1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Lời cảnh báo trên mẩu giấy trước giờ vỡ đập tại Lào

(Dân trí) - Chính quyền địa phương đã phát đi cảnh báo tới người dân bằng một tờ giấy có hình bản đồ trước khi xảy ra sự cố vỡ đập thủy điện tại tỉnh Attapeu, Lào vào đêm 23/7.

Bản làng Lào ngập trong bùn đỏ khi nước rút sau sự cố vỡ đập


Đội cứu hộ Thái Lan cõng một em nhỏ qua sông tại tỉnh Attapeu (Ảnh: AFP)

Đội cứu hộ Thái Lan cõng một em nhỏ qua sông tại tỉnh Attapeu (Ảnh: AFP)

Cũng như những người dân khác sống ở khu vực gần đập thủy điện Xe Pian Xe Namnoy tại tỉnh Attapeu, Pattumma Buamala không có nhiều thời gian để chuẩn bị đối phó với thảm họa vỡ đập. Ngày 22/7, chính quyền địa phương đã phát đi cảnh báo tới người dân sống tại làng Tha Hin Tai của Pattumma. Đó là lời nhắn được ghi trên một mảnh giấy có hình bản đồ, nhắc nhở 200 gia đình phải cẩn thận song không yêu cầu họ sơ tán.

Ngày hôm sau, làng Tha Hin Tai và một số ngôi làng lân cận đã bị nhấn chìm trong biển nước khi công trình đập đang thi công gặp sự cố. Vào khoảng 20 giờ ngày 23/7, Pattumma đã nghe thấy âm thanh khiến cô quyết định rằng đã đến lúc phải bỏ chạy, nếu không tất cả sẽ chết.

“Tôi nghe thấy tiếng nước chảy và bắt đầu chạy. Cảnh tượng giống như ngoài biển vậy. Nước dâng lên quá nhanh và làm ngập nhà tôi. Nước dâng từ bụng lên đầu tôi và cứ một giờ tăng lên một mét. Một số người không thể chạy nhanh được. Họ đã chết”, Pattumma Buamala kể lại với hãng tin CNA tại trường trung học Sanamxai - nơi cô đang ở cùng 1.300 người khác tại một trại sơ tán đặt trong khuôn viên trường.

Theo Pattumma, cảnh báo của chính quyền Lào trước khi xảy ra sự cố “không rõ ràng”. Điều này dẫn đến việc người dân sống trong làng chỉ bắt đầu sơ tán sau khi đập đã vỡ vào tối 23/7. Cả gia đình Pattumma bị mắc kẹt trên mái nhà tới 9 giờ sáng hôm sau trước khi được giải cứu tới nơi an toàn.

“Đến lúc đó, nhiều người đã chết rồi. Dòng nước đục đã cuốn họ đi”, Pattumma nhớ lại.

Trước khi đến được nơi trú ẩn, cả gia đình Pattumma gồm 4 người đã phải bất chấp mạng sống để đương đầu với những đợt sóng nước khổng lồ. Suốt nhiều giờ trong bóng tối, họ phải chạy, bơi và bám vào cành cây khi những luồng nước và bùn rất mạnh phá hủy nhà cửa và cuốn trôi những người hàng xóm của họ, trong đó có nhiều đứa trẻ không biết bơi và những người dân bị mắc kẹt trong nhà hoặc không kịp sơ tán.

Tính đến nay, truyền thông Lào đưa tin có 27 nạn nhân thiệt mạng sau sự cố vỡ đập. Con số này có thể sẽ còn tăng lên khi chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ vẫn đang diễn ra bất chấp khó khăn về thời tiết.

Viện trợ khó khăn

Hàng cứu trợ chuyển bằng trực thăng tới trường Sanamxai (Ảnh: Mediacorp)
Hàng cứu trợ chuyển bằng trực thăng tới trường Sanamxai (Ảnh: Mediacorp)

Tại huyện Sanamxai ở phía nam tỉnh Attapeu, nơi chính phủ Lào tuyên bố là vùng thảm họa, công tác cứu trợ diễn ra chậm chạp. Các nhóm cứu trợ địa phương và quốc tế gặp nhiều khó khăn do thời tiết mưa gió và cơ sở hạ tầng không thuận lợi.

