưng đằng sau khung cảnh đó, những thương vụ có quy mô lớn hơn rất nhiều âm thầm diễn ra. Tài sản đang được đưa khỏi Trung Quốc đại lục, tới các đại lý thu đổi ngoại tệ tại Hong Kong và xa hơn nữa.


Loạt quầy thu đổi ngoại tệ tại khu vực tập trung khách du lịch ở Hong Kong. (Ảnh: AFP)

Loạt quầy thu đổi ngoại tệ tại khu vực tập trung khách du lịch ở Hong Kong. (Ảnh: AFP)

Tài liệu của hãng luật Mossack Fonseca bị rò rỉ cho thấy cách thức gia đình của những nhân vật có vai vế tại Trung Quốc cất giấu tiền ở nước ngoài. Phân tích của Liên đoàn Phóng viên Điều tra Quốc tế (ICIJ) chỉ ra rằng Trung Quốc chính là thị trường lớn nhất của Mossack Fonseca - công ty chuyên giúp khách hàng thành lập các công ty vỏ bọc tại các thiên đường thuế. Văn phòng của họ tại Hong Kong luôn bận rộn hơn hẳn so với các chi nhánh khác.

1.000 tỷ USD chảy khỏi Trung Quốc

Sự phát triển chóng mặt của Mossack Fonseca tại Trung Quốc là bằng chứng cho thấy một xu hướng đang ngày một rõ ràng: sự lệ thuộc của giới nhà giàu Trung Quốc vào các khoản đầu tư ở nước ngoài.

Theo BBC, trong năm 2015, khoảng 1.000 tỷ USD đã được chuyển khỏi Trung Quốc, khiến dự trự ngoại hối sụt giảm. Đây là sự dịch chuyển có thể gây bất ổn cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Và trong số những người cất giấu tài sản ở nước ngoài có họ hàng của các chính trị gia. Ít nhất 7 lãnh đạo đương nhiệm cũng như đã mãn nhiệm của Trung Quốc bị phát hiện có liên quan đến các công ty ở nước ngoài do Mossack Fonseca thành lập.

Rất nhiều trong số những cái tên này trước đây từng được khẳng định có liên hệ với các ngân hàng ở nước ngoài. Tuy nhiên, những tài liệu bị rò rỉ từ Hồ sơ Panama đến vào đúng thời điểm nhạy cảm tại Trung Quốc.

Theo luật pháp Trung Quốc, sở hữu các công ty ở nước ngoài không hề phạm pháp, nhưng sự tồn tại của các cấu trúc tài chính bí mật sẽ làm dấy lên nhiều câu hỏi về gia đình, họ hàng các quan chức nước này. Các quan chức đảng Cộng sản Trung Quốc, theo điều lệ đảng, phải có một lối sống trong sạch, không vụ lợi từ vị trí, chức vụ. Và quan trọng hơn, gia đình của họ không được trục lợi từ mối quan hệ với các lãnh đạo cấp cao.

Đến nay Bắc Kinh vẫn bác bỏ những cáo buộc trong Hồ sơ Panama về sự dính líu của người thân một số lãnh đạo đến các công ty ở nước ngoài là “vô căn cứ”.

Willy Lam, một nhà phân tích chính trị tại Đại học Hong Kong khẳng định, lâu nay Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn khắc họa mình là “một người theo chủ nghĩa thuần túy về đạo đức và cần kiệm”. Do vậy việc cất giấu lượng lớn tiền ở các tài khoản nước ngoài “rõ ràng đi ngược lại những lời giáo huấn của ông Tập Cận Bình, cũng như những chuẩn mực của đảng Cộng Sản”, nhà phân tích này nói.

Tài khoản ở nước ngoài

Hàng loạt thư điện tử bị rò rỉ của Mossack Fonseca cho thấy công ty này dường như đã hỗ trợ những khách hàng có liên quan đến chính trị trở thành cổ đông các công ty ở nước ngoài, mà không kiểm tra lý lịch của họ theo quy định của luật pháp quốc tế.

Ví dụ, Mossack Fonseca đã giúp ông Deng Jiagui, anh rể của ông Tập Cận Bình, lập ra 3 công ty tại Đảo Virgin. Công ty trên không kiểm tra mối quan hệ của ông Deng với nhà lãnh đạo Trung Quốc, khi giúp ông này mua công ty vào các năm 2004 và 2009.

Không rõ các công ty này được sử dụng cho mục đích gì, nhưng một công ty đã bị giải thể trong khi hai công ty khác không có hoạt động gì ở thời điểm ông Tập trở thành Tổng Bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2012.

Theo tờ Wall Street Journal, điều tra của ICIJ còn cho thấy con rể của phó thủ tướng Trung Quốc Zhang Gaoli là cổ đông 3 công ty ở nước ngoài. Trong khi đó bà Jia Liqing - con dâu của ông Liu Yunshan, ủy viên Thường vụ Bộ chính trị phụ trách tư tưởng và tuyên truyền - là cổ đông và lãnh đạo của một công ty ở nước ngoài. Bà Jia lập công ty có tên Ultra Time Investments Ltd. tại Đảo Virgin năm 2009.

Báo cáo cũng chỉ ra người thân của một loạt cựu quan chức Trung Quốc là lãnh đạo hoặc cổ đông của các công ty được thành lập bởi Mossack Fonseca như: Con gái cựu Thủ tướng Lí Bằng, ông Hu Dehua - con trai cố Tổng Bí thư Hồ Diệu Bang.

Trong số các doanh nhân Trung Quốc bị báo cáo của ICIJ điểm tên hôm 6/4 còn có giám đốc điều hành Chen Dongsheng của hãng bảo hiểm Taikang Life Insurance.Chen là cháu rể của cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình. Ông này thành lập một công ty tại Đảo Virgin năm 2011, và giữ vai trò lãnh đạo và cổ đông duy nhất, theo ICIJ.

Hong Kong - cửa ngõ chuyển tiền lậu

Những gì đang xảy ra tại Mossack Fonseca cũng được lăp lại ở những nơi khác. Những người giàu có tại Trung Quốc đang sử dụng Hồng Kông như một cửa ngõ để bảo vệ tài sản của mình bằng cách chuyển chúng ra nước ngoài.

“Mọi người đang lo lắng về việc giữ tiền tại Trung Quốc vì hai lý do”, Andrew Collier, nhà phân tích độc lập về Trung Quốc cho biết. “Một là kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc. Lý do thứ hai đó là lãnh đạo nước này đang cố gắng bài trừ tham nhũng, và có cảm giác rằng một số người tìm cách đưa tiền ra nước ngoài bởi họ lo lắng về sự an toàn của vốn liếng họ có tại Trung Quốc”.

Trong năm ngoái, khoảng 600 tỷ USD trong số tiền bị chuyển khỏi Trung Quốc là vi phạm các quy định về quản lý ngân hàng. Theo luật, mỗi công dân Trung Quốc một năm chỉ được phép chuyển ra nước ngoài 50.000 USD. Bất kỳ con số nào lớn hơn thường đồng nghĩa với việc phải chuyển lậu.

Một người đổi tiền lậu tiết lộ với BBC rằng, ông bí mật giúp khách hàng chuyển tiền ra nước ngoài bằng cách duy trì số dư lớn tại hàng chục tài khoản “ma” khắp Trung Quốc, Hong Kong, Philippines và Việt Nam. Người này dùng tài khoản được đăng ký dưới tên của những người đã qua đời, để đảm bảo không bị lần ra.

“Tôi nhận tiền của khách hàng vào một tài khoản ở một nước, sau đó chuyển loại ngoại tệ họ cần tới tới một tài khoản khác ở nước khác”, người này nói. Dù vậy người này cho biết sẽ không nhận chuyển nhân dân tệ ra khỏi Trung Quốc. “Tôi đã có có nhiều nhân dân tệ rồi”, đầu lậu này lí giải.

Thanh Tùng

Theo BBC, WSJ