Hezbollah sẽ duy trì huyết mạch thông tin thế nào sau vụ nổ máy nhắn tin?
(Dân trí) - Sau vụ việc hàng nghìn máy nhắn tin và bộ đàm của Hezbollah bị nổ trên khắp Li Băng, câu hỏi đặt ra là nhóm vũ trang này sẽ duy trì liên lạc thế nào trong tương lai để đảm bảo an toàn.
Hàng nghìn máy nhắn tin điện tử trên khắp Li Băng phát nổ đồng loạt vào ngày 17/9, làm 12 người chết và 2.800 người bị thương. Ngày hôm sau, một làn sóng vụ nổ khác xảy ra với bộ đàm khiến 20 người chết và 450 người bị thương. Các cuộc tấn công nhắm vào các thành viên của nhóm Hezbollah.
Hezbollah nhanh chóng cáo buộc Israel đứng sau vụ việc dù Tel Aviv chưa lên tiếng về thông tin này. New York Times dẫn nguồn tin nói rằng, Israel dường như đã tẩm thuốc nổ vào pin của máy nhắn tin và Hezbollah gần đây đã đặt hàng lô máy này về sử dụng.
Những thiệt hại liên quan tới mạng lưới thông tin liên lạc của Hezbollah là điều nhận được sự quan tâm của nhiều chuyên gia.
Tướng Li băng về hưu Naji Malaeb, một chuyên gia về các vấn đề an ninh, cho biết: "Viễn thông là dây thần kinh của các hoạt động quân sự và liên lạc". Ông cảnh báo rằng sự chậm trễ trong liên lạc có thể gây ra thảm họa.
Vào tháng 2, giới lãnh đạo Hezbollah đã cảnh báo các thành viên không mang theo điện thoại di động, vì lo đối thủ Israel có thể xâm nhập vào mạng viễn thông nhà nước Li Băng và theo dõi thông tin liên lạc của nhóm vũ trang.
Máy nhắn tin và bộ đàm đã được lựa chọn. Tuy nhiên, vụ tấn công có thể để lại một khoảng trống về phương thức liên lạc mà Hezbollah cần thay thế.
Vụ nổ ngày 17/9 xảy ra với một loạt máy nhắn tin mới được nhập khẩu, một nguồn tin an ninh nói với AFP. Theo đó, máy nhắn tin được sử dụng "để triệu tập các thành viên đến tiền tuyến, thông báo cho các quan chức hành chính hoặc nhân viên y tế khi cần thiết, đồng thời cũng để cảnh báo về các máy bay không người lái của Israel đang bay trên đầu".
Tác động của vụ việc vẫn nhận được ý kiến trái chiều.
Nhà phân tích quân sự Hisham Jaber, một tướng Li Băng đã nghỉ hưu, cho rằng các máy nhắn tin này không quá quan trọng vì Hezbollah "có các phương tiện liên lạc bí mật khác".
Điều này bao gồm "một mạng lưới viễn thông nội bộ" chạy song song với đường dây điện thoại cố định công cộng của Li Băng và đã được các chỉ huy cũng như quan chức cấp cao của Hezbollah sử dụng trong nhiều năm.
Từ rất lâu, Hezbollah đã có hệ thống cáp quang của riêng họ, một phương thức liên lạc tương đối phức tạp nhưng an toàn hơn.
Ngoài ra, số máy nhắn tin bị nổ là các mẫu mới mà Hezbollah mới sử dụng gần đây và tác động của nó chủ yếu lên các nhân viên dân sự của nhóm, hơn là những quan chức cao cấp và lãnh đạo cấp cao. Điều đó chứng tỏ, Hezbollah vẫn còn những phương thức liên lạc khác.
Bằng chứng là, Hezbollah vẫn tiếp tục phát động các cuộc tấn công vào Israel sau 2 ngày liên tiếp các thiết bị phát nổ. Diễn biến này cho thấy, họ vẫn còn kênh để trao đổi thông tin, ra mệnh lệnh cho các chiến binh.
Tướng quân đội Li Băng đã nghỉ hưu Elias Hanna dự đoán Hezbollah có thể phụ thuộc nhiều hơn vào mạng điện thoại cố định - mạng mà Israel đã cố gắng xâm nhập nhiều lần - trong tương lai, hoặc thậm chí vào các giải pháp công nghệ thấp hơn như gửi thư tay.
"Có lẽ, trong vài trường hợp, họ phải quay lại cách giao tiếp cơ bản, thông qua người đưa thư. Đây là điều thực sự giúp Yahya Sinwar (lãnh đạo Hamas) không bị lộ nơi ẩn náu của ông ta ở Gaza", ông Hanna nhận định.
Nhược điểm của các phương thức thô sơ này chính là thiếu khả năng truyền tin nhanh chóng và cơ động như thiết bị điện tử. Tuy nhiên, chúng có sự an toàn nhất định sau vụ việc máy nhắn tin nổ tung.
Orna Mizrahi, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia có trụ sở tại Tel Aviv và là cựu nhà phân tích tình báo của quân đội Israel, cho biết việc mất khả năng liên lạc qua máy nhắn tin là một "cú sốc lớn" của Hezbollah nhưng nhóm có các phương thức liên lạc khác và sẽ xây dựng lại mạng lưới liên lạc của mình.
Đòn giáng tâm lý mạnh mẽ
Theo bà Mizrahi, thiệt hại lớn nhất đối với Hezbollah trong vụ việc này không phải là mạng lưới liên lạc, mà là về mặt tâm lý chiến đấu.
Bà cho rằng, Hezbollah có thể cảm thấy mất mặt vì tình báo của đối thủ có thể tiếp cận sâu vào trong hệ thống của họ như vậy.
Amal Saad, giảng viên chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Cardiff ở Wales (Anh), người nghiên cứu về Hezbollah, cho biết phần lớn tác động của cuộc tấn công là "sự mất tinh thần và nỗi sợ hãi" mà nó đã gieo rắc.
"Đây không chỉ là một hành vi xâm phạm mạng lưới thông tin liên lạc, mà sẽ tác động tới toàn bộ xã hội, vì mọi người sẽ vô cùng lo ngại khi mọi thứ, bao gồm thiết bị điện tử, đều có nguy cơ bị xâm nhập và cài thuốc nổ", chuyên gia trên nói.
Mohanad Hage Ali, một thành viên cao cấp tại Trung tâm nghiên cứu Trung Đông Carnegie, nói rằng vụ tấn công như đâm một thanh kiếm vào Hezbollah. Hàng trăm người bị thương nặng, trong đó có nhiều người bị mất mắt hoặc tay.
Nhà phân tích quân sự John Spencer nhận định: "Hezbollah sẽ mất niềm tin vào tất cả các thiết bị của họ. Họ sẽ đặt ra loạt câu hỏi liệu thiết bị sẽ nổ tung? Israel có đang theo dõi không? Tác động tâm lý là rất lớn".
Các nhà phân tích cho biết Hezbollah phải đối mặt với một nhiệm vụ to lớn là khôi phục niềm tin vào an ninh thông tin liên lạc của mình.
Amal Saad, nhà nghiên cứu tại Đại học Cardiff của Anh, cho biết: "Đây rõ ràng là một vụ xâm phạm công nghệ và an ninh". Bà nói, Hezbollah "sẽ phải tìm cách chống lại điều này", nhưng "không dễ để tìm ra những loại phương tiện rất thô sơ khác mà Israel không thể xâm phạm. Bạn có thể xâm nhập vào bất cứ thứ gì".