1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hệ lụy từ dự án phát triển thủy điện trên sông Mekong

(Dân trí) - Sự cố vỡ đập thủy điện tại Lào đã cho thấy những thiệt hại trước mắt về người và tài sản, nhưng cũng là lời cảnh báo về những tác động lâu dài của việc mở rộng các dự án thủy điện tại lưu vực sông Mekong.

Cảnh tượng hoang tàn sau sự cố vỡ đập tại Lào

Nhiều ngôi làng tại Lào chìm trong biển nước sau sự cố vỡ đập Xe Pian Xe Namnoy (Ảnh: BBC)
Nhiều ngôi làng tại Lào chìm trong biển nước sau sự cố vỡ đập Xe Pian Xe Namnoy (Ảnh: BBC)

Trong khi cộng đồng quốc tế đang hướng sự tập trung vào các dự án đập đang được vận hành và nằm trong diện quy hoạch trên dòng chảy chính của sông Mekong tại Trung Quốc và Lào, dường như có ít người chú ý tới một thực tế rằng vẫn còn 120 dự án đập nữa đã nằm trong kế hoạch xây dựng tại các nhánh của sông Mekong, và đập thủy điện bị vỡ tại tỉnh Attapeu ở phía nam Lào hôm 23/7 chỉ một trong số các đập như vậy.

Công trình đập thủy điện Xe Pian Xe Namnoy tại tỉnh Attapeu, đông nam Lào bị vỡ khi đang thi công đã trút lượng nước khổng lồ xuống hạ lưu khiến nhiều ngôi làng bị ngập nặng. Nhiều người đã thiệt mạng và mất tích sau sự cố vỡ đập với kinh phí xây dựng hơn 1 tỷ USD này.

Mặc dù một số đập trên sông Mekong có quy mô tương đối nhỏ, song cũng có những đập được xây dựng với quy mô rất lớn, chẳng hạn đập thủy điện Hạ Se San 2 ở phía tây bắc Campuchia với công suất 400 MW và có thể tác động rất lớn tới nguồn cá trên sông Mekong.

Theo nhà phân tích Milton Osbourne của trang mạng The Interpreter, Lào mới là quốc gia đang đẩy mạnh việc xây dựng các đập thủy điện trên các nhánh của sông Mekong. Tham vọng phát triển đập thủy điện Lào không chỉ dừng lại tại hai con đập trên dòng chính sông Mekong là Xayaburi và Don Sahong, mà còn tiếp tục phát triển các dự án đập trên các nhánh phụ của sông này.

Sơ đồ các đập chính trên sông Mekong (Ảnh: BBC)
Sơ đồ các đập chính trên sông Mekong (Ảnh: BBC)

Với vị trí thuận lợi trên sông Mekong, Lào có điều kiện rất tốt để phát triển các dự án thủy điện. Hiện Lào đang có 10 đập thủy điện được đưa vào sử dụng, gần 20 công trình đập thủy điện đang xây dựng và hàng chục dự án khác đã được lên kế hoạch.

Kế hoạch của nước này là xây dựng 100 đập thủy điện trước năm 2020 và để phục vụ mục tiêu này, Lào dự tính sẽ bổ sung thêm 54 đường dây tải điện và 16 trạm biến áp. Đây là một phần trong kế hoạch của Lào để trở thành “nguồn pin của Đông Nam Á”. Năm 2017, điện chiếm 23% trong kim ngạch xuất khẩu của Lào, tăng 12% so với năm 2010, theo Economist.

Mặc dù Trung Quốc thường được xem là quốc gia đóng vai trò quan trọng trong các dự án phát triển đập trên sông Mekong, đơn vị chịu trách nhiệm xây đập Xe Pian Xe Namnoy vừa bị vỡ của Lào là công ty liên doanh của Thái Lan và Hàn Quốc. Mục tiêu của đập này sau khi được đưa vào vận hành là chủ yếu xuất khẩu điện sang Thái Lan.

Tác động lâu dài

Một ngư dân Lào quăng lưới trên sông Mekong (Ảnh: AFP)
Một ngư dân Lào quăng lưới trên sông Mekong (Ảnh: AFP)

Sự phát triển rầm rộ của các dự án đập trên sông Mekong dường như đi ngược lại với nội dung của bản báo cáo dài 3.600 trang do Ủy ban Sông Mekong công bố hồi tháng 4. Bản báo cáo này đã cho thấy một tương lai không mấy tích cực về tương lai của dòng sông này. Trong khi đó, các nhà môi trường học cũng nhiều lần cảnh báo về hệ quả của các dự án đập thủy điện tại Lào.

Báo cáo của Ủy ban Sông Mekong ước tính cho tới năm 2040, nguồn cá tại sông Mekong sẽ sụt giảm đáng kể, trong đó tỷ lệ giảm theo từng nước như sau: Thái Lan - 55%, Lào - 50%, Campuchia - 35% và Việt Nam - 30%. Sự sụt giảm này sẽ có tác động rất lớn tới đời sống của người dân tại các nước thuộc lưu vực sông Mekong. Chẳng hạn tại Campuchia, 80% lượng tiêu thụ protein động vật hàng năm của người dân do nguồn cá từ hệ thống sông Mekong cung cấp. Lượng cá sụt giảm cũng ảnh tưởng tới kế sinh nhai của nhiều người dân sống ở các khu vực dọc sông Mekong.

Mặc dù báo cáo chỉ ra rằng sẽ có một số lợi ích trước mắt trong lĩnh vực nông nghiệp khi các đập thủy điện chủ động điều chỉnh dòng chảy của sông Mekong, tuy nhiên những thay đổi về lâu dài sẽ ảnh hưởng tới hệ sinh thái của dòng sông này, dẫn tới giảm độ màu mỡ trong đất do lượng phù sa chảy xuống hạ lưu không còn nhiều như trước.

Báo cáo của Ủy ban Sông Mekong ước tính nếu Lào đạt được các mục tiêu xây đập của nước này, lượng phù sa chảy xuống khu vực hạ lưu châu thổ sẽ giảm xuống chỉ còn bằng 2/3 so với mức năm 2007. Từ đó, sản lượng lúa gạo cũng có nguy cơ sụt giảm do tác động của các dự án đập thủy điện.

Người dân Lào tập trung trên mái nhà chờ cứu hộ sau sự cố vỡ đập thủy điện (Ảnh: Reuters)
Người dân Lào tập trung trên mái nhà chờ cứu hộ sau sự cố vỡ đập thủy điện (Ảnh: Reuters)

Việc xây dựng các đập đã biến một dòng sông chảy bình thường thành một chuỗi các hồ chứa. Theo Tổ chức Sông ngòi quốc tế có trụ sở tại Mỹ, việc xây đập sẽ cản trở quá trình sinh sản của các loài cá, trong đó có những loài cá nước ngọt lớn nhất tại sông Mekong. Đó là chưa kể tới nguy cơ lũ lụt có khả năng đe dọa tới môi trường và cuộc sống của người dân ở hạ lưu.

Tổ chức Sông ngòi Quốc tế, tổ chức phi chính phủ từng nghiên cứu về các nguy cơ trên sông Mekong, cho biết các thiết kế đập tại Lào dường như không đủ khả năng chống chọi với các điều kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt do biến đổi khí hậu. Trong khi đó hệ thống cảnh báo sớm trước khi xảy ra sự cố không hoạt động hiệu quả. Do vậy, việc đảm bảo an toàn cho cuộc sống của người dân ở khu vực hạ lưu là rất quan trọng trong bối cảnh Lào phát triển hàng loạt dự án đập thủy điện như hiện nay.

Báo cáo của Ủy ban Sông Mekong cho biết tác hệ quả sau cùng cho sự phát triển ồ ạt các dự án thủy điện trên sông là sự sụt giảm về tăng trưởng GDP của các nước trong khu vực. Tuy vậy cho đến nay các dự án xây dựng đập vẫn là chủ đề gây tranh cãi liên quan tới những tác động mà chúng mang lại cho các quốc gia tại lưu vực sông Mekong.

Phối cảnh đập thủy điện Xe Pian Xe Namnoy (Ảnh: PNPC)
Phối cảnh đập thủy điện Xe Pian Xe Namnoy (Ảnh: PNPC)

Thành Đạt

Tổng hợp