Con đường chính từ trung tâm tỉnh Attapeu tới các trại sơ tán ngập trong bùn lầy, trơn trượt với nhiều ổ gà, trong khi các cây cầu gỗ bắc qua một số tuyến đường quá nhỏ để xe tải có thể chuyển hàng cứu trợ chạy qua. Hầu hết hàng cứu trợ được chuyển từ trung tâm thủ đô Vientiane tới Attapeu. Một số hàng được chuyển bằng trực thăng, trong khi một số khác được chuyển bằng đường bộ nhưng phải mất tới 2 ngày mới tới được tay người dân.

5 ngày sau thảm họa vỡ đập, nhiều hàng viện trợ đã được gửi đến các trại sơ tán chính ở Attapeu và Pakxong, từ quần áo, đồ đóng hộp, thiết bị lọc nước và thuốc men. Tuy nhiên, đội cứu trợ không chắc số lượng hàng như vậy đã đủ hay chưa vì hàng nghìn người dân bị mất nhà cửa có thể sẽ ở lại các trại sơ tán trong nhiều tháng.

Ông Viengxay Xaysombath, lãnh đạo Hội Chữ Thập đỏ Lào, lo ngại về vấn đề vệ sinh tại các trại sơ tán. Nhiều gia đình sống chen chúc trong các phòng học chật chội tại trường trung học Sanamxai. Họ dùng chung vài nhà vệ sinh ít ỏi và ăn uống chung.

“Phải cần thêm sự giúp đỡ nữa. Hiện chưa có đủ chỗ ở cho những người dân bị mất nhà cửa. Chúng tôi chỉ có vài máy lọc nước, lọc được khoảng 600-700 lít nước sạch mỗi giờ. Chừng đó không đủ”, ông Viengxay cho biết.

Những đứa trẻ ăn cháo tại trại sơ tán ở Sanamxai (Ảnh: Mediacorp)
Những đứa trẻ ăn cháo tại trại sơ tán ở Sanamxai (Ảnh: Mediacorp)

Đối với những gia đình buộc phải sơ tán khẩn cấp như Pattumma, hàng cứu trợ không phải là nỗi lo duy nhất của họ lúc này. Cuộc sống tại trại sơ tán khiến họ không ngừng suy nghĩ về những gì họ mất đi chỉ trong một đêm, từ nhà cửa, bố mẹ, con cái, gia súc và hàng nghìn hecta hoa màu vốn là nguồn sống duy nhất của cả gia đình.

“Tôi cảm thấy khủng khiếp. Tôi không còn lại gì cả, nhà cửa, trâu bò. Tôi không kịp mang theo bất kỳ thứ gì. Các cháu của tôi đã chết. Hai anh chị của tôi cũng mất. Họ bị mắc kẹt trong nhà”, Saew, 39 tuổi, cho biết.

Truyền thông địa phương đưa tin khoảng 6.600 người đã bị mất nhà cửa sau thảm họa vỡ đập trong tuần này. Báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết số người bị ảnh hưởng lên tới 11.777 người.

Tính riêng tại huyện Sanamxai, 3.843 người dân và 1.578 gia đình đã bị ảnh hưởng bởi sự cố vỡ đập và 2.030 hecta đất nông nghiệp bị phá hủy. Trong khi đó, số người thiệt mạng, mất tích và bị ảnh hưởng vẫn chưa rõ ràng do chính phủ Lào bị thiếu thông tin.

Theo Hội Chữ thập đỏ Lào, khu vực bị tàn phá rất rộng và quá trình phục hồi có thể sẽ mất một thời gian dài. Nhiều người mắc kẹt tại các khu vực ngập lụt vẫn đang chờ được giúp đỡ, song việc tiếp cận vị trí của họ gặp nhiều khó khăn do bùn quá dày.

“Nhiều thi thể vẫn đang bị chôn vùi trong bùn hoặc mắc kẹt trên các ngọn cây”, ông Viengxay cho biết.

“Cuộc tìm kiếm rất phức tạp, nhiều khu vực không thể tiếp cận bằng ô tô hoặc thuyền. Ngoài ra, chúng tôi cũng chỉ có số lượng trang thiết bị hiện đại hạn chế để đưa tới hiện trường. Chúng tôi không thể tìm thấy thông tin về 1.126 người”, bà Meenaporn Chaichompoo, quan chức tỉnh Attapeu, xác nhận.

Người dân Lào sơ tán sau sự cố vỡ đập thủy điện

Thành Đạt

Theo CNA

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm